Thực hành Then vừa là nghệ thuật, vừa là tâm linh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
14/12/2019 06:22 GMT+7

UNESCO ngày 13.12 đã ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Thực hành Then.

Vũ trụ quan của người Tày, Thái, Nùng

Hồ sơ khoa học Thực hành Then của người Tày, Thái, Nùng đã mô tả đây là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Thực hành Then phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. “Các lễ Then diễn tả hành trình thầy then (ông then, bà then) điều khiển đoàn âm binh đi từ mường đất lên mường trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... Khi các thầy then cất tiếng hát, gảy đàn tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình”, theo tư liệu Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL).
Theo Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (thuộc UNESCO), hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở VN đáp ứng 5 tiêu chí để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thứ nhất, Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này.
Thứ hai, việc ghi danh nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Thứ ba, sức sống của di sản được đảm bảo bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa. Từ năm 2001, Chính phủ đã đầu tư kinh phí để bảo vệ nghi lễ Then. Các cuộc triển khai nhận diện, kiểm kê và tư liệu đã được thực hiện. Nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến thức bằng cách kết hợp đưa hát then và tính tẩu vào giảng dạy ở trường.
Thứ tư, nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn. Cộng đồng Thực hành Then cũng cam kết bảo vệ di sản văn hóa này.
Thứ năm, di sản Then của 11 tỉnh lần lượt được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012. Hằng năm đều có kiểm kê di sản.

Thi ca, âm nhạc tuyệt diệu

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, đã nghiên cứu thực hành Then từ những năm 1970. Ông Loan cho biết đây là văn hóa tín ngưỡng có giá trị văn hóa cao trong cộng đồng người Tày, Nùng, Thái. “Trước tiên là nó đáp ứng nhu cầu tâm linh, thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Thầy Then là người có thể dùng Then để xoa dịu nỗi đau và sự mất mát, xoa dịu oan trái trong cuộc đời nên được người dân rất thích”, ông nói.
Ông Loan cũng nhắc đến việc Then có một bộ lời ca đồ sộ bằng thơ bảy chữ. Trong đó phản ánh hầu như toàn bộ đời sống xã hội của cư dân Tày, Nùng, Thái thông qua những câu chuyện thần tiên và câu chuyện cuộc đời. “Trong đấy có chuyện tình yêu, có chuyện trồng cấy, có chuyện cứu nhân độ thế. Tóm lại, có rất nhiều chuyện, nên có thể gọi là một bộ thơ trường ca của người Tày, Nùng, Thái có giá trị văn học”, ông Loan cho biết.
Giá trị âm nhạc của thực hành Then, theo ông Loan, cũng rất nổi bật. Cảm khoái thi ca của Then được chuyển tải bằng âm nhạc. Có lẽ không một hình thức tín ngưỡng nào lại có nghệ thuật âm nhạc thống trị từ đầu đến cuối như Then.
Cũng theo ông Loan, hát Then gắn liền với cây đàn tính, hay tính then. “Cây đàn đó không có phím nên việc lựa phím, tạo âm là theo ngẫu hứng của thầy Then. Nên tính đa dạng của âm nhạc, chuyển động âm nhạc theo cung quãng của Then rất phong phú, không bị hạn chế ở các cung bậc có sẵn”, ông Loan phân tích.

Hành lễ và ngẫu hứng

Một trong những giá trị của thực hành Then là ở thầy then, là ông thầy cúng đồng thời là nhạc sĩ khi vừa đàn, vừa hát theo kiểu trường ca, gắn liền với quá trình hành lễ. Thầy then có khi cầm đàn hát suốt đêm.
Ông Loan nhấn mạnh, thực hành Then có 3 giá trị chính: văn học, thi ca và nghệ thuật biểu diễn. Ba nghệ thuật này gắn liền và chứa đựng trong thầy then. “Ông ấy thăng hoa thì có thể thêm rất nhiều lời nhờ tài sáng tác văn chương. Mỗi thầy then là một nhà sáng tác văn học trên những khung có sẵn và không ông nào giống ông nào”, ông Loan nói.
Theo ông Loan, Then đã đi vào đời sống của người Tày, Nùng, Thái bằng cả tín ngưỡng và âm nhạc. “Khi nào cần làm Then cúng vía, sinh con đẻ cái thì làm Then tín ngưỡng. Khi nào cần sinh hoạt Then cho vui vẻ thì người ta hát Then cho nhau nghe. Cho nên, Then là một nghệ thuật chứa đựng trong đó tính văn hóa cấu kết cộng đồng rất cao”, ông Loan nói.
Tính đến 13.12, UNESCO đã ghi danh 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào các danh sách 508 di sản của 122 quốc gia. Đó là: nhã nhạc - nhạc cung đình Triều Nguyễn; không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên; dân ca quan họ; ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; hát xoan Phú Thọ; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi kéo co; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; nghệ thuật bài chòi ở Trung bộ và thực hành Then của người Tày, Thái, Nùng.
Trong đó di sản thực hành Then tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.