Văn hóa còi xe

12/01/2015 05:57 GMT+7

Tôi nhớ mãi đêm Giao thừa dương lịch bước sang năm 2006. Sau khi dự tiệc ở nhà một đồng nghiệp ở Q.1 (TP.HCM), tôi chạy xe máy về Q.7 theo đường cầu chữ Y. Giữa cầu, có một sự cố khiến dòng xe nghẽn lại. Tôi dừng sau xe máy một thanh niên đang chở người phụ nữ bế một đứa bé. Mặc dù đường phía trước kẹt cứng, không ai di chuyển được, nhưng anh ta vẫn bấm còi liên hồi.

Tôi nhớ mãi đêm Giao thừa dương lịch bước sang năm 2006. Sau khi dự tiệc ở nhà một đồng nghiệp ở Q.1 (TP.HCM), tôi chạy xe máy về Q.7 theo đường cầu chữ Y. Giữa cầu, có một sự cố khiến dòng xe nghẽn lại. Tôi dừng sau xe máy một thanh niên đang chở người phụ nữ bế một đứa bé. Mặc dù đường phía trước kẹt cứng, không ai di chuyển được, nhưng anh ta vẫn bấm còi liên hồi.

 
Kẹt xeKẹt xe - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không chịu nổi, tôi buông lời: “Đường kẹt như vậy mà bấm còi, ai nghe”. Lập tức, anh ta gạt chân chống ngang, bước ra khỏi xe, hầm hầm bước đến trước mặt tôi văng tục và giơ nắm đấm: “Mày nói gì hả con kia? Khi không muốn ăn đòn hả!”. Biết gặp phải “thứ dữ”, nên “tránh voi chả xấu mặt nào”, tôi đành nói xin lỗi. Cuối cùng, anh ta thấy không còn lý do gì để đánh tôi nên bỏ đi, kèm thêm vài câu thô tục và hăm dọa. Tôi đọc được trong ánh mắt những người xung quanh, một số có vẻ thông cảm cho tôi, một số có vẻ như đang nói: “Người ta bấm còi thì kệ người ta!”.
Khi sự cố phía trước được giải quyết, đường thông, xe bắt đầu di chuyển, nước mắt tôi trào ra, ngực thắt lại. Khi ấy, tôi vừa về nước được vài tháng sau 2 năm du học ở châu Âu. Những năm tháng ở nước ngoài, dường như tôi chỉ một lần duy nhất nghe tiếng còi xe ồn ã. Đó là khi thủ đô Brussels của Bỉ có đợt diễn tập chữa cháy. Bằng không, xe cứu thương, xe đưa rước nguyên thủ... cũng không được phép dùng còi. Tôi cũng nghe rằng khi cảnh sát truy đuổi tội phạm thì mới được dùng còi để báo động tình trạng khẩn cấp. Nói chung, còi xe chỉ được dùng khi an ninh công cộng bị thách thức. Một trường hợp dùng còi nữa mà tôi quan sát được khi đi xe cùng người địa phương, đó là khi xe vào những đoạn đường đèo uốn lượn mà người đi ngược chiều không thể nhìn thấy nhau thì mới có một tiếng còi báo hiệu để hai bên cùng bám sát vào lề của mình mà tránh va chạm.
Sẽ có người cho rằng tôi “sính ngoại” khi đem chuyện ở trời Tây về so sánh với Việt Nam. Nhưng không, luật giao thông về cơ bản ở đâu cũng giống nhau. Việc cấm bấm còi xe một cách không cần kíp, cấm ở những nơi gần bệnh viện, trường học, khu dân cư... là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Y học đã chứng minh tiếng ồn gây hại cho sức khỏe, từ ảnh hưởng thính giác, thần kinh cho đến tiêu hóa, tuần hoàn, tim mạch, sự phát triển của trẻ em, sản phụ có nguy cơ sinh non... Đó là chưa kể những tiếng còi kinh động, chói tai bừa bãi có thể làm chính những người tham gia giao thông hoảng hốt, mất bình tĩnh, dẫn đến tai nạn. Ngoại trừ những tình huống tôi kể ở trên, luật giao thông có đủ những quy định khác để đảm bảo an toàn giao thông mà không cần đến còi xe bừa bãi.
Tại các giao lộ ở Việt Nam, dễ dàng bắt gặp tình huống khi đèn xanh bật lên mà người dừng xe ở đầu chưa kịp tăng tốc thì đồng loạt những xe ở sau bấm còi “nhắc nhở”. Hay khi ai đó không may xe bị tắt máy giữa giao lộ, lập tức anh ta phải đối diện với cái nhìn hằn học và những hồi còi chát chúa từ những người ở phần đường đèn xanh. Hành động đó tưởng bình thường, nhưng đằng sau nó thể hiện một đám đông thiếu kiên nhẫn, thiếu lòng vị tha, mà tôi ít gặp ở những nước khác.
Steven Herman, trưởng Văn phòng Bangkok của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), vừa có chuyến du lịch 2 tuần ở Việt Nam, bắt đầu với Hà Nội, Đà Nẵng, và kết thúc ở TP.HCM. Trở về Thái Lan đêm 10.1, Steven chia sẻ với tôi rằng: “Các tài xế taxi và xe Uber ở Việt Nam khiến tôi muốn đứt dây thần kinh bằng tiếng còi của họ”. Theo Steven, tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn của Việt Nam không tồi tệ như ở Bangkok hay thủ đô Jakarta của Indonesia, nhưng bấm còi là “đặc sản” của Việt Nam, trong khi “ở Bangkok, các tài xế hiểu rõ bấm còi là vô ích”. Steven cũng nói rằng việc băng qua đường ở Việt Nam giống như “đi trên than hồng”, một thử thách đối với người trưởng thành trong đạo Hindu.
Cách đây nhiều năm, một nhà báo kì cựu của tập đoàn báo in Singapore Press Holdings đã viết trên mục diễn đàn của báo Straits Times về tình trạng giao thông ở Việt Nam sau khi đi thăm nước ta. Cũng như Steven, nhà báo này phản ánh việc dùng còi inh ỏi và việc qua đường ở các thành phố lớn của Việt Nam giống như đối mặt với tử thần. Tuy nhiên, nếu biết cách, cứ bình tĩnh bước chậm rãi, đều đặn, chắc chắn các phương tiện gắn máy sẽ tự tránh người đi bộ, nhà báo này viết. Chung quy lại, ông muốn nói rằng ở Việt Nam người ta đi lại không tuân thủ luật giao thông nhưng tương đối an toàn, cơ bản là vì mọi người biết nhường nhau, tránh nhau. Và như một “khuyến cáo” đi ngược với luật pháp, bài viết nhận được hàng tấn “đá”, có thể làm “bể đầu” bất cứ người Việt Nam nào vô tình đọc được. Một trong số các bình luận viết rằng: “Xin lỗi, chúng tôi không cần thứ lệ làng bất thành văn trông chờ vào may rủi ở xứ đó”.
Chẳng lẽ người Việt Nam cứ chấp nhận sống chung với những “lệ làng” gây khiếp đảm cho những người nước ngoài, trong khi pháp luật của chúng ta có đầy đủ những điều khoản văn minh và khoa học?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.