Bảo vật quốc gia 'in 3D' bước ra đời thực

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/08/2021 06:06 GMT+7

Nhiều kiệt tác mỹ thuật cổ đã được xử lý 3D và chỉnh tỷ lệ để trở thành các phiên bản nhỏ hơn với nhiều chất liệu khác nhau dành cho người yêu di sản.

Phiên bản Quan âm Hội Hạ

Khi kiến trúc sư (KTS) Đinh Việt Phương đưa hình ảnh bức tượng Quan âm Hội Hạ lên Facebook cá nhân, nhiều người khen ngợi trầm trồ, đặc biệt là những người yêu di sản. Bức tượng này là một phiên bản của bảo vật quốc gia tượng Quan âm Hội Hạ do ông Phương thực hiện bằng kỹ thuật in 3D rồi chấm sửa thủ công. Bản chính hiện vẫn đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Phiên bản ông Phương thực hiện chỉ cao 70 cm, nhỏ hơn nhiều so với bản gốc cao tới 3 m. Bản gốc này, theo các nhà nghiên cứu, cũng là một trong những tượng Quan âm lớn nhất thế kỷ 16 tại Việt Nam. “Cảm giác ngắm một pho tượng đẹp là rất thư thái, dễ chịu!”, ông Phương chia sẻ.
Theo KTS Đinh Việt Phương, ông có ý tưởng in ra các hiện vật từ bảo vật quốc gia như thế này từ khi bắt tay vào công việc chuyển đổi số 3D các hiện vật khối, đặc biệt là các pho tượng cổ. “Mọi người đều nghĩ số hóa 3D hiện vật là tạo ra dữ liệu số, nhưng ứng dụng làm gì thì còn khá mơ hồ và mang nặng tính lý thuyết. Tôi muốn minh chứng về kết quả rõ ràng nhất và trực quan nhất của việc chuyển đổi số 3D đem lại”, ông Phương nhớ lại.
Trước đó, ông Phương đã có nhiều dự án 3D hóa vốn cổ, trong đó có các hiện vật quý tại di tích, các bảo vật… Nhờ đó, ông nắm được kỹ thuật và công nghệ scan (quét) 3D. “Việc số hóa 3D một hiện vật với các chi tiết - chất liệu hay hình dạng kích thước khác nhau sẽ có các phương pháp số hóa khác nhau. Một hiện vật có thể phải kết hợp nhiều phương pháp số hóa khác nhau”, ông nói.
Với tượng Quan âm Hội Hạ, ông Phương đã scan 3D hiện vật gốc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng nhiều phương pháp, sau đó tính toán, kết hợp các phương án thành file 3D thống nhất. Ông cũng hiệu chỉnh bằng tay cho đảm bảo yêu cầu về chi tiết của bản in. “Khối được scan là khối sau khi sơn thếp rất nhiều lớp, nhiều khi lớp sơn dày cả phân nên việc làm nét khối như khi chưa được sơn là một bước rất quan trọng”, ông Phương cho biết. Sau khi scan đa chiều, ông Phương in 3D theo kích thước định sẵn.
Nhưng bản in này còn tiếp tục phải qua công đoạn phủ bề mặt bằng phương pháp sơn thếp truyền thống. Đó là các công đoạn làm tượng sơn son như hom - bó - cầm - thếp mà nhiều bậc cha chú đi trước đã hướng dẫn. Sau cùng, tượng được làm cũ thủ công cho có màu thời gian.
Về quá trình thực hiện phiên bản tượng mới, ông Phương chia sẻ: “Điều khó nhất là điều kiện để tiếp cận với các cổ vật, phải có các dự án lớn về số hóa thì mình mới có điều kiện tiếp cận. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, do giám đốc rất quan tâm đến áp dụng công nghệ trong việc gìn giữ phát huy các tác phẩm nên công việc thuận lợi”.

Bản lưu niệm và ngoại giao văn hóa

Trước khi KTS Đinh Việt Phương thực hiện “bản in” bảo vật Quan âm Hội Hạ, đã có những phiên bản tượng quý khác được thực hiện. Chẳng hạn, bảo vật quốc gia tượng Phật A di đà thời Lý đang được thờ tại chính điện chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cũng đã có các phiên bản nhỏ. Năm 2017, một phiên bản chất liệu bạc đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản trong chuyến thăm lần đầu tới Việt Nam. Những phiên bản của tượng Phật A di đà này cũng được dùng làm quà tặng ngoại giao trong nhiều dịp khác. Sáng kiến thực hiện các phiên bản kích cỡ, chất liệu khác nhau này do Hội quán di sản đưa ra và hiện thực hóa.
KTS Đinh Việt Phương cho biết hiện tại với phương pháp in 3D, việc sản xuất các phiên bản khác nhau của bảo vật quốc gia rất khả thi, với nhiều hướng sản xuất. Chẳng hạn, Bảo tàng Mỹ thuật có thể sản xuất hàng loạt các phiên bản với nhiều kích cỡ cho du lịch. Bảo tàng này cũng có thể sản xuất những phiên bản đặc biệt tinh xảo với số lượng đơn lẻ.
PGS-TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bày tỏ rất ủng hộ việc có những phiên bản đẹp tới từng chi tiết của các bảo vật quốc gia. Theo ông Dương, điều này khiến di sản có thể bước ra ngoài đời thật. “Bảo vật quốc gia không thể chỉ là hình ảnh trong sách, khiến công chúng thấy xa vời. Trong khi đó, nếu có các bản sao đẹp, di sản sẽ trở nên gần gũi với công chúng hơn. Chưa kể, đó là một quà tặng để có thể quảng bá văn hóa Việt Nam”, ông Dương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.