Hành trình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh

26/05/2021 07:00 GMT+7

Ngày cuối của đợt chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia , tôi gặp lại thầy giáo Nguyễn Đăng Khoa. Nói là gặp lại, chứ thực ra tôi chỉ mới gặp anh một lần thoáng qua trong đợt chấm thi năm ngoái.

Tôi cảm mến anh Khoa bởi vẻ bề ngoài điềm tĩnh, ít nói và hình như còn cất giấu một nỗi niềm nào đó trên khuôn mặt có những phút đăm chiêu…

Thầy dạy văn, võ với tâm niệm 'sống là để trao yêu thương'

Chuyện trò với anh Khoa, hiểu hơn một người anh, người đồng nghiệp vừa đam mê với cả nghề dạy học lẫn nghề dạy võ. Năm 23 tuổi, anh mới bắt đầu vào giảng đường đại học bởi trước đó, anh theo học ở trường nghề Công nhân nông nghiệp Trung ương 4. Tốt nghiệp đại học, anh dạy học hai năm ở miền nam và sau đó chuyển về dạy học ở trường THPT Lê Lợi ở Tân Kỳ, Nghệ An. Từ đó cho đến nay, với gần 20 năm giảng dạy tại trường, anh đã dìu dắt bao lớp học trò ở một vùng đất còn nghèo khó cất cánh bay xa.

Thầy Khoa với lớp học võ...

Ảnh: TGCC

Về mảnh đất Tân Kỳ, có nhiều lứa học trò khi nhắc đến anh đều quý mến hình ảnh một người thầy tận tâm, hết mực yêu thương, chia sẻ với học trò, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Qua trò chuyện với đồng nghiệp, tôi được biết trong những ngày hè nắng nóng, có khi nhiệt độ lên đến 40 độ C, anh vẫn xuống tận thành phố Vinh tham gia đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi. Anh làm tình nguyện viên lái xe miễn phí đưa đón học trò đến các điểm thi. Đặc biệt, anh còn bỏ tiền ra thuê cả một dãy nhà trọ cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến nghỉ ngơi trong những ngày thi. Tôi hỏi, động lực nào cho anh ý chí làm những việc đó. Anh nở một nụ cười hiền hậu “mình có tâm niệm, sống là để trao yêu thương”.
Ngoài là một thầy giáo dạy văn được học trò yêu mến, anh còn là thầy dạy võ cũng đầy tận tâm với võ sinh. Khi được hỏi về cơ duyên nào đưa anh đến với nghề dạy võ, anh chia sẻ là bởi ngày nhỏ, sức khỏe yếu nên anh mơ ước lớn lên sẽ làm võ sư để rèn luyện sức khỏe cho mình cũng như cho các em nhỏ.

Hành trình gian nan tìm thanh âm cho con

Bề ngoài trông anh Khoa lúc nào cũng thân thiện, lạc quan, thường trực nụ cười trên môi nhưng ít ai biết được rằng, bản thân anh cũng là người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là hoàn cảnh của cậu con trai. Thật xúc động với câu chuyện về tình phụ tử anh kể - hành trình 9 năm từ Tân Kỳ đưa con xuống thành phố Vinh điều trị.
Mỗi tuần hai ngày đều đặn bất kể nắng mưa, người bố ấy đã song hành cùng cậu con trai xuống Vinh rồi lại về lại Tân Kỳ. Anh kể, khi mẹ cháu mang bầu được 3 tháng thì bị sởi rubella nên lúc sinh cháu bị khuyết tật điếc dẫn đến câm. Mặc dù vậy, trí tuệ cháu vẫn thông minh, nhanh nhẹn. Anh tâm sự, để con khỏi bệnh, anh sẵn sàng làm thêm bất cứ nghề gì. Vì đồng lương giáo viên eo hẹp nên anh còn làm nhiều nghề khác để có tiền điều trị bệnh cho con như nghề MC đám cưới, lái taxi, nuôi ong… Từ việc bươn chải với mọi nghề như thế, anh cũng dành dụm được một số tiền để mua máy trợ thính (trị giá gần cả trăm triệu) cho cháu.

... và trong chuyến thiện nguyện ở vùng lũ Quảng Bình

Ảnh: TGCC

Nhìn sâu trong đôi mắt anh - đôi mắt của một người bố, mới cảm nhận hết được tình yêu thương lớn đến nhường nào anh dành cho cậu con trai tên Châu. Lúc chia tay, anh còn đưa cho tôi xem một đoạn video về cậu bé đang giao tiếp trong lớp học với cô giáo. Anh cười bảo: “Nó tiến bộ rất nhanh em ạ!”.  Ngắm nụ cười ấm áp, hạnh phúc của anh dành cho con mà thấy ấm lòng, thấy anh như đang quên đi mọi vất vả.
Mặc dù con trai khuyết tật như thế nhưng anh hay kết nối thiện nguyện, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Cứ tưởng cũng xuất phát từ hoàn cảnh của bản thân như thế nên anh dễ đồng cảm trong việc chia sẻ, giúp đỡ người khác nhưng anh cho biết anh đã thích làm công tác thiện nguyện từ khi chưa lập gia đình.

Tâm thiện từ ngày trẻ

Từ hồi còn sinh viên cứ gặp cảnh đời bất hạnh anh lại đứng ra kêu gọi quyên góp làm từ thiện. Có những đợt anh đứng ra kêu gọi quyên góp được 300 triệu đồng cho một xã nghèo ở Hà Tĩnh. Hay gần đây nhất, anh đã đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là chị Nguyễn Thị Kim Nhung (36 tuổi, ngụ xóm Yên Phong, Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ) với số tiền 25 triệu đồng. Chị Nhung bị bệnh Parkinson, gần như liệt nửa người. Chồng chị vướng vào lao lý, đã ly dị, một mình chị nuôi 2 đứa con ăn học. Gần đây, chị được một gia đình tại địa phương thương tình thuê làm giúp việc. Tưởng được yên ổn thì tai họa ập đến với mẹ con chị. Một chiều nọ, hai mẹ con cùng gia đình nhà chủ đưa con đi tiêm vaccine ở thành phố Vinh, khi đi về trên đường thì xảy ra va chạm với một xe container. Vụ tai nạn khiến đứa con thứ hai của chị và cháu bé con nhà chủ tử vong. Bản thân chị Nhung bị đa chấn thương nặng, phải điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Nghệ An. Ngoài việc kết nối thiện nguyện giúp đỡ những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn cụ thể, anh Khoa còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào tình nguyện do các tổ chức đoàn, hội phát động như phong trào Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Mùa đông ấm
Có thể nói hành trình 9 năm đi tìm thanh âm cho con của thầy giáo Nguyễn Đăng Khoa là một hành trình đầy khó khăn, vất vả nhưng chính bằng tình yêu thương con vô hạn, anh đã vượt lên tất cả và bước đầu đã đem được những thanh âm trong trẻo nhất cho cậu bé. Điều đáng trân quý hơn nữa là ở anh luôn tràn đầy năng lượng lạc quan, tin yêu cuộc sống. Dẫu phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng tình thương lớn của một người bố, tấm lòng giàu trắc ẩn của một thầy giáo dạy văn lẫn võ sẽ là ngọn lửa để anh sửa ấm cho cuộc đời của con cũng như của những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.