Ngày 19.5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án để đất quốc phòng rơi vào tay tư nhân.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”), cựu thượng tá, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn B.Q.P, nói không đồng tình với cáo trạng.
Bị cáo này phủ nhận mối quan hệ với Công ty Yên Khánh, do Vũ Thị Hoan, cháu Hệ làm người đại diện pháp luật, đồng thời quả quyết không biết gì về liên doanh Yên Khánh Hải Thành khai thác khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM.
Khi HĐXX đề cập đến việc Út “trọc” từng giúp cho Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh (viết tắt là Công ty Yên Khánh) vay tiền, bị cáo giãi bày: “Bị cáo quen chỉ qua quan hệ xã hội nhưng ai nhờ gì, nếu giúp được cũng giúp. Khi vụ án được khởi tố, bị cáo mới biết mình có hỗ trợ vốn là tài sản của bị cáo; đây là hỗ trợ công việc, đúng quy định pháp luật… Bất cứ ai nhờ, tôi thấy tình nghĩa, niềm tin, tôi bảo lãnh, không cần quan hệ đặc biệt vẫn hỗ trợ được”.
Khai báo lý do Công ty Yên Khánh có trụ sở tại nhà mình (ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, Út “trọc” cho hay: "Mẹ ruột mua cho tôi từ năm 2000 nhưng mẹ tôi ở. Năm 2010, tôi lấy vợ lần 2 mới về đó. Tôi không biết tại sao Yên Khánh đặt trụ sở ở đó, bởi nhà này do mẹ tôi quản lý”, bị cáo này nói.
Trước lời khai này, HĐXX cho công bố nhiều hình ảnh thể hiện Đinh Ngọc Hệ có mặt tại các cuộc họp của Công ty Yên Khánh, công bố lời khai của bị cáo Phạm Văn Diệt, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình, cho biết ông Hệ có mặt để chủ trì việc triển khai dự án xây văn phòng cao ốc tại khu đất số 7 - 9.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ vẫn khẳng định chỉ có vai trò tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn B.Q.P, chứ không biết đến dự án này (dự án xây văn phòng cao ốc tại khu đất số 7 - 9).
"Công ty của bị cáo có mối quan hệ làm ăn rộng. Hôm đó, bị cáo đi qua, vợ bị cáo xin pho tượng… để đặt bàn, nên bị cáo dẫn vào cho vợ nhìn, hỏi tượng này được không? Bị cáo không liên quan, nói tên cuộc họp bị cáo mới biết”, bị cáo này lập luận.
Trước đó, HĐXX đã cho cách ly bị cáo Đinh Ngọc Hệ và tiến hành thẩm vấn các bị cáo khác có liên quan trong vụ án. Bị cáo Vũ Thị Hoan khai năm 2005, bị cáo là sinh viên năm nhất Trường đại học Công nghiệp TP.HCM và ở nhờ nhà cậu ruột là Đinh Ngọc Hệ.
Bị cáo Hoan nói thêm, cậu mình đã nhờ đứng tên giám đốc Công ty Yên Khánh, còn bản thân chỉ ký văn bản khi được nhờ và hoàn toàn không chỉ đạo, điều hành. Theo bị cáo Hoan, lô đất 7-9 Tôn Đức Thắng đã được Công ty Yên Khánh Hải Thành cầm cố ngân hàng nhiều lần để vay vốn sử dụng cho hoạt động các công ty của Đinh Ngọc Hệ. Bị cáo Phạm Văn Diệt nói bản thân chỉ là nhân viên, mọi hoạt động tại Công ty Yên Khánh đều do Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo.
Trong khi đó, một nhân chứng trong vụ án là ông Trần Văn Lâm cho biết, các công ty: BOT Việt Trì, BOT quốc lộ 20, Đức Bình… đều do Đinh Ngọc Hệ nhờ con, cháu như Vũ Thị Hoan, Vũ Thị Hoa… đứng tên cổ đông.
Trả lời HĐXX, bị hại trong vụ án này là Quân chủng Hải quân cho biết, Đinh Ngọc Hệ đã chiếm đoạt khu đất số 7 - 9 đem đi thế chấp tại BIDV, đến nay không có khả năng trả nợ và tài sản này có nguy cơ bị phát mại.
Theo cáo trạng, năm 2005, ông Hệ lập Công ty Yên Khánh, cho cháu mình là Vũ Thị Hoan đứng tên giám đốc và sau đó tuyển bị cáo Phạm Văn Diệt vào làm việc. Ông Hệ cũng thành lập nhiều doanh nghiệp khác khác như CP Tập đoàn Đức Bình, Công ty Cái Mép, Công ty xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Công ty An Điền… trong đó, Đức Bình có vai trò chỉ đạo các Công ty còn lại.
Năm 2006, bị cáo Hệ đề nghị Quân chủng Hải quân cho Công ty Yên Khánh liên doanh với Công ty Hải Thành thuộc Quân chủng Hải quân để xây dựng cao ốc trên khu đất quốc phòng số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng. Dù Công ty Yên Khánh đã sử dụng thủ đoạn gian dối báo cáo sai về năng lực kinh nghiệm nhưng vẫn được lãnh đạo Quân chủng Hải quân lúc đó cho phép lập liên doanh.
Sau khi UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Yên Khánh Hải Thành, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã thế chấp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô để vay tiền cho hoạt động các doanh nghiệp do Hệ thành lập.
Trong đó, Công ty Yên Khánh 40% thế chấp để mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương; Công ty BOT Việt Trì nhận 10% để xây cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT; Công ty BOT và BT Quốc lộ 20 (liên doanh giữa Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng với Yên Khánh, Thái Sơn B.Q.P) nhận 8%..
Bình luận (0)