Úc nỗ lực đẩy lùi sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương

11/01/2021 18:28 GMT+7

Chính phủ Úc thắt chặt mối quan hệ với các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương nhằm đẩy lùi sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc .

Chính phủ của Thủ tướng Úc Scott Morrison gần đây cam kết cung cấp vắc xin Covid-19 cho các nước láng giềng ở Thái Bình Dương vào năm 2021, trong gói hỗ trợ 500 triệu AUD nhằm mục tiêu đảm bảo người dân trong khu vực được tiêm chủng đầy đủ. Canberra cũng đã ký thỏa thuận “mang tính bước ngoặt” với Fiji, một trong những quốc gia đông dân nhất trong khu vực, cho phép hai bên triển khai lực lượng và tập trận quân sự chung.
Úc có động thái này trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng tại 14 quốc gia ở Thái Bình Dương trong vòng 1 thập niên qua. Các nhà ngoại giao cùng quan chức tình báo Úc và Mỹ lo ngại mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh có thể là thiết lập một căn cứ hải quân nhằm củng cố chiến lược quân sự trong khu vực, theo hãng tin Bloomberg.
Dù vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Trung Quốc không có hành động cụ thể về vấn đề viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương, chuyên gia Jonathan Pryke tại Viện nghiên cứu Lowy (Úc), nhận xét. Bắc Kinh còn ra lệnh cho công nhân tham gia những dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường trở về nước và cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao ở 10 quốc gia Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, tại Papua New Guinea, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quan trọng được Trung Quốc hỗ trợ đã bị đình trệ, theo ông Paul Barker, giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc gia (Papua New Guinea). Ông Barker lưu ý Papua New Guinea đến nay vẫn là quốc gia nhận được sự hỗ trợ tài chính lớn nhất từ Trung Quốc. “Tuy nhiên, Úc cũng đã xây dựng thiện chí đáng kể tại Thái Bình Dương trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch Covid-19“, chuyên gia Pryke lưu ý.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chống dịch cho các quốc đảo Thái Bình Dương vào năm 2020, còn các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường bao gồm một đường cao tốc mới ở phía tây Papua New Guinea và một sân vận động ở đảo quốc Solomon “vẫn tiến triển ổn định”.

Nguy cơ Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương

Báo cáo mới đây của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) đánh giá kế hoạch xây dựng hai cảng vận chuyển hàng hóa chính ở Kiribati có thể sẽ được tích hợp vào khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. “Động thái này có thể dẫn đến nguy cơ Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự ngay ở Thái Bình Dương, gần các căn cứ Mỹ bao gồm ở Hawaii”, theo ASPI.
Đáng chú ý là Trung Quốc cũng đã ký một biên bản ghi nhớ hồi tháng 12.2020 để tài trợ cho dự án khu liên hợp chế biến hải sản trị giá 150 triệu USD trên đảo Daru có thể đón các tàu cá đi vào khu vực ở miền nam Papua New Guinea, một quốc gia nằm “sát sườn” với Úc. ASPI đánh giá động thái này của Bắc Kinh là nhằm mục đích địa chính trị, vì đảo Daru không nằm gần những ngư trường dồi dào.
“Điều đó cho thấy đại dịch Covid-19 không thể ngăn cản Trung Quốc thực hiện chiến lược ở nam Thái Bình Dương vì Bắc Kinh muốn tiếp tục tăng cường sức ảnh hưởng tại đó”, chuyên gia Paul Maddison, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học New South Wales (Úc), nhận định.

Biển quảng cáo có ảnh chụp Chủ tịch Trung Quốc bắt tay Thủ tướng Papua New Guinea hồi năm 2018 ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea 

AFP

Nóng dần cuộc đua tranh giành sức ảnh hưởng

Chính phủ Mỹ và Úc lâu nay luôn cảnh báo các đảo quốc ở Thái Bình Dương tránh vay nợ từ Trung Quốc để thực hiện dự án hạ tầng quan trọng và cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng khoản nợ này như một đòn bẩy địa chính trị. Theo dữ liệu của tổ chức nghiên cứu chính sách Lowy Institute (Úc), Trung Quốc dành ra ít nhất 1,7 tỉ USD viện trợ và các khoản vay đối với những đảo quốc Thái Bình Dương trong vòng 1 thập niên qua, phần lớn phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng.
Đáp lại, Úc - bị Trung Quốc xem là con rối của Mỹ - đã công bố quỹ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỉ AUD (1,5 tỉ USD) cho khu vực Thái Bình Dương hồi năm 2018. Trong khi đó, chính phủ Mỹ thành lập ủy ban về các vấn đề ở Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, với nhiệm vụ điều phối chính sách trong khu vực này.
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, một số quốc gia như đảo quốc Palau đã kêu gọi quân đội Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này. Đến thăm Palau hồi tháng 9.2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc Bắc Kinh có “các hoạt động gây bất ổn” ở Thái Bình Dương, theo AFP.
Sau đó, Tổng thống Palau Tommy Remengesau gửi thư tới Bộ trưởng Esper với nội dung hoan nghênh quân đội Mỹ đến xây dựng căn cứ quân sự ở đảo quốc này, nằm cách Philippines khoảng 1.500 km về phía đông. “Chúng tôi đưa ra yêu cầu đơn giản đối với quân đội Mỹ: xây dựng các căn cứ sử dụng chung, sau đó quân đội Mỹ có thể đến và sử dụng chúng thường xuyên”, ông Remengesau viết trong bức thư được trao tận tay Bộ trưởng Esper trong chuyến thăm Palau.

Máy bay vận tải C-130 Hercules của Không quân Mỹ cùng lính Mỹ tại sân bay mới nâng cấp Angaur của CH Palau, ngày 6.9.2020

Không quân Mỹ

Theo chuyên gia Pryke, trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế có thể kéo dài nhiều năm, cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước Mỹ, Úc và Trung Quốc trong khu vực sẽ gia tăng khi các quốc gia tìm cách phục hồi.
“Chính quyền Trung Quốc sẽ nhận thức được rằng đại dịch Covid-19 dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế khiến khu vực Thái Bình Dương trở nên dễ bị tổn thương và tuyệt vọng hơn đối với viện trợ cùng các khoản vay nước ngoài. Điều này tạo ra môi trường chiến lược tốt hơn để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh”, ông Pryke lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.