Biến bãi rác thành không gian nghệ thuật

Ngọc An
Ngọc An
12/02/2020 06:59 GMT+7

Nhóm 16 nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài đã biến bãi rác Phúc Tân (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thành không gian của các tác phẩm nghệ thuật đương đại với những câu chuyện kể về Thăng Long - Kẻ Chợ.

Nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza đã thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên (Hà Nội) để sơn màu và biến chúng thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh con rồng được vẽ và hình ảnh cầu Long Biên được ghép từ những mảnh gương vỡ trên tường. Cùng với tác phẩm của Diego Cortiza, các tác phẩm của 15 nghệ sĩ khác được sáng tạo men theo bức tường (20 năm trước dựng lên để chống lấn đất) dài khoảng 500 m.
Một không gian nghệ thuật với những tác phẩm không theo bất cứ khuôn mẫu nào, mang dấu ấn cá nhân riêng của các nghệ sĩ đang được dần hoàn thiện trên khu vực trước đấy là bãi rác tự phát nằm bên sông Hồng.

Câu chuyện của dòng sông bị lãng quên

Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông đã dùng hơn 10.000 chai nhựa là chai nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng... gom được ở các trường học, khu dân cư xung quanh và nơi anh sinh sống, để tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm. Trong khi nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy, vật dụng đặc trưng của những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng, để đưa vào tác phẩm sắp đặt Nhà nổi mang đến cái nhìn về những góc khuất trong cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng.
Biến bãi rác thành không gian nghệ thuật

Tác phẩm Gánh hành rong của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn

Nghệ sĩ Phạm Khắc Quang đã hàn những thanh sắt cũ dựng lên thành hình ảnh toa tàu, trên đó có bóng dáng “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” Hà Thị Cầu. Còn nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6 m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và nông nghiệp. Tác phẩm sắp đặt của anh giống như cuộc đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống, những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.
Hầu hết các vật liệu được sử dụng trong tác phẩm là vật liệu tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy đến lốp xe, ống bô xả, túi ni lông... “Nhưng dự án không chỉ đơn thuần là tái chế, mà qua nghệ thuật để kể những câu chuyện của ký ức, lịch sử”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự án, cho hay. Anh nói: “Xưa kia, bãi Phúc Tân, bãi Phúc Xá là những bãi bến thuyền lớn ở chân cầu Long Biên. Đó là nơi giao thương của các vùng miền chung quanh Hà Nội. Khu Kẻ Chợ 36 phố phường được hình thành lên từ đó. Những ký ức, lịch sử của Thăng Long - Kẻ Chợ mà nhiều người, trong đó có cả chính người dân sống tại đây có khi đã quên hoặc không hay biết”. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng nhắc đến thực trạng những dòng sông như Tô Lịch, Kim Ngưu, hay sông Hồng bị bỏ quên lâu nay. “Dự án này còn như một gợi ý để nhìn thấy giá trị của các con sông Hà Nội, trong đó có sông Hồng”, nghệ sĩ bày tỏ.

Dự án nghệ thuật “từ dưới đi lên”

“Khu vực này đã hình thành từ lâu và rất ô nhiễm. Mỗi năm, quận đều phải bỏ ra chi phí cho vấn đề môi trường, hay việc người dân lấn chiếm. Chúng tôi đã nghe ý kiến của nhiều chuyên gia và quyết định làm dự án nghệ thuật kêu gọi xã hội hóa”, ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho hay.
Biến bãi rác thành không gian nghệ thuật2

Tác phẩm Thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa

Sau khi nhận được “đề bài” từ UBND Q.Hoàn Kiếm, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã thiết kế dự án, đồng thời tìm những nghệ sĩ đồng hành với mình. Cuối cùng, 15 nghệ sĩ khác đã tham gia cùng anh, trong đó có những nghệ sĩ trong nước như Ưu Đàm Trần Nguyễn, Trịnh Minh Tiến, Lê Đăng Ninh, Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Xuân Lam, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Hậu Yên Thế… và 2 nghệ sĩ nước ngoài là George Burchett và Diego Cortiza.
“Tôi xuống khảo sát bối cảnh, cuộc sống của người dân ở đây, nghe ngóng người dân xem họ muốn gì. Không phải mình cứ mang tác phẩm “ốp” xuống người dân phải theo, mà phải xem họ có thích không rồi mới làm. Nói dự án từ dưới đi lên là như thế”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. Những người dân ở đây còn tham gia thu gom vật liệu tái chế cho các nghệ sĩ thực hiện tác phẩm.
Dự án này manh nha ý tưởng từ 6 tháng trước và bắt đầu được thực hiện từ cách đây 2 tháng, đến giờ chuẩn bị hoàn tất, dự kiến vào cuối tháng này. Bên cạnh một khoản hỗ trợ 40% kinh phí dự trù, nhiều nghệ sĩ đã tự ứng tiền túi để hoàn thành tác phẩm khi chưa có tài trợ.
Nói về kế hoạch đưa không gian này thành điểm đến du lịch, ông Phạm Tuấn Long cho hay: “Trước tiên, chúng tôi muốn dự án giúp cải thiện môi trường sống cho người dân ở khu vực, để họ có ý thức giữ gìn môi trường cảnh quan tốt hơn. Sau này, tùy vào sự đánh giá, hưởng ứng của cộng đồng, chúng tôi sẽ có phương án quản lý tiếp theo”.
Độ “bền” tác phẩm trung bình 3 - 5 năm
Trước khi thực hiện tác phẩm, các nghệ sĩ đã nghiên cứu về chất liệu phù hợp với không gian ven sông, chẳng hạn chịu được sức gió lớn, thời tiết nắng mưa. Bên cạnh các chất liệu có độ bền cao như sắt, thép, xi măng, các vật liệu tái chế được xử lý, sơn phủ để hạn chế bạc màu, bong tróc... Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, độ “bền” của tác phẩm trung bình từ 3 - 5 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.