Lam Kinh trở thành di tích quốc gia đặc biệt

26/09/2013 16:10 GMT+7

(TNO) Bất chấp mưa gió, hàng nghìn du khách thập phương cùng con cháu của dòng họ Lê trong và ngoài nước đã về tham dự Lễ hội Lam Kinh 2013.

Lam Kinh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Sáng 26.9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2013 và đón nhận Bằng công nhận Khu di tích lịch sử Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt.

Hàng nghìn du khách thập phương và con cháu dòng họ Lê trong và ngoài nước đã về tham dự lễ hội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ khẳng định khu Di tích lịch sử Lam Kinh là tài sản vô giá của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Việc Lam Kinh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng đặt ra trọng trách lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử to lớn của khu di tích này.

“Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt dự án phục hồi, tôn tạo và bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Lam Kinh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt 2
Con cháu họ Lê thắp hương trong đền thờ vua Lê

Lam Kinh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt 3
Hàng nghìn người dân đội mưa xem lễ hội

Ngay sau phần lễ với các nghi thức tế cáo tôn nghiêm, tri ân công tích của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh dựng xây đất nước, phần hội được tiếp nối với một chương trình nghệ thuật đặc sắc được sân khấu hóa chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”.

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương, tái hiện lịch sử 10 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hào hùng; cảnh vua Lê đăng quang cùng với dấu ấn lịch sử triều Lê và các giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích Lam Kinh…

Trong phần hội, du khách còn được thưởng thức các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các huyện trong tỉnh gắn liền với lễ hội như: Múa Xuân Phả, múa rồng Xuân Lập (Thọ Xuân), trò Chiềng (Yên Định), trò Sanh Ngô, trống hội Phú Khê (Hoằng Hóa), hát múa Đông Anh (Đông Sơn), cồng chiêng (Ngọc Lặc), hò Sông Mã (Hà Trung)…

Theo sử cũ, Lam Kinh (hay còn được gọi là Tây Kinh) tọa lạc tại xã Xuân Lam, H.Thọ Xuân (Thanh Hóa), gồm những lăng tẩm, mộ phần, đền miếu và một hành cung để các vua nhà Hậu Lê nghỉ ngơi, điều hành công việc vào mỗi lần về bái yết tổ tiên.

Trải qua thời gian, những đền miếu, cung điện đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay, Lam Kinh đang được phục dựng lại với 5 tòa thái miếu, ngọ môn và một phần của tòa chính điện đã được hình thành.

Tin, ảnh: Ngọc Minh

>> Khai mạc trọng thể lễ chính Lễ hội Lam Kinh
>> Khai mạc lễ hội Lam Kinh năm 2008
>> Khởi động lễ hội Lam Kinh
>> Chùa Bửu Phong được xếp hạng Di tích cấp quốc gia
>> Đề xuất đầu tư phục dựng di tích căn cứ Nước Là
>> Triển lãm ảnh về quá trình trùng tu di tích Huế
>> Mộ ông nội Tây Sơn tam kiệt được công nhận là di tích
>> Trùng tu hay phá hoại di tích văn hóa nhà Trần ?
>> Dựng phim 3D về khu di tích nhà lao Hội An
>> Đề nghị công nhận lăng mộ danh thần Tây Sơn là di tích quốc gia
>> Đề nghị công nhận lăng mộ cụ Trương Công Hy là di tích quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.