Có hẹn với Hoàng thành Thăng Long

13/02/2021 13:00 GMT+7

Còn đó một Hoàng thành Thăng Long mà tôi vẫn chưa có dịp ghé thăm, nơi gắn liền với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc ta…

Dấu đạn trên thành cổ

Tôi cũng không thể nhớ chính xác số lần mình đã đặt chân đến trái tim của cả nước - Thủ đô Hà Nội. Vậy mà đã có lúc tôi lại “lỡ hẹn” với Hoàng thành Thăng Long…
Thôi thì tạm thời du lịch “qua màn ảnh” những di tích còn sót lại hiện nay của Hoàng thành như điện Kính Thiên, khu Hậu Lâu, cột cờ Hà Nội, cổng Đoan Môn, cửa Ô Quan Chưởng, khu nhà D67. Thế nhưng, gây ấn tượng hơn cả với tôi, đó là cổng thành Bắc Môn. Dấu vết đạn thần công ngay trên cổng thành Bắc Môn ngày nay tuy chỉ được xem qua hình ảnh nhưng vẫn gợi trong tôi một thuở quá khứ thương đau của thủ đô dưới gót giày xâm lược tàn khốc của giặc ngoại xâm.
Dấu đạn đồng thời cũng cho tôi cảm nhận chân thực về tinh thần tiết liệt, chống trả đến cùng của nhân dân Hà Nội, đặc biệt là sự hy sinh oai hùng, lẫm liệt của hai vị quan Tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trong giây phút sinh tử tuyệt nhiên không hề nao núng, sợ hãi, cúi đầu trước thế lực ngoại bang. Lời của Bác Hồ kính yêu bất chợt lại văng vẳng bên tai tôi: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”.

Lớp lớp lịch sử

Lần dở theo các tư liệu, thông tin về Hoàng thành Thăng Long, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong vô số thông tin từ báo chí, bài viết “Di sản trước đầu máy xúc: Kể chuyện phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long” khiến tôi thật sự xúc động mạnh trước hình ảnh các nhà khảo cổ học đầy tâm huyết. Họ không ngại gian khó mà không ngừng tìm kiếm, khai quật dẫu cho có những lúc niềm tin, sự chán chường bị đẩy lên cao độ. Thật là một quá trình đấu tranh đầy tính nhẫn nại của một tập thể những con người yêu quý những gì thuộc về cội nguồn dân tộc, bản sắc Việt.

Đôi rồng điện Kính Thiên nay trở thành bảo vật quốc gia

Ảnh Lưu Quang Phổ

Càng tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long là lại càng nô nức một ngày không xa sẽ được ghé thăm. Nếu một ngày Hoàng thành Thăng Long được phục dựng trọn vẹn và nơi đây trở thành một phim trường ghi hình các bộ phim lịch sử thì thế nào nhỉ?
Tôi nghĩ rằng những bộ phim ấy sẽ chẳng thua kém bất kỳ một tác phẩm nước ngoài nào. Có quá nhiều các tác phẩm nước ngoài được trình chiếu và khiến cho một số bộ phận thế hệ trẻ còn rành rẽ sử người hơn sử mình mà quên mất rằng, những trang sử nước nhà cũng có những tình tiết, các giai thoại, sự kiện lịch sử nổi bật.

Những thân phận

Tôi có thể lấy ví dụ điển hình như thiên tình sử giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, 2 vị vua như 2 dấu gạch nối chuyển giao quyền lực của hai triều đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam là triều đại Lý - Trần. Thành thật mà nói, khi còn nhỏ đọc đến trang sử viết về Lý Chiêu Hoàng đọng lại trong tôi không quá nhiều cảm xúc như hiện tại, có thể lúc ấy sự trải nghiệm về cuộc sống chưa đủ để tôi có thể cảm hết được cái gọi là thời cuộc.
Một Lý Chiêu Hoàng giữa chốn thâm cung cùng cực, dẫu cho đến phút cuối cũng có được niềm hạnh phúc an ủi bên cạnh vị tướng Lê Phụ Trần, nhưng nỗi đau, niềm thương, mất mát theo vần thế xoay chuyển liệu có ai thấu?
Lý Chiêu Hoàng - từ ngôi vị cửu ngũ chí tôn, bỗng chốc hóa thành Hoàng hậu rồi lại trở thành công chúa, mang tội danh thiên cổ làm mất cơ nghiệp nhà Lý, cho đến lúc mất cũng cô đơn một cõi được thờ tự tại đền Rồng, hoàn toàn tách biệt với 8 vị vua triều đại nhà Lý. Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt của người đời dành cho người phụ nữ này. Nói khác hơn là thực tế về thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa không có tiếng nói và không quyền tự chủ.
Đứng giữa Hoàng thành Thăng Long của thực tại trong một ngày lộng gió, có thể ngược dòng chảy lịch sử về chốn kinh kỳ thâm cung bí sử của những năm tháng huy hoàng, rực rỡ nhưng cũng đầy biến động của hai triều đại Lý - Trần. Có thể chiêm nghiệm về từng nhân vật như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Lý Chiêu Hoàng, Thuận Thiên, Trần Cảnh, Trần Liễu… từng chút, từng chút một xuất hiện trong ánh mắt, biểu cảm, lời nói, thái độ, hành động.
Tôi tin chỉ cần những nhà làm phim tâm huyết, chắc chắn những thước phim giá trị này sẽ đến gần hơn với thế hệ trẻ để “Dân ta phải biết sử ta”, để những trang sử khô khan trên sách vở đi vào trái tim mỗi người con đất Việt.
Hoàng thành Thăng Long - tôi có hẹn với “bạn” một ngày gần nhất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.