Ủy ban Quản lý vốn khuyến cáo chưa nên 'rót tiền' mở rộng sân bay Điện Biên

Mai Hà
Mai Hà
15/10/2020 15:31 GMT+7

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khuyến cáo khả năng cân đối vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để mở rộng sân bay Điện Biên, cũng như tính hiệu quả của dự án.

Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét giao ACV triển khai dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Theo đó, ACV sẽ đầu tư toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, UBND tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng.
Liên quan đề xuất này, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dù ACV đã rà soát tính toán điều chỉnh quy mô đầu tư dự án, song tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR chỉ đạt 3,07%, giá trị hiện tại ròng NPV đạt (-) 1.250 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn 50 năm. Vì vậy, dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với quy định của luật số 69/2014/QH13 về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.
Ủy ban này cũng khuyến cáo nếu việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án trên cơ sở chỉ có các nguồn thu từ khu hàng không dân dụng, trong khi ACV phải bỏ vốn đầu tư cả khu bay, sẽ không đúng bản chất và không phù hợp.
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ GTVT và ACV đều khẳng định Cảng hàng không Điện Biên không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm tới, không phải là sân bay trung chuyển chính, cũng như không có nhiều tiềm năng du lịch. Sân bay Điện Biên hiện hữu đến nay khai thác chưa hết công suất.
Về phương án huy động vốn và cân đối vốn đầu tư dự án, theo báo cáo của ACV, tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án do ACV phụ trách giai đoạn 2020 - 2025 là hơn 136.500 tỉ đồng, bao gồm 21 cảng hiện hữu hơn 43.400 tỉ đồng, riêng dự án sân bay Long Thành gần 94.000 tỉ đồng. Tổng số tiền mặt ACV hiện có tính đến hết năm 2019 là 31.184 tỉ đồng.
Dự kiến nguồn tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 của ACV giảm sút rất mạnh so với các dự báo trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó, dự báo lợi nhuận đến năm 2025 vẫn thấp hơn mức năm 2019.
Ngoài ra, thời gian tới khi áp dụng các chính sách mới tương tự như doanh nghiệp nhà nước, nguồn tiền tích lũy của ACV sẽ giảm sút rất mạnh. Trong khi đó, ACV cần tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm như dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất; Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài; và Dự án sân bay Long Thành.
Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khuyến cáo, tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay sân bay Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là không phù hợp khả năng cân đối vốn nguồn vốn của ACV.
Sân bay Điện Biên hiện là cảng hàng không nội địa cấp 3C, kết cấu gồm 1 đường cất hạ cánh được đưa vào sử dụng từ năm 1994, chỉ đảm bảo khai thác bằng máy bay ATR72; sân đỗ gồm 3 vị trí; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 với công suất 300.000 khách/năm.
ACV đề xuất xây mới đường cất hạ cánh, kích thước 2.400 x 45 m bằng bê tông xi măng; 1 đường lăn và sân đỗ có thể đáp ứng 3 vị trí cho máy bay ATR72 và A320/A321; ngoài ra sẽ cải tạo, mở rộng, tận dụng nhà ga hiện hữu.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho các hạng mục kể trên là 1.539 tỉ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.