Sau ngày thành phố mở cửa trở lại, anh Trần Tuấn Linh, 37 tuổi ở Q.10 quyết định chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển chính của mình. Theo anh Linh, đi xe đạp vừa để tăng cường vận động cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường. Ban đầu đường thông thoáng, cảm giác đạp xe đi làm, cà phê với bạn bè, dạo phố khá thoải mái, an toàn và rất thú vị. Nhưng gần đây, việc học sinh trở lại trường và cận Tết Nguyên đán làm số lượng người ra đường tăng lên kéo theo sự đông đúc, ồn ào, mất an toàn vốn có trước kia. Hình ảnh quen thuộc như vượt đèn giao thông, xe máy leo lề, ô tô chiếm đường, xe lớn ép xe nhỏ, bấm còi inh ỏi… lại xảy ra ra khắp nơi. “Không biết tôi có thể duy trì việc đạp xe này bao lâu nữa!?”, anh Linh lo lắng.
TP.HCM đang khuyến khích người dân đi xe đạp để tăng cường vận động cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường |
hà mai |
Anh Linh là một trong số rất nhiều người ở TP.HCM chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển sau dịch. Lo lắng của anh Tuấn Linh cũng là suy tư của nhiều người chọn đi xe đạp hiện nay. Nếu lượng người đạp xe không tăng mà giảm đi thì thật đáng tiếc vì hình ảnh người dân ra đường bằng xe đạp tạo cho chúng ta cảm giác về một thành phố (ít nhất là khu vực trung tâm) an toàn, bình yên và sạch sẽ, năng động, hiện đại.
Ví dụ trên cho thấy hạ tầng và văn hóa giao thông có quan hệ hữu cơ. Hạ tầng giao thông đủ tốt là điều kiện cần để có hành vi giao thông tốt. Ở các thành phố lớn, vào những dịp nghỉ lễ dài ngày, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán đường sá vắng vẻ, đa số mọi người tuân thủ khá tốt. Nhưng chỉ khoảng 3 - 4 tuần sau tết, người dân trở lại thành phố nhiều hơn, hạ tầng giao thông quá tải và văn hóa giao thông lại làm mọi người ngán ngẩm.
Tương tự, trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến đại lộ được xây dựng việc tổ chức giao thông khá tốt và do đó người dân chấp hành quy định về làn đường, tốc độ, bảng hướng dẫn… nghiêm túc. Nhìn rộng ra các nước phát triển cũng có thể thấy điều tương tự. Chính vì vậy, muốn nâng cao văn hóa giao thông, phải đảm bảo cơ sở hạ tầng đủ tốt, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, hạ tầng cũng chỉ là điều kiện cần vì yếu tố quyết định vẫn là con người. Mà hành vi giao thông của người dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường xã hội, giáo dục, các quy định của luật pháp, chế tài xử lý vi phạm… Chúng ta đã đưa giáo dục an toàn giao thông vào trường học nhưng trước cổng trường vào giờ tan học lúc nào cũng là điểm nóng về an toàn giao thông; hay việc chế tài, xử phạt vi phạm của người tham gia giao thông cũng cần quyết liệt hơn... mới có thể cải thiện văn hóa giao thông.
Dù bức tranh chung là khá phức tạp và cần nhiều thời gian để hoàn thiện nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là mọi người khi ra đường hãy vì sự an toàn của mình mà chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông.
Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.
Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn
Xin chân thành cảm ơn quý độc giả!
Thanh Niên
Bình luận (0)