Tuyển sinh ĐH 2022: Thí sinh chọn khối ngành sức khỏe cần lưu ý gì?

Hà Ánh
Hà Ánh
15/02/2022 16:35 GMT+7

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành sức khỏe có gì mới?' do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 15.2, các chuyên gia khuyên thí sinh cần lưu ý ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Chương trình “Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành sức khỏe có gì mới?” nằm trong chuỗi tư vấn truyền hình trực tuyến năm 2022 về chọn lựa ngành học và tuyển sinh ĐH

lê thanh hải

Ngay đầu chương trình, chị Thủy (một phụ huynh tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã gửi câu hỏi đến chương trình: “Con gái tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình điều kiện tốt. Từ nhỏ đến lớn cháu không hề thiếu thứ gì, được yêu thương, chăm sóc chu đáo cẩn thận… và cháu mong muốn trở thành bác sĩ".

Về sức học, chị Thủy nghĩ rằng đó không phải là vấn đề lớn đối với con gái mình. Tuy nhiên, là một người mẹ, chị cảm nhận đây là công việc không phù hợp với con gái. Chị Thủy chia sẻ: "Có thể nói, từ nhỏ đến lớn con gái chưa bao giờ thấy những gì liên quan đến “khổ đau”. Kể cả khi cháu bệnh, chúng tôi cũng cho cháu khám ở những bệnh viện tư có điều kiện tốt, không phải xếp hàng dài chờ đợi, bác sĩ nhỏ nhẹ, tận tình, phòng ốc hiện đại… Do đó, ngành y với cháu có thể là một hình ảnh đẹp, đầy màu hồng".

"Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhìn thấy lực lượng y tế ngày đêm chống dịch, vất vả, hy sinh nhiều, tôi ngưỡng mộ nhưng đồng thời cho con gái thấy “mặt sau” của nghề y, không chỉ có những vinh quang như cháu nghĩ. Nhưng cháu vẫn thiết tha chọn y khoa. Tôi thật sự mong cháu hạnh phúc với cuộc sống, với công việc sau này và tôi biết cháu rất yếu đuối, sẽ không phù hợp với nghề y, cần nhiều bản lĩnh. Tôi cần làm gì để có quyết định hợp lý?”, chị Thủy hỏi.

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nói: "Tôi rất đồng cảm và chia sẻ với tâm sự của phụ huynh này. Ngành y là ngành đặc thù với điểm số trúng tuyển cao, thời gian học dài và vất vả khi sinh viên phải trực tiếp học lâm sàng".

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Đào Học Thạch

"Hai năm qua dịch Covid-19 cũng lột tả những vinh quang, vất vả và cả cạm bẫy, cám dỗ của công việc này. Nhưng trong bối cảnh đó, thí sinh vẫn quan tâm chọn lựa ngành học này. Phụ huynh và thí sinh có thể cùng nhau chia sẻ quan điểm của mình, thí sinh có thể nêu vì sao lựa chọn ngành học đó để thuyết phục bố mẹ. Từ đó, cả hai bên cùng có sự thống nhất để học ngành đam mê và phụ huynh cũng an tâm với lựa chọn của con mình" tiến sĩ Hải lưu ý.

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng câu chuyện băn khoăn kể trên cũng khá thường gặp trong các mùa tuyển sinh. "Do đó, phụ huynh cần trao đổi thẳng thắn, cởi mở với thí sinh. Hậu quả của việc lựa chọn không phù hợp, kể cả thí sinh cho rằng là phù hợp, thì cũng gây nên những hệ quả rất lớn. Nếu điều gì đó trong thời điểm này chưa có kết luận hoàn toàn thỏa đáng, thì trong năm 1 vào ĐH, sinh viên vẫn còn những cơ hội để sửa đổi ngành học", tiến sĩ Lưu nói.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang

Bên cạnh đó, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nói: "Chọn ngành mà mình đam mê thực sự là khởi đầu của thành công, để từ đó các bạn trẻ có thể vượt qua mọi khó khăn, theo đuổi đến cuối cùng. Phụ huynh không nên áp đặt mà cần lắng nghe, trao đổi để hỗ trợ con đi đến với lựa chọn, đam mê của mình".

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khuyên phụ huynh trong thời điểm này không nên để xảy ra những căng thẳng không đáng có với thí sinh.

"Để chứng minh con mình có phù hợp với nghề hay không thì có thể tham gia các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp con tìm kiếm những cơ hội để trải nghiệm thực tế của nghề nghiệp hoặc sử dụng những tấm gương xung quanh, kể cả người thành công và không thành công trong công việc này. Lĩnh vực y tế cũng có rất nhiều vị trí công việc khác nhau, mình có thể mở rộng góc nhìn để cân nhắc lựa chọn thêm", tiến sĩ Phương nói.

Nhóm ngành bắt buộc phải có điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT

Theo tiến sĩ Hải, khoa học sức khỏe là 1 trong 2 nhóm ngành bắt buộc phải có điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Năm 2022, Bộ GD-ĐT chưa có quy chế tuyển sinh chính thức nhưng theo thông tin đã công bố, việc tuyển sinh năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Theo quy định đó, thí sinh khi xét tuyển vào các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cần đạt tiêu chuẩn về học lực. Ngoài điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT, nhiều trường có những quy định riêng. Riêng Trường ĐH Duy Tân có xét tuyển 4 ngành liên quan đến khối ngành này: y khoa, dược học, điều dưỡng, răng-hàm-mặt, tiến sĩ Hải lưu ý.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có đào tạo các ngành liên quan đến khoa học sức khỏe gồm: y khoa, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học… Ngoài ra, còn có các ngành liên quan gồm: kỹ thuật y sinh, vật lý y khoa, quản lý bệnh viện.

"Trường xét tuyển các ngành này dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM. Riêng về điểm nhận hồ sơ, thí sinh cần lưu ý, từ điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển từng trường. Trong trường hợp đó, mỗi hình thức và mỗi đợt nhận hồ sơ có ngưỡng điểm khác nhau. Ở mỗi trường, mỗi phương thức và đợt xét tuyển điểm chuẩn các ngành này có thể khác nhau", tiến sĩ Lưu chia sẻ.

Tiến sĩ Tuấn cho biết Trường ĐH Văn Lang đang đào tạo 4 ngành: răng-hàm-mặt, dược, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm. Năm nay, trường mở thêm 2 ngành gồm y khoa và y học cổ truyền. Căn cứ vào xét học bạ, thí sinh muốn xét tuyển ngành y dược và răng hàm mặt cần có kết quả học lực lớp 12 phải đạt loại giỏi. Các ngành khác học lực lớp 12 cũng cần loại khá. Điểm chuẩn có thể cao hơn 1 - 2 điểm so với năm trước thì có thể trúng tuyển. "Về tố chất khối ngành sức khỏe, người học phải có sự ân cần, đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của người khác. Ngoài ra, nắm vững kiến thức hóa, sinh và tiếng Anh sẽ giúp học tốt ngành học này", tiến sĩ Tuấn lưu ý.

Thạc sĩ Phương thông tin, năm nay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển sinh 59 ngành theo 4 phương thức. Riêng với khối ngành sức khỏe, trường cũng có quy định nhận hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn, đối với ngành dược theo phương thức xét tuyển học bạ thì trường nhận hồ sơ từ 24 điểm, kèm điều kiện học lực theo quy định chung. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã bắt đầu nhận hồ sơ tất cả các ngành theo phương thức học bạ, gồm ngành sức khỏe. Tuy nhiên, thí sinh có thể tham khảo thêm những ngành liên quan, ngành gần với khối ngành sức khỏe này.

Lưu ý ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển

Tiến sĩ Hải khuyên thí sinh cần lưu ý ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển với khối ngành sức khỏe. Bên cạnh ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, điểm nhận hồ sơ là do từng trường quy định.

Còn theo tiến sĩ Lưu, thí sinh cũng cần lưu ý, với những trường có xét tuyển nhiều đợt, điểm nhận hồ sơ đợt sau cần phải bằng hoặc cao hơn so với đợt trước đó. Xu hướng liên thông giữa các ngành trong đào tạo ĐH đang ngày càng rõ rệt hiện nay. Việc người học có từ 2 văn bằng trở lên hiện nay đang rất thuận lợi. Ngoài học song ngành, trường còn có chương trình liên xuyên ngành để người học có thêm những lựa chọn khác.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Tuấn cho hay hiện có 2 ngành không thuộc khối ngành sức khỏe nhưng liên quan là công nghệ sinh học y dược, công nghệ thẩm mỹ. Người học có thể làm việc trong các bệnh viện khi ra trường. Trường ĐH Văn Lang hiện đã đầu tư phòng khám đa khoa vừa kinh doanh, vừa để sinh viên thực hành với sự đầu tư rất lớn, theo tiến sĩ Tuấn.

Về phía Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Phương cho hay sức khỏe còn là ngành "hot" với số lượng hồ sơ nộp vào rất đông, điểm chuẩn thường ở top đầu.

Vì vậy, theo thạc sĩ Phương, thí sinh cần thật thông minh trong lựa chọn, cân nhắc sắp xếp nguyện vọng. Cách xét tuyển của các trường là nhận hồ sơ và xét tuyển từng đợt. Mỗi đợt sẽ có mức điểm chuẩn dựa trên số lượng hồ sơ được nộp vào từng ngành. Một số ngành hot có thể sẽ không còn nhận hồ sơ ở các đợt sau. Do đó, thạc sĩ Phương khuyên thí sinh cần cân nhắc đến đợt xét tuyển, thứ tự nguyện vọng để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Đồng thời, tiến sĩ Hải cho biết khối ngành khoa học sức khỏe có đặc thù riêng do liên quan đến tính mạng con người nên các trường đầu tư rất lớn, với phòng thực hành để người học có thể tiếp cận với những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, những người theo ngành này cũng cần có sức khỏe tốt để thực tập tại bệnh viện, trực đêm và tinh thần phải hết sức tỉnh táo.

"Về cơ hội việc làm trong khối ngành sức khỏe, chúng ta có thể thấy trong 2 năm dịch bệnh, có khá nhiều người nghỉ việc do áp lực công việc và thu nhập chưa xứng đáng. Tuy nhiên, đó vẫn là công việc được đánh giá rất cao quý, mang lại niềm vui cho nhiều người và gia đình", tiến sĩ Hải nói.

Do vậy, theo tiến sĩ Hải, những thí sinh vẫn mạnh dạn xin gia đình được theo học ngành này trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn là điều rất đáng quý. "Vấn đề còn lại là người học cần có đủ kiến thức để theo đuổi ngành học tới cùng. Mỗi ngành có vẻ đẹp riêng, thuyết phục người học đi theo. Nếu yêu thích và quyết định học thì thí sinh nên tìm hiểu thông tin kỹ hơn ở các trường, học phí cao nhưng học bổng cũng rất cao. Chẳng hạn, Trường ĐH Duy Tân có học bổng toàn phần", tiến sĩ Hải chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.