Cung vàng điện ngọc
Chiều 23.11, TP.Hà Nội tổ chức hội thảo để nhìn lại 10 năm Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Trong hội thảo này, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhiều lần nhắc tới từ “cung vàng điện ngọc” khi nói về những giá trị của HTTL. Ông Tín cũng điểm lại kết quả nghiên cứu khảo cổ học HTTL ở các thời khác nhau, cho thấy sự tiếp nối của các triều đại, các giá trị kiến trúc văn hóa. “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng tòa chính điện Kính Thiên, như lời nhà khoa học Lê Quý Đôn nói là một ngôi điện nguy nga giữa trời”, ông Tín nói.
Hiện tại, việc nghiên cứu để tái hiện HTTL vẫn đang tiếp tục. Tại trưng bày về HTTL ở hầm Nhà Quốc hội có phòng chiếu phim, ở đó chiếu đoạn phim về HTTL thời Lý. Đoạn phim này do nhóm nghiên cứu của PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu kinh thành, thực hiện. “Chúng tôi đã mất 5 năm để nghiên cứu và tái hiện kiến trúc thời Lý đó”, ông Trí cho biết.
Theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hiện các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật 5 ha trên tổng số 20 ha. Đây là diện tích còn quá hạn hẹp, chưa có khả năng hình dung hết diện mạo khu di sản. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc gắn với tất cả các giai đoạn phát triển của khu Trung tâm HTTL. Đặc biệt, đã phát hiện bộ sưu tập với hiện vật quý hiếm, trong đó có nhiều hiện vật đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.
“Trong thời gian tới rất cần triển khai tận cùng kế hoạch nghiên cứu, khai quật khảo cổ học đã được phê duyệt để nhận diện di sản sâu sắc hơn. Mặt khác, kết quả này cũng sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ tư liệu bằng chứng vật chất làm cơ sở khoa học cho việc thực hiện có kết quả các dự án phục dựng điện Kính Thiên - một hạng mục kiến trúc hạt nhân trong quần thể kiến trúc kinh thành Thăng Long xưa. Trước mắt là phục dựng di tích dưới dạng các bản vẽ, hình ảnh, không gian “hiện thực ảo” bằng công nghệ số với tư cách là phương án gợi mở tiến tới đồng thuận tương đối trong cộng đồng, làm cơ sở cho việc phục dựng điện Kính Thiên”, ông Bài nêu quan điểm.
|
Làm hồ sơ lần hai cho Hoàng thành Thăng Long
PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng nếu đối chiếu với ý tưởng quy hoạch Thăng Long ban đầu trong Chiếu dời đô, có thể thấy HTTL xưa chỉ là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của kinh thành Thăng Long. Trong lòng thủ đô Hà Nội hiện nay vẫn tồn tại nhiều hoặc một di tích đơn lẻ đã gắn bó lâu đời với Trung tâm HTTL, như khu phố cổ Hà Nội (một làng cổ bên sông Tô Lịch xưa phát triển và lớn mạnh); Ô Quan Chưởng, tứ trấn bảo hộ về mặt tâm linh cho kinh thành; hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm với tư cách là hai điểm thiêng từ khởi đầu của Thăng Long. Rộng hơn nữa có thể kể đến dấu tích của các con sông cổ: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... và đặc biệt là dấu ấn của La Thành - vòng ngoài của kinh đô Thăng Long.
Ông Bài đề xuất: “Tôi nghĩ rằng các điểm di tích đơn lẻ đó nếu được kết nối lại cùng di sản Trung tâm HTTL (đã được công nhận Di sản thế giới năm 2010) thành một chuỗi di sản thì hoàn toàn có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ hai cho Trung tâm HTTL với tính chất là di sản gắn với kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, lại nhắc đến việc làm sao để phát huy di sản HTTL. Theo ông, hiện tại ở HTTL có nhiều hoạt động văn hóa rất tốt, trong đó có các hoạt động như Em tập làm nhà khảo cổ, hay các chương trình âm nhạc lớn. “Việc HTTL tổ chức sự kiện là nên, nếu không thì im lìm. Vấn đề là chọn sự kiện gì, hàm lượng văn hóa trong sự kiện, chọn lọc và tổ chức cho văn hóa”, ông Trụ nói. Cũng theo ông Trụ, nếu ở HTTL có thêm không gian trưng bày để tái hiện lịch sử nhiều hơn nữa càng tốt. Trường hợp nếu chưa đủ hiện vật thì có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo, phim...
Ông Trụ cũng nhắc đến trưng bày các hiện vật HTTL ở hầm Nhà Quốc hội. “Có nhiều nhà khoa học chưa được vào. Chúng ta phải thấy là bảo tàng đó cũng rất tốt. Bây giờ nếu chỉ đóng cửa để đấy hoặc năm thì mười họa đại biểu Quốc hội họp xem thì thấy lãng phí. Đề nghị Quốc hội nên có giải pháp để người dân vào tham quan. Các đối tượng đi theo đoàn, có quy chế, có người tổ chức. Có thể 1 tháng một lần hay 1 tuần một lần, có quy định, có biện pháp chứ nếu không thì lãng phí, không phát huy được giá trị”, ông Trụ nói.
Chưa hoàn thành cam kết với Ủy ban Di sản thế giới
10 năm qua UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ Việt Nam với Ủy ban Di sản thế giới. Tuy nhiên, đến nay những tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến cam kết vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, cụ thể:
- Dự án khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thực hiện từ 2002 nhưng đến nay công tác bàn giao tài liệu hiện vật chưa hoàn thành. Trung tâm đang phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và lộ trình bàn giao toàn bộ tài liệu di vật khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu giai đoạn 2020 - 2025.
- Việc di chuyển hộ gia đình lão thành cách mạng chưa hoàn thành do chưa thống nhất về cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.
TS Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội
|
Bình luận (0)