Hầu hết ông bà bầu tư nhân đều chọn các vở kinh điển cho chắc ăn khi bán vé, và cũng vì muốn phục hồi những tên tuổi, tác phẩm “vang bóng một thời”. Họ sợ lớp nghệ sĩ cũ sẽ già đi, không còn sức đứng trên sân khấu nữa. Đây là một điều đáng ghi nhận. Một số khác chọn tuồng hồ quảng đầy màu sắc, để có được sự “bảo hiểm”. Số ít chọn vở lịch sử, dù viết mới hay kịch bản cũ thì cũng cần hoan nghênh, hỗ trợ. Số ít khác lại chọn những kịch bản mềm mại bi kịch với bối cảnh ở thế kỷ trước, với đợi chờ, héo hon, tuyệt vọng...
Tóm lại, không có vấn đề gì của hôm nay được cải lương phản ảnh. Cải lương hình như là một thế giới khác, là nơi cho người ta tìm đến giải khuây, chứ không chia sẻ được gì trong những điều mà người ta bận tâm hôm nay. Mà giải khuây cũng được, nhưng phải có cái gì đó khiến người ta thấy cải lương đồng hành với thời cuộc? Một bạn trẻ đã phát biểu trong một cuộc tọa đàm về cải lương: “Chúng tôi không thấy hình bóng của tham nhũng, của những tấm gương lập nghiệp, của sức trẻ đấu tranh chống thói hư tật xấu, của những tình yêu mạnh mẽ, dám vượt thử thách, hình bóng của đời sống gia đình, đời sống hôn nhân trong vòng xoáy của kim tiền... Nghĩa là những chuyện mà thế hệ chúng tôi đang phải đối đầu, băn khoăn, day dứt và phải giải quyết”.
Thật ra, đặc trưng của cải lương là tính tự sự, nên người ta thường có khuynh hướng viết câu chuyện mùi mẫn một chút để có cái mà ca cho cảm động. Chuyện mùi mẫn thì hay rơi vào tình yêu ngang trái. Nhưng thực tế, những câu chuyện lịch sử vẫn hấp dẫn từ chất mạnh mẽ, đấu tranh, xung đột dữ dội, chứ không hoàn toàn mùi mẫn. Vậy thì tuồng xã hội cũng có thể dữ dội, chứ đâu chỉ riêng chất mùi, và những bức xúc hôm nay vẫn có thể đem vào cải lương. Những nỗ lực của các đơn vị xã hội hóa rất đáng khen ngợi, khán giả hôm nay chỉ mong họ “thêm” vào những cái mới, để cải lương chinh phục được một lớp người của thời hiện đại.
Bình luận (0)