Vai trò của Kinh tế lượng đối với Việt Nam

Vai trò của Kinh tế lượng đối với Việt Nam

02/08/2024 17:29 GMT+7

Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á 2024, hay AMES 2024 diễn ra từ ngày 2.8 - 4.8. Với 60 phiên thảo luận của hội nghị, sẽ có 230 bài báo cáo khoa học được giới thiệu với chủ đề lớn là kinh tế lượng và vai trò đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Sáng 2.8, tại TP.HCM diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á 2024, gọi tắt là AMES 2024. Đây là sự kiện lớn đầu tiên do Hiệp hội Kinh tế lượng quốc tế tổ chức tại Việt Nam, diễn ra từ 2.8 đến 4.8. Với 60 phiên thảo luận của hội nghị, sẽ có 230 bài báo cáo khoa học được giới thiệu với chủ đề lớn là kinh tế lượng và vai trò đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á 2024, hay AMES 2024, là sự kiện do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu phối hợp cùng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM và Trường Kinh doanh Leonard de Vinci của Pháp tổ chức.

AMES 2024 là diễn đàn quốc tế, có tính chuyên môn cao về kinh tế lượng cũng như những vấn đề trong nghiên cứu, áp dụng kinh tế lượng trong mô hình hóa nền kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng.

Vai trò của Kinh tế lượng đối với Việt Nam- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ tại sự kiện

Theo đó, kinh tế lượng rất cần thiết với một quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam, giúp Chính phủ, các cơ quan điều phối và doanh nghiệp có thể ra quyết định dựa trên những tính toán khoa học và dữ liệu thực tiễn.

Hội nghị AMES năm nay quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia. Các bài nghiên cứu chuyên sâu được lựa chọn giới thiệu tại hội nghị hướng đến định lượng những mối quan hệ trong nền kinh tế cũng như đánh giá tác động chính sách lên hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại quốc tế, thị trường tài chính, phát triển bền vững. Các chủ đề vĩ mô như kinh tế sức khỏe, kinh tế giáo dục và hưu trí cũng được đề cập.

Diễn giả phiên toàn thể của hội nghị là những học giả danh tiếng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và chính sách đến từ nhiều đại học hàng đầu thế giới, như: GS Harrison Hong từ Đại học Columbia của Mỹ; GS Charles I. Jones từ Trường Kinh doanh Stanford, Mỹ; GS Gilat Levy Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Vương quốc Anh; hay GS Mark W. Watson từ Đại học Princeton của Mỹ.

Đại diện ban tổ chức cho biết hội nghị tạo cơ hội để nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trao đổi kiến thức, chia sẻ nghiên cứu và thảo luận các vấn đề kinh tế lượng quan trọng, tăng cường hợp tác và kết nối giữa nhà nghiên cứu và tổ chức kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Từ đó, các minh chứng khoa học lan tỏa và tạo nền tảng cho hoạch định chính sách trên địa bàn TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nâng cao hiệu quả hoạt động phân tích, dự báo kinh tế - xã hội của TP.HCM và Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.