Ứng viên làm gì khi tìm được việc ưng ý nhưng 'thiếu chuẩn'?

Lê Thanh
Lê Thanh
23/04/2021 11:20 GMT+7

Khi ứng viên tìm thấy được một công việc ưng ý, nhưng xem lại thì thấy bản thân còn thiếu một vài yêu cầu của nhà tuyển dụng đặt ra. Vậy khi đó, ứng viên phải làm gì?

Hãy mạnh dạn ứng tuyển vì bạn chẳng mất gì cả

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (Q.Tân Bình (TP.HCM), tôi vẫn tuyển những ứng viên có kỹ năng thấp hơn tiêu chuẩn ban đầu mà mình đặt ra. “Cái quan trọng nhất là ứng viên phải cho nhà tuyển dụng biết được bạn có thái độ tốt và có mong muốn được vào làm vị trí công việc mà mình ứng tuyển”, ông Liêm nói
“Nhà tuyển dụng sẽ “chấm” hồ sơ của bạn trước khi gọi bạn phỏng vấn. Chính vì vậy, ngoài những bằng cấp, chứng chỉ cần có, bạn nên viết một bức thư kèm theo khi nộp hồ sơ và cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn có thể lấp “các lỗ hổng” đó bằng các ưu điểm khác của bản thân so với yêu cầu của họ. Bởi vì trên thực tế, doanh nghiệp khi tuyển bạn vào, thì họ có thể đào tạo những gì bạn đang thiếu để bạn có thể làm tốt công việc”, ông Liêm chia sẻ.

Bạn trẻ tiếp cận thông tin của doanh nghiệp tại ngày hội tuyển dụng việc làm diễn ra ở TP.HCM

Lê Thanh

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, khu phố Vạn Hạnh, P.Phú Mỹ, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “Nếu bạn thiếu một vài yêu cầu của nhà tuyển dụng đặt ra mà vẫn mong muốn được làm trong môi trường ấy, thì trong hồ sơ xin việc của mình, bạn hãy viết một lá thư kèm theo thể hiện cho người tuyển dụng thấy được sự chân thành và muốn gắn bó, đóng góp khả năng của bản thân cho sự phát triển chung của công ty”.
Đặc biệt ông Đức lưu ý: “Trong quá trình phỏng vấn, bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có sự chuẩn bị và thể hiện tốt nhất khả năng của mình ở vị trí ứng tuyển. Hãy mạnh dạn ứng tuyển vì bạn chẳng mất gì cả. Nếu trúng tuyển thì quá tốt, còn lỡ trượt thì đó cũng là bài học kinh nghiệm”.

Ưu tiên ứng viên có thái độ và kỹ năng

Là doanh nghiệp nước ngoài chuyên về công nghệ thông tin và marketing, ông Kunimoto Kazuki, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TNHH Freecracy Việt Nam (Q.2, TP.HCM) cho rằng: “Khi tuyển dụng ứng viên chúng tôi không quan tâm quá nhiều đến hồ sơ xin việc của ứng viên mà thường chú ý đến các kỹ năng phù hợp với vị trí công việc mà công ty đang cần”.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hoàng Gia Luật, Q.Tân Bình (TP.HCM) nói: “Ngoài kỹ năng chuyên môn, người lao động cần có thái độ làm việc chuyên nghiệp và cần thể hiện ở tính kỷ luật tốt. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng đánh giá cao thái độ hơn là chuyên môn, bởi kỹ năng chuyên môn có thể đào tạo được, nhưng thái độ thì khó thay đổi được”.

Ứng viên tham gia ngày hội tuyển dụng các vị trí việc làm của doanh nghiệp

Lê Thanh

Còn ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Ngọc, Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Thông thường trước khi quyết định gọi ứng viên đến phỏng vấn, chúng tôi xem qua hồ sơ của ứng viên trước rất kỹ. Thường chúng tôi ưu tiên những ứng viên phải có kỹ năng, ít nhất cũng phải có kỹ năng về giao tiếp và làm việc nhóm. Bởi vì, trong môi trường làm việc tập thể, nếu bạn không biết giao tiếp để truyền đạt ý kiến của mình đến người khác thì công ty làm sao phát triển được”.
Theo ông Bùi Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Nam Việt, Q.Tân Bình (TP.HCM), nhiều ứng viên đi xin việc trong tâm thế “có việc là được”. “Khi bạn không xác định được mình muốn làm công việc gì, rồi ứng tuyển vào công việc nào đó mà không tìm hiểu cũng như không xác định được mình đang có điểm yếu, điểm mạnh nào thì khó được nhà tuyển dụng chấp nhận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.