Đi ăn phở cùng điệu xẩm
Bài xẩm Tứ vị Hà thành của nhóm Xẩm Hà Thành thật vui và được quay cũng thật công phu. Ở đó, những món ăn như phở, bún chả, bún được quay ngon đến mức nhìn chỉ muốn ăn. Từng thành phần, bí quyết thưởng thức cũng được giới thiệu. Với phở, đó là những chia sẻ: “Chanh vắt nhanh tay, phở gà chanh vắt nhanh tay. Phở bò ăn thì có dấm, tiêu xay thêm vào...”. Với bún chả lẫy lừng sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhóm giới thiệu: “Đến tận cái anh Obama, cũng là mê tít bún chả Hà thành thôi”. Rộn ràng, giàu nhịp điệu, Tứ vị Hà thành khiến người xem không thể không bật lên bình luận. “Bắt kịp thời đại quá. Bún Obama nữa”, một khán giả bình luận ngay dưới MV.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long rất tự hào về kênh Xẩm Hà Thành mà anh cùng các nghệ sĩ trong nhóm góp công xây dựng. Mỗi MV đều được anh cùng nhạc sĩ Giáng Son, nhà nghiên cứu Mai Tuyết Hoa đầu tư nhiều năng lượng sáng tạo. Vì thế, xẩm - vẫn với làn điệu cổ, đã có thêm những nội dung mới, cả phần lời ca lẫn cách ghi hình. “Chúng tôi còn đầu tư xây dựng cả nhận diện nữa. Thực sự kênh YouTube này được xây dựng rất công phu”, ông Long nói. Sắp tới, ông và những người trong nhóm cũng sẽ ra mắt nhận dạng mới cho kênh.
Nếu như Xẩm Hà Thành chỉ “chuyên xẩm” thì kênh YouTube của một người yêu di sản âm nhạc cổ khác lại có nhiều món hơn, đó là kênh của ông Mai Đức Thiện. Ở đó, có thể tìm thấy các MV, các bản ghi âm, những clip ghi hình biểu diễn, một vài trích đoạn phim... Chúng gắn với nhau bằng tình yêu âm nhạc truyền thống. Yêu chèo. Yêu xẩm. Yêu hát văn... Kênh của ông Mai Đức Thiện còn có mục Thư viện chèo. Ở đó, nhiều lớp diễn, nhiều giọng hát chèo hay đã được giới thiệu. Nhiều tổng hợp khác về xẩm, trong đó có giới thiệu nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, cũng có ở đây. Ông Thiện còn tập hợp những CD xẩm xưa và nay trên kênh YouTube này...
|
Kho tư liệu dễ tiếp cận
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan rất có thiện cảm với những kênh YouTube giới thiệu âm nhạc truyền thống như vậy. “Quá hay ấy chứ! Việc giới thiệu có hệ thống khiến khán giả dễ tiếp cận hơn. Họ có thể xem liền từ cái này qua cái khác mà không mất công tìm kiếm, hệ thống lại”, ông Loan nói.
Nếu như tìm kiếm trên Google về cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, những tư liệu âm nhạc về bà sẽ hiện ra ở nhiều kênh YouTube như: Làng chèo Việt Nam, Mai Đức Thiện... Sau đó, nếu người xem chọn Mai Đức Thiện, sẽ có nhiều video về cụ Hà Thị Cầu được xếp gần nhau. Nhờ đó, người xem có thể hình dung về cụ với cái nhìn đa dạng hơn.
Ông Mai Đức Thiện cho biết đã lập kênh từ năm 2011 với mục đích sưu tầm, khôi phục và quảng bá nghệ thuật chèo. “Tôi hoạt động độc lập, không có bất kỳ nguồn kinh phí hỗ trợ nào. Mọi việc cũng không tốn tiền, chỉ tốn thời gian, công sức là chính. Đây là những công trình sưu tầm nên mất thời gian tìm kiếm, khôi phục tư liệu chèo cổ và sản xuất clip nhạc, video karaoke chèo... Tôi duy trì liên tục việc này từ 2011 đến nay”, ông Thiện cho biết.
Theo ông Thiện, trong những sản phẩm này, với ông, phức tạp nhất là làm video karaoke chèo, từ cắt ghép clip, chép lời nhạc, kỹ thuật đánh máy chữ, đến chuyển thành video. Mỗi video như vậy ông mất cả chục tiếng mới làm xong. “Dù chèo vẫn đang có vẻ sống tốt nhưng lại đang bị mai một. Tôi đã hệ thống hóa được 190 làn điệu chèo cổ”, ông Thiện nói. Ông cũng liên tục học hỏi về chèo, cách hát chèo từ 2 nghệ sĩ, cũng là mẹ nuôi của mình, đó là NSND Minh Thu và NSND Thanh Bình. Trên kênh YouTube của ông, do đó, có nhiều tư liệu âm nhạc hình ảnh của 2 nghệ sĩ này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cũng ủng hộ việc có kênh giới thiệu di sản âm nhạc truyền thống. Ông chỉ lưu ý: “Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, tham gia vào hệ thống bản quyền, các công ước bản quyền. Chính vì thế, cần tôn trọng tuyệt đối về bản quyền. Bất cứ trang nào khi sử dụng tư liệu cũng cần được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền tác phẩm ấy”.
Viện Âm nhạc nên tham gia YouTube
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan ao ước có một “tổng kho” âm nhạc dân tộc thật lớn trên YouTube. “Chính ra Viện Âm nhạc có một kho tư liệu âm nhạc khổng lồ. Do sưu tầm lưu trữ từ nhiều năm, Viện có những tư liệu quý ít ai có. Nếu đưa lên YouTube được cũng rất hay”, ông Loan nói. Cũng theo ông Loan, đây là cách rất tốt thu hút người trẻ đến với di sản âm nhạc truyền thống.
|
Bình luận (0)