Mạng lưới sáng tạo lan dần
Chị Vũ Thị Thanh Bình, người sáng lập không gian sáng tạo Tổ chim xanh, đã có những trải nghiệm vừa hồi hộp vừa hứng khởi với chính quyền Hải Phòng. Trở về thành phố quê hương sau nhiều năm gây dựng Tổ chim xanh ở Hà Nội, chị tham gia tổ chức Tuần lễ văn hóa sáng tạo Hải Phòng. Hoạt động này vừa có nhiều người tham dự, lại có nhân tố là người nước ngoài, vì thế chị khá lo lắng trong việc xin giấy phép. “Nhiều anh chị trong Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng giới thiệu Sở Ngoại vụ. Phía Sở hỗ trợ rất nhiệt tình và giúp dự án được chia sẻ kết nối”, chị Bình nhớ lại.
Sự kiện Tuần lễ văn hóa sáng tạo Hải Phòng vì thế còn gợi mở một tương lai Hải Phòng cũng có thể làm hồ sơ thành phố sáng tạo. “Tâm thức văn hóa của Hải Phòng là cởi mở, thẳng thắn, chịu dịch chuyển. Tôi cũng tin Hải Phòng chịu cởi mở đón nhận nghệ thuật đương đại và trở thành thành phố sáng tạo. Bên cạnh đó, cả Quảng Ninh cũng có thể có thành phố sáng tạo”, Giám đốc Vicas Art Studio Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Cũng có thể thấy sau khi Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO, một số tỉnh thành khác cũng có ý định trở thành thành phố sáng tạo và muốn phát triển công nghiệp sáng tạo. Về mạng lưới, bản thân các nghệ sĩ của các không gian sáng tạo đã kết nối với nhau khá sớm. Đã có bản đồ về không gian sáng tạo do Hội đồng Anh điều tra và vẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế... Nghệ sĩ từ những điểm này cũng đã có các hoạt động tại nhiều địa phương. Chẳng hạn, Tổ chim xanh đã mở ở Hải Phòng, hay Ơ kìa Hà Nội có các hoạt động cả ở Hải Phòng lẫn Hội An.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho biết nhiều thành phố có tiềm năng và cũng có ý tưởng về việc trở thành thành phố sáng tạo. Cá nhân ông rất ủng hộ những mong muốn đó. “Chẳng hạn Huế chọn lĩnh vực ẩm thực, nghĩa là trở thành thành phố sáng tạo về ẩm thực. Đà Lạt cũng muốn nhưng chưa biết họ sẽ chọn lĩnh vực nào, âm nhạc hay thi ca hoặc phim ảnh. TP.HCM có thể là âm nhạc, hoặc cũng có thể là làm thiết kế vì thiết kế có tính bao trùm hơn. Đà Nẵng hiện đang hào hứng với câu chuyện này. Gần đây Việt Trì cũng cân nhắc. Việt Trì đang xây dựng một số lễ hội trở về với cội nguồn”, ông Sơn chia sẻ.
|
Đừng tham gia chỉ vì hư danh
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO cũng là một cách làm thương hiệu. “Nhiều nước đã sử dụng thương hiệu thành phố sáng tạo này để khuyến khích phát triển nhiều ngành, du lịch chẳng hạn. Nó cũng định hướng luôn sự phát triển của thành phố theo hướng thế nào”, ông nói.
Về giá trị kinh tế của thành phố sáng tạo, ông Sơn bày tỏ quan điểm: “Thành phố sáng tạo chắc chắn là ra tiền. Tất nhiên văn hóa so với lĩnh vực khác thì phải có thời gian để có thống kê định lượng ra tiền. Danh hiệu thành phố sáng tạo có thể ra tiền trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ, nó tạo thương hiệu cho thành phố, từ đó thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư. Nó tạo ra lợi thế so với các địa phương khác. Đấy là lý do tại sao các thành phố trên thế giới muốn thành thành phố sáng tạo”.
Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia, là mỗi thành phố muốn gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo cần xác định rõ điểm mạnh của mình. Chẳng hạn, Đà Lạt được đánh giá là có lợi thế về thiết kế kiến trúc. “Đầu tiên, Đà Lạt đã có một lợi thế nguồn cảm hứng về kiến trúc sẵn rồi. Thứ hai, nó cũng có đủ điều kiện địa hình, khí hậu để có thể trở thành địa điểm thích hợp với các sáng tạo kiến trúc. Đấy là điều kiện lý tưởng để tạo ra sự đa dạng của môi trường kiến trúc trong hòa nhập với điều kiện văn hóa kiến trúc bản địa và điều kiện tự nhiên. Quỹ biệt thự Pháp ở Đà Lạt cũng rất đa dạng, kết hợp kiến trúc thuộc địa ảnh hưởng Pháp với những mô típ địa phương của người Lạch, người Chin gốc bản địa”, PGS-TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, nhận định.
Bên cạnh đó, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng việc làm hồ sơ thành phố sáng tạo phải gắn với định hướng phát triển của thành phố. “Tức là mình phải xác định đó là định hướng phát triển chứ không phải đi xin danh hiệu về rồi không làm gì. Đừng nghe đó là thương hiệu lung linh lấp lánh thế giới mà ham. Quan trọng nhất là thương hiệu đó có cho ai, có để làm gì, tại sao phải có, có thương hiệu đó ai sẽ được lợi. Chúng ta phải tránh chuyện lấy danh hiệu thành hư danh. Chỉ khi danh hiệu có tác dụng trên thực tế với các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa thì mới có ích được. Và cũng tránh cả việc lấy thương hiệu theo hướng này nhưng lại phát triển thành phố theo hướng khác”, ông Sơn nói.
Bình luận (0)