UNESCO và nghệ sĩ trong, ngoài nước cùng tôn vinh cụ đồ Chiểu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/06/2022 06:49 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 41, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết 41/C vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu. Tối 30.6, nhiều nghệ sĩ quốc tế sẽ công bố sáng tác mới để cùng VN, UNESCO kỷ niệm ngày sinh của cụ.

Hát về cụ đồ Chiểu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp

Ông Lê Quý Dương ngay lập tức nghĩ đến những người bạn quốc tế khi nhận nhiệm vụ tổng đạo diễn buổi lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022) tại lăng Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Diễn ra từ 20 - 21 giờ 30, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, chương trình cũng được livestream để các đại biểu và thành viên của UNESCO đang làm việc tại Pháp và châu Âu đón xem. “Sự hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài sẽ giúp buổi lễ trở nên đa dạng hơn về góc nhìn văn hóa, đúng như chủ trương của UNESCO”, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ.

Chương trình này, ông Dương mời hai đồng nghiệp từng cộng tác nhiều năm: nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Thụy Điển Pamela Hedstroem và nhạc sĩ Dominique Henry Probst người Pháp. Cả hai sáng tác 2 ca khúc mới dành riêng cho chương trình dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Lục Vân Tiên - tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. “Điều này sẽ mở rộng bán kính ảnh hưởng và tính phổ cập của tác phẩm Lục Vân Tiên trên những chiều cảm nhận, đánh giá và phong cách sáng tạo khác nhau của các nghệ sĩ quốc tế”, ông Dương nói.

Tác phẩm của nữ nghệ sĩ Thụy Điển Pamela Hedstroem mang âm hưởng dịu dàng, tha thiết về cuộc đời của Lục Vân Tiên. Cô viết tác phẩm này sau khi đọc bản dịch Lục Vân Tiên tiếng Anh mà ông Dương gửi qua Thụy Điển. “Tôi cảm thấy Lục Vân Tiên chính là tác phẩm bất cứ ai trên thế giới cũng cảm nhận được vẻ đẹp nếu có cơ hội được tiếp xúc”, cô Pamela Hedstroem chia sẻ.

Trong khi đó, nhạc sĩ Domique Henry Probst lại tự đặt sách và đọc Lục Vân Tiên bằng tiếng Pháp. Ông cho biết tình yêu của hai nhân vật chính Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga đã khiến ông xúc động sâu sắc. Vì thế, tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông thể hiện tâm sự của Kiều Nguyệt Nga trong khoảnh khắc nhớ Lục Vân Tiên. Tác phẩm này của ông do ca sĩ July Thanh Nguyên, một ca sĩ hát tiếng Pháp tài năng, thể hiện.

Những điểm nhấn di sản

Tổng đạo diễn Lê Quý Dương cho biết ông muốn tôn vinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với chính những chất liệu di sản, chất liệu văn hóa dân tộc. Chính vì thế, trong chương trình có điểm nhấn là màn biểu diễn ca cổ trích đoạn Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga do NSƯT Lê Tứ và NSƯT Mỹ Hằng cùng các nghệ sĩ cải lương của Đoàn cải lương Bến Tre trình bày. Các nghệ sĩ cũng sẽ có cả bản vọng cổ Trái tim Đồ Chiểu của soạn giả Lê Long.

Ông Dương cho biết: “Tôi cũng mời NSND Thanh Hải - một trong những cây đại thụ của cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ tham gia tổ chức và biên tập toàn bộ phần cổ nhạc của chương trình. Cùng với trích đoạn Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga và bài vọng cổ Trái tim Đồ Chiểu, phần nhạc truyền thống của chương trình còn được tạo nên những điểm nhấn độc đáo với các hoạt cảnh nói thơ Vân Tiên, vốn là một hình thức văn thơ truyền miệng độc đáo của người dân Nam bộ xưa”.

NTK Yến Nhi trong chiếc áo dài BST Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga

NVCC

Nghệ sĩ Khánh Hoàng được ông Dương mời thể hiện toàn bộ phần lời bình của chương trình tôn vinh người con Nam bộ Nguyễn Đình Chiểu. Ông Dương cho biết: “Nghệ sĩ Khánh Hoàng có một chất giọng Nam bộ rất quý hiếm. Chất giọng đó sẽ như một mạch dẫn lôi cuốn và tin cậy dẫn dắt khán giả khám phá để tri ân một cuộc đời thăng trầm nhưng cũng vô cùng cao quý của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”.

Một sáng tạo thú vị của chương trình tôn vinh là bộ sưu tập áo dài Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của nhà thiết kế trẻ Yến Nhi. Sáng tác của cô lấy cảm hứng từ những hình ảnh trong cuốn truyện Lục Vân Tiên mà Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) xuất bản.

Yến Nhi cho biết cô đã rất xúc động khi tìm thấy những hình dung về hình ảnh Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga trong cuốn sách này.

Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay

Ngày 29.6, tại Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Quốc gia UNESCO (Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hiệp Quốc) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”. Đây là một trong 3 sự kiện tiêu biểu trong chuỗi hoạt động chào mừng 200 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022), người mà UNESCO trong Nghị quyết 41/C là “một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc VN; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. “Có thể nói, trên thế giới hiếm có danh nhân nào đạt trên cả 3 lĩnh vực đồ sộ như Nguyễn Đình Chiểu: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc”, Nghị quyết viết.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết sau hơn 6 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 17 bài tham luận của các nhà khoa học ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Bỉ cùng 91 tham luận từ các nhà khoa học xã hội hàng đầu trong nước.

Thông qua tham luận, các nhà khoa học tham gia hội thảo đều đánh giá Nguyễn Đình Chiểu là một nhân cách, trí tuệ toàn diện cho hình ảnh tích cực của con người Bến Tre nói riêng, VN nói chung: trung can nghĩa đảm, vượt qua mọi gian nan thử thách để học tập suốt đời, nghĩa khí, bền bỉ với tinh thần chống giặc giữ nước, xây dựng quê hương. Tại hội thảo, Giáo sư A.Sokolovsky (Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Liên bang Nga), chia sẻ: “Tên tuổi và tinh thần yêu nước vĩ đại của Nguyễn Đình Chiểu đã được nhiều người Nga biết đến từ thế kỷ 19. Người Nga đã đọc thông qua các bản dịch và hiểu rằng Nguyễn Đình Chiểu là một đại biểu xuất sắc của văn học chống Pháp tại VN thời thuộc địa”. Giáo sư danh dự Jeon Hye-kyung (Hàn Quốc) thì nhận định về điểm tương đồng giữa Lục Vân Tiên và tác phẩm rất nổi tiếng của Hàn Quốc là Xuân Hương truyện (Chun Hyang Jion) như đều biểu đạt được nhận thức về thời đại tại thời điểm chúng xuất hiện; đi vào lòng người và được dân chúng đón nhận nồng nhiệt và đều mang những giá trị nghệ thuật để chuyển thể sang loại hình nghệ thuật biểu diễn…

Bắc Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.