Giá USD trong ngân hàng tăng gần 2%
Hôm qua (22.3) các ngân hàng (NH) đã tăng giá USD thêm 10 - 20 đồng. Cụ thể, Vietcombank mua vào 24.630 đồng, bán ra 24.970 đồng; Eximbank mua vào 24.660 đồng, bán ra 24.970 đồng; Sacombank mua vào 24.653 đồng, bán ra 24.998 đồng… Trên thị trường liên NH, giá đồng bạc xanh cũng tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 52 tuần qua khi các NH giao dịch USD ở mức giá 24.805 đồng.
Có thể thấy, chỉ trong vòng 2 tuần qua, giá USD liên tục đi lên với mức tăng gần 0,7%. Còn so với đầu năm, giá USD trong NH tăng 480 đồng, tương đương tăng 1,95%. Riêng đối với thị trường liên NH, giá đồng bạc xanh tăng 2,29% từ đầu năm đến nay. Trên thị trường tự do, giá USD ngày 22.3 tăng thêm 20 đồng, mua vào 25.470 đồng, bán ra 25.550 đồng và tổng cộng tăng 3,4% so với đầu năm.
Đáng chú ý, giá USD vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút mạnh tiền. Liên tục trong vòng 10 ngày gần đây, NHNN đã phát hành tín phiếu và hút về tổng cộng 144.700 tỉ đồng (tương ứng hơn 5,788 tỉ USD). Tuy nhiên, động thái hút tiền dư thừa của nhà điều hành vẫn không làm cho lãi suất tiền đồng liên NH tăng lên mà lại có xu hướng ngày càng giảm. Chẳng hạn, ngày 22.3, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH giảm về sát mức "đáy", dao động từ 0,2 - 5,2%/năm tùy theo kỳ hạn.
Như vậy, lãi suất đã giảm từ 0,01 - 0,66%/năm trong tuần qua. Trong khi đó, lãi suất USD khá ổn định ở mức cao, từ 5,2 - 5,7%/năm ở các kỳ hạn. Điều này tạo cho khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD gia tăng từ 0,5 - 5%/năm. Thông thường, chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD càng tăng cao sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Biến động vàng: Giá USD ngày 22.3.2024
Theo báo cáo phân tích do Công ty CP chứng khoán VNDIRECT vừa công bố, động thái phát hành tín phiếu của NHNN không nhằm mục đích thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại mà chỉ là biện pháp ngắn hạn tạm thời nhằm hấp thụ thanh khoản dư thừa trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu, góp phần ổn định tỷ giá VND và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong nước.
Giá USD tăng trong thời gian gần đây đến từ kim ngạch nhập khẩu tháng 2 tăng 17,1% so với cùng kỳ cũng dẫn đến nhu cầu USD cao hơn để thanh toán hóa đơn nhập khẩu. Đối với tỷ giá tự do tăng cao lên trên 25.500 đồng cho thấy dòng tiền đầu cơ vào các tài sản thay thế như tiền điện tử và vàng. Hơn nữa, sự chênh lệch đáng kể về lãi suất giữa các giao dịch bằng VND và USD cũng là một yếu tố góp phần khiến USD tăng giá trong thời gian gần đây.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Nhu cầu USD trên thị trường tăng lên khá cao trong đầu năm nay. Hơn nữa, thị trường USD tự do chịu sự ảnh hưởng từ thị trường vàng khá nhiều. Chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới khiến nhu cầu ngoại tệ cũng đi lên. Thêm vào đó, khi giá vàng ở mức cao và có nhiều rủi ro trong thời gian tới khi mua vào, xu hướng chuyển dịch qua các tài sản khác, trong đó có USD.
Ngoài ra, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu có nhu cầu thanh toán tăng cao, cộng thêm trả nợ nước ngoài. Đối với nguồn cung ngoại tệ đến từ con số cả nước xuất siêu 6,2 tỉ USD, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều khi còn ở dưới dạng trả chậm nên nguồn cung thật sự chưa về đến VN. Thậm chí những DN xuất khẩu nhận ngoại tệ về nhưng thấy USD tăng nên có tâm lý giữ USD chưa bán ra ngay. Chính vì vậy mà nguồn ngoại tệ này không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ông Hiếu dự báo giá USD trong thời gian tới sẽ tăng bởi Mỹ vẫn giữ lãi suất USD ở mức cao. Khi USD thế giới cao thì giá USD trong nước cũng khó có thể giảm. Nhưng hoạt động hút tiền của NHNN trên thị trường mở liên tục những ngày qua sẽ chặn đà tăng giá của USD.
Doanh nghiệp lo giá hàng hóa, chi phí tăng cao
Giá USD tăng cao từ đầu năm đến nay khiến cho nhiều DN lo lắng. Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, giá USD tăng nhanh ngoài dự tính của DN. Một ví dụ đơn giản là nếu DN nhập khẩu 1 triệu USD vào cuối năm 2023 thì nay đã phải chi ra thêm hơn 600 triệu đồng khi giá USD trong các NH thương mại từ dưới 24.400 đồng/USD nay đã đạt 25.000 đồng.
Như vậy, DN càng nhập khẩu nhiều thì chi phí sẽ càng tăng. Theo lý thuyết hay khi thị trường sôi động thì nhiều DN sẽ tăng giá bán ra tương ứng, đồng nghĩa là người tiêu dùng sẽ mua hàng đắt hơn. Thế nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu dùng xuống thấp, doanh số giảm mạnh nên DN phải khá cân nhắc khi quyết định tăng giá bán.
"Trong bối cảnh sức mua yếu thì DN không dám tăng giá bán tương ứng với mức tăng của tỷ giá USD/VND. Vì tăng vậy thì không bán được hàng, chỉ có thể tăng nhẹ. Như vậy cả DN lẫn người tiêu dùng đều phải chịu mức chi phí tăng thêm này do biến động của tỷ giá ngoại tệ. DN chỉ mong tỷ giá ổn định", ông Trần Văn Trường chia sẻ.
Không chỉ những DN nhập khẩu hàng hóa đau đầu khi giá USD tăng cao mà có đơn vị xuất khẩu cũng không thấy vui. Nhiều DN dệt may, da giày… cho hay chi phí nhập khẩu nguyên liệu đều bị đội lên đáng kể vì tỷ giá tăng. Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, lý giải thông thường khi giá USD tăng thì các công ty xuất khẩu dệt may, da giày sẽ thu được nhiều tiền hơn. T
uy nhiên, thực tế thì không phải công ty nào cũng sẽ hưởng lợi, nhất là những DN nhỏ. Bởi rất nhiều DN của ngành da giày chỉ đang thực hiện gia công cho các hãng ngoại. Đơn giá cho một đôi giày nữ trong gần 10 năm qua hầu như không thay đổi, vẫn xoay quanh khoảng 10 USD/đôi. Trong đó, 80% là giá nguyên phụ liệu và phần còn lại là tiền công của DN. Do vậy giá USD tăng thì DN cũng chi ra gần hết khi mua nguyên phụ liệu và phần còn lại thu về là không đáng kể.
Hơn nữa, khi DN có lượng USD thu về đều bán lại ngay cho NH để chuyển sang tiền đồng nhằm được hưởng lãi suất vì để USD thì lãi suất là 0%. Do đó theo ông Linh, DN chỉ mong tỷ giá ổn định là tốt nhất vì sẽ không có những xáo trộn trong hoạt động kinh doanh.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ ngày 14.3 vừa qua, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cũng cho hay hãng này đã qua giai đoạn khó khăn nhất, hồi phục 80 - 90% đường bay so với trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, cứ tỷ giá thay đổi 1% thì hãng bay sẽ tăng chi phí thêm 300 tỉ đồng. Nếu tỷ giá biến động 4%, chi phí một năm của hãng bay này tăng lên 1.200 tỉ đồng. "Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể", ông Hòa nói.
Ổn định tỷ giá cũng là đề nghị được ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), nêu lên. Dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện là 38.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỉ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Ông cho rằng thời gian qua NHNN đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp DN giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Tập đoàn rất mong trong thời gian tới, NHNN sẽ có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định.
Áp lực tỷ giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND biến động mạnh hơn nhiều so với dự báo của các định chế tài chính trước đó. Mặc dù NHNN đã có phản ứng khá nhanh khi phát hành tín phiếu hút tiền về song tỷ giá vẫn chưa được hạ nhiệt đáng kể. Dù vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm, khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, đồng thời Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, việc NHNN thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng cũng có thể tác động tích cực hơn tới tỷ giá.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nêu 3 lý do chính để USD tăng. Thứ nhất, USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Ngoài ra, Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Hiện nay, thị trường tương lai đã lùi thời điểm Fed hạ lãi suất xuống tháng 6 hoặc lâu hơn thay vì tháng 3 như dự báo vào cuối năm 2023. Đồng thời, chênh lệch lãi suất giữa USD - VND vẫn ở mức cao. Thứ hai, một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước vào đầu năm.
Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Lý do cuối cùng là hiện tượng đầu cơ. Ngoài ra, VND mất giá trong khi những đồng tiền khác mạnh lên so với USD là bởi VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Đồng thời, mặc dù cán cân thanh toán dương nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm. TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: "Tỷ giá tăng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn không quá lo ngại do thời gian tới Fed sẽ giảm lãi suất".
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá tỷ giá USD/VND thời gian qua tại VN biến động mạnh chủ yếu trên thị trường tự do. Từ đó gây áp lực lên tỷ giá chính thức trong hệ thống NH thương mại. Giá USD tự do lên cao do vàng tăng quá mạnh và chênh lệch giá trong nước với thế giới cũng đạt mức cao nên có thể gây ra hiện tượng nhập vàng lậu. Từ đó thúc đẩy nhu cầu gom mua USD tự do. Đồng thời khi giá USD tăng lại "kích hoạt" tâm lý của một bộ phận DN lẫn người dân gia tăng tích trữ đồng USD để bảo toàn tài sản.
Tất cả điều đó khiến nhu cầu về USD lên cao hơn bình thường. Trong khi đó, chỉ số USD-Index chỉ mới tăng trở lại vài ngày qua trong khi những tuần trước cũng chỉ dao động ở mức thấp. Hay có thể nói đồng bạc xanh trên thị trường thế giới biến động thấp hơn.
"Do nhu cầu về USD tại VN, nhất là tâm lý tích trữ bằng đồng ngoại tệ, gia tăng khi thị trường vàng biến động mạnh. NHNN đã sử dụng công cụ hút bớt lượng tiền trên thị trường liên NH và có thể sẽ tiếp tục sử dụng giải pháp này. Trong tuần qua, ngay sau khi NHNN hút tiền thông qua việc phát hành tín phiếu thì tỷ giá cũng hạ nhiệt. Tôi cho rằng đây chỉ là biến động ngắn hạn và có thể từ đầu tháng 4, đặc biệt sau khi Chính phủ đã có giải pháp để kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thì cầu ngoại tệ sẽ giảm. Từ đó tâm lý tích trữ đồng USD cũng giảm và tỷ giá sẽ ổn định hơn", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Đồng USD tại VN tăng cao từ đầu năm đến nay chủ yếu do lãi suất của VND giảm mạnh xuống dưới 5% trong khi lãi suất của đồng USD tại Mỹ vẫn neo ở mức cao từ 5,25 - 5, 5%. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD sinh lời tốt hơn. Có thể một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), quỹ đầu tư đã rút bớt tiền để chuyển về Mỹ nhằm có lãi cao hơn. Mặc dù dòng vốn FDI vào VN vẫn tốt nhưng trong ngắn hạn cung cầu có biến động.
Ngoài ra giá vàng tăng cao và chênh lệch giá trong nước với thế giới quá lớn cũng kéo theo đồng USD đi lên. NHNN đã hút tiền về trên thị trường liên ngân hàng và là một giải pháp kịp thời. Nếu tỷ giá USD/VND vẫn tăng cao thì có thể NHNN sẽ phải xem xét tăng lãi suất VND hay bán ngoại tệ. Nhưng tình trạng căng thẳng tỷ giá chỉ xảy ra trong ngắn hạn, nhất là Fed vẫn dự báo sẽ có 3 đợt hạ lãi suất trong năm nay thì áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ giảm.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing
Giá vàng thế giới đang phục hồi trở lại từ nửa cuối tháng 2 đến nay thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. So với đầu năm, giá vàng SJC đã tăng trên 5%, đồng thời chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực tăng giá của tỷ giá USD/VND càng mạnh, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do.
Thêm vào đó, thâm hụt thương mại trong nước cũng gây áp lực lên tỷ giá khi nhu cầu nhập khẩu tăng. Cụ thể, trong tháng 2, DN trong nước nhập khẩu 19,6 tỉ USD, ghi nhận thâm hụt thương mại 3,9 tỉ USD và tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, việc lãi suất huy động VND đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng.
Trong khi đó, yếu tố giải ngân vốn đầu tư FDI tích cực trong tháng 2 (đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ) là không gây áp lực lên tỷ giá. Áp lực mất giá tiền đồng do tỷ giá vẫn biến động trong biên độ cho phép. Tuy nhiên, NHNN có thể sẽ cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng.
Đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt
Bình luận (0)