Đầu tháng 9.2020, sau khi đăng loạt bài về tăng thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học, báo Thanh Niên nhận được bài viết bằng tiếng Anh của một nhà khoa học người Pháp, GS Pierre Darriulat.
Bài viết được TS Nguyễn Bảo Huy (nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Sherbrooke, Canada) dịch ra tiếng Việt và đăng trên báo Thanh Niên. Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều bạn đọc bày tỏ sự hồ nghi, cho rằng chưa chắc bài viết đã do một nhà khoa học người Pháp viết, bởi trong bài viết tác giả đã trích dẫn một loạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ cho luận điểm của mình một cách nhuần nhuyễn.
|
Tuy nhiên, giới khoa học Việt Nam cũng như các lãnh đạo cấp cao về khoa học công nghệ thì không lạ gì GS Pierre Darriulat, một nhà vật lý thiên văn học hàng đầu thế giới nhưng đã chọn Việt Nam là nhà từ hơn 20 năm nay. Năm 2016, trong một hội nghị quốc tế ở Quy Nhơn, Bình Định, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Có những nhà khoa học đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. GS Pierre Darriulat là một trong số đó. Giáo sư không chỉ nghiên cứu khoa học mà còn tham gia đóng góp về chính sách phát triển; chính sách khoa học, công nghệ".
Bức tranh chân dung Hồ Chí Minh khổ lớn
Ấn tượng về sự trân trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà GS Pierre Darriulat dành cho Người, phóng viên báo Thanh Niên đã đến thăm giáo sư tại nơi làm việc của ông, là Phòng Vật lý thiên văn và vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam. Ông vẫn ngồi trên ghế, xoay nửa vòng, đối diện với chúng tôi, lúc đó ngồi quay lưng về phía cửa.
Khi câu chuyện của chúng tôi đến phần nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Pierre Darriulat mỉm cười thích thú, hướng ánh nhìn thẳng về phía bức tường giáp cửa ra vào, ngay sau lưng tôi. Tôi xoay người lại và ngỡ ngàng. Một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ A0 được treo trên tường, bên cạnh là bản in một số câu nói thể hiện quan điểm của Người (đã được dịch ra tiếng Anh) về xây dựng, phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam.
|
Tôi tiếp tục quan sát những bức tường còn lại căn phòng. Một bên là cửa sổ, một bên là hàng loạt bức ảnh chân dung các nhà khoa học tiền bối trên thế giới trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Các bức ảnh có cùng một cỡ, khoảng bằng bìa vở học sinh, riêng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là tranh phóng tác, khổ lớn, nét vẽ màu đỏ cam, nổi bật trên nền tường trắng.
Trong tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đội chiếc mũ vành nhỏ và gắn cờ đỏ sao vàng và nhìn thẳng về bức tường đối diện, nơi có bức tranh thiên hà khổ lớn. GS Pierre Darriulat nói: “Đó mới là Hồ Chí Minh trong mường tượng của tôi, dù khác hẳn những bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam”.
GS Pierre Darriulat bình luận: “Tôi không thích những từ như fan, hay thần tượng… Nhưng tôi đặc biệt kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh! Là một người từng xuống đường biểu tình chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tôi biết đến tên tuổi Hồ Chí Minh từ lâu. Tuy nhiên, chỉ từ khi sang Việt Nam, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước này, đọc một số trước tác của Người được dịch ra tiếng Anh, tôi mới thực sự nhận thức được tầm vóc của Hồ Chí Minh.
Tôi cảm thấy mình hiểu được tư tưởng của Người. Đó là một nhân vật xuất chúng, rất thông minh, rất rộng lượng, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên cao nhất. Đặc biệt, Hồ Chí Minh là người giải quyết các vấn đề mà lịch sử đặt ra với dân tộc Việt Nam rất hiệu quả. Tôi cho rằng, nếu không có Hồ Chí Minh, đến giờ Việt Nam vẫn sẽ còn hai vùng lãnh thổ Nam - Bắc, giống như Triều Tiên - Hàn Quốc".
“Tôi đọc rất nhiều sách viết về lịch sử Việt Nam. Thật không may, những cuốn viết về lịch sử Việt Nam hay nhất lại do những nhà lịch sử ở Mỹ viết. Tôi cho rằng, vấn đề không phải vì họ là người Mỹ, mà bởi họ là những nhà viết sử đúng nghĩa. Tôi nhận thấy họ có cách nhìn nhận gần gũi với Hồ Chí Minh - một con người rất nhân văn, rất rộng lượng. Tôi đọc khá nhiều trước tác của Hồ Chí Minh, trong đó Người đề cao đạo đức, lòng yêu nước. Nhưng ngày nay nhiều người làm ngược lại, ví dụ tham nhũng, đó là điều đi ngược lại mong muốn của Người. Kính trọng Hồ Chí Minh là phải thực hiện di nguyện của Người”.
GS Pierre Darriulat
|
Tình yêu sâu nặng với Việt Nam
Cách đây hơn 20 năm, sự hiện diện hàng ngày ở phố phường Hà Nội của một người đàn ông Pháp cao lớn rất gây chú ý. Vì thế, GS Pierre Darriulat trở thành nhân vật thường xuyên được báo chí nhắc tới mỗi khi cần kể những câu chuyện tình đẫm chất lãng mạn giữa người ngoại quốc với đất nước, con người Việt Nam. Nhưng về sau, ông vẫn xuất hiện đều đều trên báo, nhưng với tư cách là một tác giả, phản biện các vấn đề trong công cuộc xây dựng, phát triển nền nghiên cứu khoa học, nền giáo dục đại học Việt Nam. Đặc biệt, ông còn được biết đến như một người bạn thân thiết, một “cặp bài trùng” với GS Hoàng Tụy, một trí thức lớn của Việt Nam vừa mới tạ thế cách đây 2 năm.
|
Trước khi đến Việt Nam, GS Pierre Darriulat gần như không biết gì về Việt Nam ngoài hình ảnh một đất nước vừa trải qua chiến tranh, đã chiến thắng Mỹ trong đỗi vẻ vang. Tuy nhiên, vốn có sẵn trong mình tình yêu dành cho đất nước kiên cường này, ông sang Việt Nam với tâm thế của người sẵn sàng nhập cuộc, giúp đỡ một nền khoa học mà ông tin chắc chắn là còn chưa xây dựng được gì nhiều.
Như một nhu cầu tự nhiên, ông tìm đến GS Hoàng Tụy, nhà khoa học uy tín nhất VN thời điểm đó và cho đến tận bây giờ. GS Pierre Darriulat đến phòng làm việc của GS Hoàng Tụy ở tầng trệt Viện Toán học Việt Nam, tự giới thiệu về mình. Ngay lập tức, trong buổi nói chuyện đầu tiên, hai nhà khoa học lớn đã cảm thấy là bạn của nhau, trò chuyện với nhau rất tâm đắc về các vấn đề mà nền giáo dục đại học Việt Nam cần phải vươn tới. “Chúng tôi cùng chung quan điểm, đều coi trọng các giá trị tri thức và đạo đức, cùng muốn nỗ lực giúp nền khoa học Việt Nam phát triển, tiến bộ nhanh hơn, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”, GS Pierre Darriulat nói.
Cơ duyên dẫn dắt ông biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhờ giai đoạn cộng tác với nhà văn hóa Hữu Ngọc, đầu những năm 2000, hồi ông mới sang Việt Nam sống. Nhờ việc hỗ trợ ông Hữu Ngọc dịch sang tiếng Pháp một số bài viết mà GS Pierre Darriulat nhanh chóng trở thành người am hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam, mà trong đó Hồ Chí Minh nổi bật với vai trò là người mở đường vĩ đại cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhưng sự kính trọng đặc biệt mà GS Pierre Darriulat dành cho Hồ Chủ Tịch được bồi đắp qua lời kể của GS Hoàng Tụy và một số trí thức Việt Nam khác. “Tôi không có diễm phúc được gặp Hồ Chí Minh, nhưng các anh Hoàng Tụy, Việt Phương, Chu Hảo… đã được gặp Người. Khi kể với tôi về Người, họ đều nhận xét Người là một lãnh tụ vĩ đại, trí tuệ xuất sắc, là một con người hào phóng, rộng lượng. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những nhận xét đó của các bạn tôi”, GS Pierre Darriulat chia sẻ.
Một nhân vật kiệt xuất khác của Việt Nam cũng khiến cho GS Pierre Darriulat có một sự cảm phục sâu sắc, đó là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo GS Pierre Darriulat, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những đại diện phẩm giá của người Việt Nam. Chính vì thế mà khi những người đó mất đi, cả dân tộc này đau buồn vì sự mất mát. “Tôi đã có vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là cuộc gặp xúc động. Chúng tôi nói chuyện về giáo dục, ông ấy cầm tay tôi nói, Việt Nam cần cuộc cách mạng và phải tiếp tục chiến đấu. Vì thế mà tôi tiếp tục chiến đấu”, GS Pierre Darriulat nhớ lại.
GS Pierre Darriulat là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Pháp từ năm 1986, Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) trong khoảng 1987 - 1994. Năm 1999, sau khi nghỉ hưu và kết hôn với một phụ nữ Việt Nam (nhà báo Hoàng Thị Nga, vốn làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam), ông sang Việt Nam định cư. Trong hơn 20 năm qua ông đã miệt mài giúp Việt Nam xây dựng nền nghiên cứu thiên văn vũ trụ.
Năm nay đã 83 tuổi hàng ngày, GS Pierre Darriulat vẫn đến làm việc với các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Phòng Vật lý thiên văn và vũ trụ với tư cách cố vấn. Ông làm việc tự nguyện, không hưởng lương và chưa bao giờ phàn nàn về điều này.
|
Bình luận (0)