V-League đá như châu Âu, chi hàng chục tỉ đồng sắm VAR

03/11/2022 10:49 GMT+7

Sau khi Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) phê chuẩn kế hoạch của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về triển khai VAR tại V-League, đơn vị này đã và đang khẩn trương thực hiện những quy trình quan trọng.

V-League 2023 sẽ có VAR

afp

Cần bao nhiêu tiền để mua xe VAR?

Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF cho biết: "V-League 2022 kết thúc vào tháng 11.2022, chúng ta sắp được chứng kiến sự thay đổi mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam khi năm 2023, V-League có tới 2 mùa giải. V-League 2023 sẽ khởi tranh sau Tết Nguyên đán 2023 và dự kiến đến tháng 6 sẽ khép lại. Mùa giải kế tiếp sẽ thi đấu như châu Âu khi dự kiến khởi tranh vào tháng 11.2023 và vắt sang năm 2024. FIFA đã đồng ý cho VPF được sử dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) ở mùa giải 2023-2024 và ngay từ lúc này, VPF đã phải triển khai nhiều đầu việc cấp thiết liên quan đến VAR".

Hiện có 2 phương án VAR, thứ nhất là sử dụng duy nhất 1 trung tâm VAR cho toàn bộ hệ thống sân có đội đá V-League, nhưng phương án này chưa thể thực hiện được ở Việt Nam bởi hệ thống đường truyền trên toàn quốc chưa thể đảm bảo. VPF đã lựa chọn phương án thứ 2 được đánh giá khả thi hơn, đó là trang bị 3 xe VAR phục vụ VAR ở các sân tại 3 miền bắc, trung, nam. Trong xe VAR sẽ đặt 1 máy chủ cỡ lớn (có thêm 1 máy chủ dự phòng), hỗ trợ xử lý 8 kênh đầu vào dành cho việc thu ghi luồng tín hiệu từ các camera trên sân vận động và camera bắt việt vị; phần mềm Xeebra để thể hiện tình huống việt vị ảo (phần mềm này phải có giấy phép từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam).

Thiết bị VAR không thể thiếu hệ thống liên lạc nội bộ giữa trọng tài và VAR - Intercom (gồm tổ trọng tài VAR ngồi trên xe VAR và tổ trọng tài điều hành trên sân). Chi phí mỗi xe VAR vào khoảng 9 - 11 tỉ đồng (chưa kể kinh phí dành cho vận hành, nhân sự và những phát sinh). Trên toàn thế giới, chỉ có 2 nhà cung cấp thiết bị công nghệ VAR do FIFA chỉ định và VPF sẽ xem xét, chọn nhà cung cấp nào đưa ra báo giá hợp lý với túi tiền của VPF mà chất lượng vẫn được đảm bảo.

Lắp đặt thiết bị ở tất cả các sân có đội đá V-League

Cách đây 3 năm, VPF đã từng khởi động dự án áp dụng công nghệ VAR nhưng thời điểm đó vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan và sau đó lại vướng dịch bệnh Covid-19 nên dự án đã phải đình lại. Năm nay, mặc dù FIFA yêu cầu chỉ cần số lượng khoảng 40 trọng tài là đủ nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF đã huy động số lượng trọng tài đông nhất có thể để tham gia khóa đào tạo do FIFA giám sát.

Tháng 10.2022, FIFA đã cử các chuyên gia sang Việt Nam, thực hiện khóa đào tạo dành cho các giảng viên trọng tài và ngay trong tháng 11 này, các giảng viên phải có nhiệm vụ báo cáo với FIFA về kế hoạch đào tạo lý thuyết cho các trọng tài Việt Nam. Bước bắt buộc tiếp theo là các trọng tài tiếp tục được hướng dẫn phần thực hành và FIFA sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp. Chỉ sau khi vượt qua được đợt sát hạch do FIFA giám sát, các trọng tài Việt Nam mới được cấp chứng chỉ để đủ điều kiện tham gia điều hành các trận đấu tại V-League.

Hệ thống thiết bị VAR và các máy móc kèm theo sẽ được tiến hành lắp đặt ở 12 sân (bao gồm cả sân Ninh Bình, sân 19.8 là sân nhà của 2 đội vừa lên hạng là đội Công an Nhân dân và đội Khánh Hòa). FIFA sẽ đích thân thử máy móc, đường truyền ở các sân này. FIFA yêu cầu các sân có đội thi đấu ở V-League phải đáp ứng được về cơ sở vật chất phục vụ VAR, có các vị trí đặt máy quay phù hợp để không ảnh hưởng đến chất lượng VAR (để vận hành được VAR, mỗi trận đấu phải có tối thiểu 8 máy quay thay vì chỉ 6 máy quay).

FIFA chỉ cho phép Việt Nam sử dụng VAR khi có nhân sự đủ giỏi để cùng tham gia vận hành thiết bị VAR và có thể VPF sẽ thuê chuyên gia quốc tế để làm việc này mà chi phí có thể rất cao. Chưa quyết định số lượng trận có VAR ở mỗi vòng vì còn phục thuộc vào yếu tố tài chính nhưng quan điểm của VPF là sẽ sử dụng nhiều nhất có thể.

Các quyết định của trọng tài sẽ chuẩn xác hơn nhờ VAR

khả hòa

Không để VAR gây ra tác dụng phụ

Báo Thanh Niên đã từng đặt câu hỏi cho lãnh đạo VPF: "CLB dù rất vui vì nếu có VAR thì chất lượng giải đấu sẽ được nâng cấp nhưng chính các CLB cũng băn khoăn là nếu VPF không kiểm soát chặt, VAR có thể sẽ đem đến tác dụng "phụ". Chẳng hạn như có trọng tài lợi dụng công nghệ hiện đại này để thiên vị hay trù dập đội bóng nào mà họ muốn?".

VPF khẳng định: "FIFA chỉ cho dùng VAR trong một số trường hợp thực sự cần thiết. Trọng tài vẫn là chủ thể của cuộc chơi, đưa ra những quyết định cuối cùng. Cũng có nhiều ý kiến, luồng quan điểm bày tỏ sự lo ngại về việc dùng VAR ở V-League, thậm chí còn cảnh báo có thể xảy ra tiêu cực, nhưng VPF cho rằng phải kiểm soát tốt mọi khâu, trong đó đầu tiên là phải chọn được các trọng tài VAR giỏi, công tâm; trọng tài chính điều khiển trận đấu cũng phải nâng cao trình độ chuyên môn chứ không phải chăm chăm lệ thuộc vào VAR. Hệ thống kỹ thuật, máy móc phục vụ VAR cũng sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự công bằng khi VAR được áp dụng tại V-League.

Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với VFF, Ban trọng tài VFF để tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong cách áp dụng VAR ở mỗi trận đấu. Tôi lấy ví dụ, nếu trọng tài VAR cố tình chọn một góc quay nào đó không sát với tình huống trên sân, cố tình truyền tín hiệu không chuẩn, làm sai bản chất, không chính xác với diễn tiến tình huống, dẫn tới việc đưa cho trọng tài chính góc nhìn lệch nên đưa ra quyết định sai lầm, thì trọng tài VAR đó sẽ bị xử lý".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.