Trao đổi với Thanh Niên sáng nay 9.10, bác sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Si Mai Cai (Lào Cai), xác nhận trong ngày 6.10 vừa qua, trung tâm tiếp nhận cấp cứu 4 người trong gia đình ông Ngải Seo Pùa bị ngộ độc sâu ban miêu.
Qua xác minh, sau khi rang sâu ban miêu và giã, sắc lấy nước uống chữa bệnh dị ứng, ông Ngải Seo Pùa, bà Sùng Thị Súa (vợ ông Pùa) cùng 2 con là Ngải Seo Sềnh và Ngải Seo Quý đã bị ngộ độc. Các nạn nhân nhập viện trong tình trạng người lờ đờ, mệt mỏi, đau quặn bụng, đái ra máu và nôn.
Sau khi đến trung tâm y tế, các nạn nhân được truyền dịch giải độc và sau 2 ngày điều trị, 3 người đã được xuất viện. Đến sáng nay 9.10, bệnh nhân Ngải Seo Quý vẫn phải điều trị khi vẫn còn biểu hiện đái ra máu.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Thủy, sâu ban miêu có độc tố mạnh, tỷ lệ tử vong rất cao khi bị ngộ độc và hiện chưa có phác đồ điều trị. May mắn là 4 người trong gia đình ông Pùa bị nhiễm độc ở mức độ nhẹ. Đây cũng là trường hợp ngộ độc sâu ban miêu hiếm gặp ở Si Ma Cai. Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, cảnh báo để người dân không sử dụng loại côn trùng này làm thức ăn hay chữa bệnh.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sâu ban miêu có tên khoa học là cantharis vesicatoria, hình dạng có cánh cứng, dài khoảng 15 - 20 mm, ngang 4 - 6 mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại, phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen. Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin (rất độc), gây hủy hoại nội tạng trong cơ thể.
Đầu tháng 9 vừa qua, ở một số tỉnh ở Tây nguyên đã ghi nhận hiện tượng người dân đổ xô thu gom, bắt sâu ban miêu bán cho thương lái Trung Quốc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, đây là loại sâu nguy hại nên việc thu gom, nhân nuôi hay buôn bán đều bị cấm.
Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định: các hành vi phát tán, nhân nuôi sâu ban miên sẽ bị xử phạt từ 3 - 6 triệu đồng.
Bình luận (0)