Kho báu
PGS-TS Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đánh giá rất cao tài nguyên di sản mộc bản tại Hà Nội. Theo ông Việt, là kinh đô Đại Việt trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Thăng Long - Hà Nội có nhiều ngôi chùa lớn. Chính vì thế, vào thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, đây là những cơ sở chính lưu giữ tàng bản ấn tống truyền bá kinh Phật.
tin liên quan
Khoảng trống quy hoạch di sản ở Hà NộiTheo ông Việt, không chỉ các chùa lớn có mộc bản, những chùa nhỏ có lịch sử lâu đời ở khu vực ngoại vi kinh đô cũng có mộc bản quý. Chẳng hạn, chùa Đa Bảo ở xã Tri Thủy, H.Phú Xuyên, xưa thuộc phủ Thường Tín, là cơ sở tàng bản in khắc kinh Phật khá phong phú thời Nguyễn. Đáng tiếc, do chiến tranh, lụt lội tàn phá, số lượng mộc bản bị thất thoát khá nhiều. Một số ván in bị vùi trong lòng đất mới được tăng ni dân thôn đào tìm cất giữ. Hiện nay, số lượng ván in ở đây còn ngót 800 đơn vị, tình trạng bị hư hỏng nhiều.
Chưa kể, theo ông Việt, tại Hà Nội còn có những di tích là cơ sở khắc và in mộc bản điển hình ở Hà Nội như đền Ngọc Sơn. Đền nằm trên núi đất nhỏ giữa hồ Hoàn Kiếm, cũng là nơi tụ họp của các sĩ phu Bắc Hà. Nơi đây đã trở thành trung tâm khắc ván in sách lớn của cố đô thuở ấy, với nội dung khá phong phú trên các lĩnh vực đạo giáo, tín ngưỡng dân gian, khuyến học, y dược học. Hiện tại, các mộc bản đền Ngọc Sơn được tập hợp và bảo quản tại Bảo tàng Hà Nội.
|
Các tư liệu mộc bản ở trong dân cũng là di sản đáng chú ý ở Huế. “Mộc bản ở trong nhà dân thì thường đó là những nhà trước đây giàu có. Ví dụ như Nguyễn Phước tộc ở Huế nhiều nhà còn giữ. Các danh môn xưa mới đủ sức để làm những việc đó. Mộc bản ở nhà dân ngày xưa thì như kiểu giờ chúng ta hay gọi là xã hội hóa công tác in ấn. Chẳng hạn, họ thích một tác phẩm, họ thuê người về khắc rồi in thôi”, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, nói.
Kiểm kê bảo quản gấp, bảo tồn dài hạn
Theo TS Trần Đình Hằng, phải coi mộc bản là một loại di sản văn hóa đặc biệt. Nó vừa là vật thể vừa là phi vật thể, và việc đầu tiên là phải tổng kiểm kê mộc bản trên phạm vi cả nước. “Hiện tại nhiều mộc bản trong dân, trong di tích chưa được động tới. Bây giờ ngành văn hóa rất cần một đợt tổng kiểm kê các mộc bản đó. Trong đó có những tài liệu rất quý”, ông nói.
|
Sau đó, theo ông Hằng, cần phải giúp cho các chủ sở hữu hiện nay, nếu họ chưa có điều kiện thì phải giúp họ làm thư mục, vệ sinh mộc bản, làm giá làm kệ chống mối mọt. “Cần giúp chủ sở hữu đầu tư một chỗ để có thể bảo quản. Họ phải có những kệ dù đơn giản nhưng ở trong phòng có thể bảo quản được”, ông nói.
Theo ông Hằng, nếu có đơn vị nào đó tạo được niềm tin để người chủ mộc bản trao tài sản để giữ hộ cũng tốt. Chẳng hạn, có thể gửi mộc bản Phật giáo tại Huế vào trung tâm lưu trữ ở chùa Từ Đàm. Nếu mô hình này thành công, sẽ có nhiều người gửi tài sản về. Nếu không, cần giúp các gia đình hay di tích có không gian bảo quản chúng.
Ông Hằng còn cho biết, tốt nhất là về lâu dài cần đưa mộc bản vào phòng bảo quản đặc biệt rồi có chương trình nghiên cứu tổng thể. “Chúng tôi đang làm việc với một đại học ở Nhật Bản, sắp tới họ sẽ vào miền Trung và sẽ giúp đỡ. Chẳng hạn, in hết các mộc bản thành một tổng tập văn bản”, ông Hằng cho biết.
Bình luận (0)