Phát triển giao thông công cộng, giảm dần phương tiện di chuyển cá nhân là định hướng trong tương lai của ngành GTVT TP.HCM. Hiện toàn thành phố có 2.087 xe buýt với mạng lưới phủ khắp quận, huyện. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị thách thức khi tình hình ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn xảy ra phổ biến.
Ngày 9.5, Chương trình Sáng kiến chuyển đổi giao thông đô thị (TUMI) do CHLB Đức tài trợ đã tổ chức hội thảo ứng dụng "công cụ số hỗ trợ quản lý điều tiết hoạt động mạng lưới xe buýt trong điều kiện mưa ngập đường gây ùn tắc giao thông tại TP.HCM".
Dự án nhằm phát triển công cụ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo để triển khai tại các sở ban ngành nhằm hỗ trợ điều phối, giám sát và ứng phó tốt hơn với các tác động của mưa lớn, triều cường dâng cao gây ngập đường ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống xe buýt. Đảm bảo hoạt động liên tục của cơ sở hạ tầng quan trọng khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Công cụ kỹ thuật số này sẽ trợ giúp các nhà quản lý vận hành xe buýt và các bên liên quan xây dựng một hệ thống xe buýt linh hoạt và bền vững, cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm tăng lượng hành khách đi xe buýt.
Tại buổi hội thảo, PGS - TS Vũ Anh Tuấn (Trường đại học Việt Đức) trình bày: TP.HCM nhiều nơi chỉ cao hơn mực nước biển 0,5m, 75% diện tích cao hơn mực nước biển 2m, do đó tình hình ngập nước do triều cường, do mưa lớn xảy ra thường xuyên. Trong bối cảnh đó cần ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo đề điều hành linh hoạt giao thông khi xảy ra ngập đường. Trong quá trình thử nghiệm, dự án đã xây dựng bản đồ vùng ngập, thử nghiệm cảnh báo sớm những nơi xảy ra tai nạn giao thông hoặc ngập nước để điều chỉnh tuyến đường phù hợp.
Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, dự án này cần thêm thời gian để hoàn thiện nhưng tính khả thi rất cao, giúp cơ quan quản lý có thể dự đoán tình trạng ùn tắc, các tuyến xe buýt bị ảnh hưởng và chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Khi hoàn chỉnh có thể chuyển giao cho các đô thị khác trên cả nước.
Bình luận (0)