Văn hóa mạng từ những điều rất nhỏ

23/11/2021 04:25 GMT+7

Buổi họp phụ huynh trực tuyến trong năm học này chợt sôi động khi một phụ huynh đề nghị cô chủ nhiệm có cách nào khác để tương tác với con mình mà không qua nhóm Zalo, Messenger vì chị không cho con xài điện thoại di động.

Quả là nan giải với cô giáo cấp THCS khi hiện nay dạy học trực tuyến buộc phải tương tác, cho học sinh (HS) làm việc nhóm mà yêu cầu không thông qua mạng xã hội (MXH), HS không được sử dụng điện thoại để phục vụ việc học…

Dẫn câu chuyện này để cho thấy nếu vài năm trước chúng ta còn bàn nhau có nên cho HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học không thì giờ đây chúng ta phải đặt lại câu hỏi: Hướng dẫn HS sử dụng như thế nào để hiệu quả, thích hợp? Cũng như vậy, chúng ta không thể lảng tránh việc cho trẻ con, HS sử dụng MXH, thiết bị điện tử khi hiện nay mỗi ngày các em đều phải học trực tuyến, tiếp xúc, giao tiếp với thầy cô, bạn bè hoàn toàn trên “không gian ảo” để giải quyết những “vấn đề thật” của bài học.

Nói một cách khác, trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, chúng ta không nên giữ tư duy cấm đoán, né tránh mà phải đối diện để thích nghi. Khi việc học trực tuyến trở thành một trong các phương thức học tập thì thay vì cấm HS tham gia MXH, sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị công nghệ…, cha mẹ, thầy cô nên dạy các em kỹ năng, ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Cách ứng xử văn hóa cũng không là gì to tát nhưng nó chỉ xảy ra khi học trực tuyến nên cần phải giúp HS thích ứng. Chẳng hạn đó là việc người học không nên chia sẻ ID, mật khẩu cho những người ngoài tham gia vào lớp học để quấy phá. Đó còn là sự lễ độ, tôn trọng giáo viên bằng việc phải có sự tương tác, phản hồi nhiệt tình trong các giờ học trực tuyến để câu hỏi của giáo viên không rơi vào “sự im lặng đáng sợ”. Đó là thái độ nghiêm túc từ việc ăn mặc đến tư thế ngồi học trong các buổi học trực tuyến. Là sự thấu hiểu, cảm thông để có thái độ ứng xử phù hợp với thầy cô khi phải giảng dạy trực tuyến trong điều kiện khó khăn, giữa bộn bề nỗi lo của cuộc sống và dịch bệnh.

Một trong những điều cần phải dạy cho HS khi tương tác trên không gian mạng là biết nghi ngờ, phản biện trước mọi thông tin được tiếp nhận để biết đâu là tin thật, tin giả, chia sẻ có trách nhiệm trên MXH…

Ứng xử văn hóa trên mạng không chỉ đến từ phía người học mà cả người dạy. Thầy cô vẫn luôn cần làm gương cho HS qua lời nói, cử chỉ, thái độ đúng mực, yêu thương chân thành để không HS nào cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong không gian mạng lẫn ngoài đời thật.

Ngành giáo dục đã chuyển đổi sang dạy học trực tuyến 2 năm qua, trẻ từ mầm non cũng đã tiếp xúc nhiều với thế giới mạng, tỷ lệ người dùng MXH VN đã trên 70% dân số. Bộ Thông tin - Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, do vậy việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục là vô cùng quan trọng và cần thiết. Và điều này, có thể bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình, trong từng lớp học trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.