Theo các nghiên cứu quốc tế, hiện có khoảng 1,975 tỉ người bị cận thị (hơn 28% dân số thế giới). Dự báo thế giới sẽ tăng lên 4,76 tỉ người bị cận thị vào năm 2050.
Tại VN, cận thị là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, trẻ càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt, do thói quen và các hoạt động kém lành mạnh như: đọc sách, truyện trong môi trường thiếu ánh sáng hoặc với cự ly gần trong thời gian dài; chơi game trên điện thoại, máy vi tính; xem ti vi, máy tính bảng quá nhiều khiến mắt trẻ phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau nhức mắt.
Theo chuyên gia nhãn khoa của Bệnh viện Nhi T.Ư, với người cận thị, nguy cơ mất thị lực và thoái hóa võng mạc ở bệnh nhân cận thị tăng lên theo tuổi, đặc biệt là ở tuổi cao (50 - 60 tuổi). So với người bị cận thị thấp (từ 1 - 3 diop), bệnh nhân cận thị cao (trên 6 diop) có nguy cơ đục thủy tinh thể gấp 5 lần; nguy cơ bệnh thiên đầu thống gấp 14 lần; bong rách võng mạc gấp 22 lần; thoái hóa hoàng điểm cận thị cao gấp 41 lần và tăng theo tuổi.
Trước mối quan tâm của nhiều phụ huynh về thuốc ngăn ngừa tiến triển cận thị, chuyên gia nhãn khoa của Bệnh viện Nhi T.Ư lưu ý: Cơ chế của thuốc hiện chưa rõ ràng; cần chú ý về tác dụng phụ (lóa mắt, mắt bị dị ứng…) không mong muốn cũng như nguy cơ tái tăng độ cận cao sau khi ngừng thuốc.
Để kiểm soát cận thị ở trẻ em, các gia đình cần cho trẻ tăng thời gian hoạt động ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, ít nhất 80 - 120 phút mỗi ngày.
So với các biện pháp khác, dành thời gian hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời là phương pháp an toàn nhất và phù hợp với các khuyến cáo y tế hiện có khác, như phòng chống béo phì, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo Bệnh viện Mắt T.Ư, khả năng tăng thời gian ở ngoài trời để làm chậm sự khởi phát của cận thị đã được chứng minh trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
Bình luận