Hơn 50 năm ở TP.HCM nhưng ông vẫn giữ đặc sệt cái giọng Quảng Trị của miền quê giới tuyến bên dòng Thạch Hãn, chỉ giàu cát và nắng. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Nguyễn Vững đã thi đậu vào Trường đại học Y - Dược TP.HCM, chuyên khoa nha với số điểm rất cao. Năm 1985, tốt nghiệp hạng ưu, bác sĩ trẻ Nguyễn Vững được phân công về Bệnh viện Q.5, TP.HCM.
Bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt Nguyễn Vững hơn 35 năm nay cùng đồng nghiệp trong Câu lạc bộ bác sĩ tình nguyện Sài Gòn của TP.HCM, âm thầm xuôi ngược, đi khắp cả ba miền Nam - Trung - Bắc, mang tấm lòng, trái tim thiện nguyện và cả tài lực để “điều chỉnh” cái “góc con người”, đem niềm vui hạnh phúc cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa.
Từ những chiếc xe đạp cho nữ hộ sinh bản làng
Tôi biết ông từ thời sinh viên qua những người bạn học cùng lớp đại học quê Quảng Trị, và rất ấn tượng từ ngày đó khi ông luôn tiếp tế cho các bạn sinh viên cùng quê ở ký túc xá, đôi khi chỉ là mì tôm ký, hay chai nước tương, gói bột canh, nhưng như chút tình đồng hương no đói có nhau, để giúp nhau học hành đến nơi đến chốn...
Đặc biệt trong 4 năm liền, từ mùa hè năm thứ hai, anh sinh viên Nguyễn Vững, dù không phải chuyên khoa, cũng xin được theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đi đến các vùng sâu vùng xa từ miền Đông Nam bộ đến miền Trung Tây nguyên, trong dự án “Nữ hộ sinh bản làng” của bà. Trong dự án này có một vấn đề nảy sinh, vì là làng bản miền núi, để tạo điều kiện cho các nữ hộ sinh người dân tộc có thể thuận tiện đi đến các bản xa, hay những gia đình có phụ nữ sắp sinh, cần phải có xe đạp. Cậu sinh viên Nguyễn Vững, cho dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, đã tình nguyện góp vào dự án 20 chiếc xe đạp “để các nữ hộ sinh bản làng “thêm chân”, tính ra là cả một gia tài, theo thời điểm đó bằng 3 cây vàng.
Đến những chuyến đi “nhổ răng dạo”
“Sau 4 mùa hè đi cùng bác sĩ Phượng đến các vùng sâu vùng xa, tôi quan sát thấy người dân ở các vùng này nói chung, răng miệng đều có vấn đề... Tại sao họ lại không có được quyền chăm sóc răng như người dân ở các thành phố, tại sao họ lại phải chịu thiệt thòi bởi không có một bác sĩ nha khoa...”.
Bác sĩ Nguyễn Vững đã tự lập một đội gồm các bác sĩ nha và sinh viên tình nguyện, cứ cuối tuần là “xách ba lô lên mà đi”, ông nói vui là “nhổ răng dạo”, đến các vùng sâu vùng xa suốt dọc miền Đông Nam bộ như Bình Phước, sóc Bom Bo, rừng Mã Đà, Trị An, hay Tây nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum..., và đặc biệt quê hương Quảng Trị của ông.
Ông và các bác sĩ còn làm một phòng chế tạo răng giả di động để có thể làm răng giả tại chỗ, trong ngày... Còn các sinh viên thì làm công tác tuyên truyền vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hơn 35 năm, khó đếm được bao nhiêu chuyến đi... Có lần được đi cùng trong chuyến thiện nguyện tới một trại trẻ mồ côi ở Đồng Nai, quan sát ông khám chữa răng đám trẻ, thấy ông pha trò liên tục, việc khám chữa răng trở thành một trò chơi thú vị, bọn trẻ không đứa nào khóc vì sợ.
Hỏi ông có kỷ niệm nào ấn tượng nhất trong lúc “nhổ răng dạo”, ông kể về cái răng gỗ độc đáo ở Hải Lăng, Quảng Trị, buôn dân tộc Vân Kiều. Một người đàn ông trung niên có 3 chiếc răng gỗ sau tai nạn bị gãy 3 cái răng, ca “thẩm mỹ răng” cấp tốc, nào đo đạc, đổ khuôn, rồi tạo hình... Và chiều đó, người đàn ông Vân Kiều đã có mấy chiếc răng sứ đẹp nhất buôn. Ông nhảy nhót reo hò, cười khóc, ôm các bác sĩ: “Ôi, tôi sắp lấy được vợ rồi, tôi có răng rồi, tôi không còn là thằng răng gỗ”.
Hành trình không mỏi với những chuyến đi thiện nguyện
Không chỉ đi “nhổ răng dạo”, bác sĩ Nguyễn Vững còn đỡ đầu cho nhiều ngôi chùa có nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật ở một số tỉnh, thành lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... Ngoài việc tổ chức khám chữa bệnh cho bọn trẻ, ông còn vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp thiện nguyện giúp cho các chùa chăm sóc bọn trẻ, cho đi học chữ ở trường lớp... Vào dịp Tết Nguyên đán, ông tổ chức những chuyến xe “Mang xuân đến các trẻ mồ côi” cho ấm lòng các em nhỏ.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 tràn qua, ông cùng các bác sĩ trong Câu lạc bộ bác sĩ tình nguyện Sài Gòn tích cực giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa từ chiếc khẩu trang đến lọ nước sát khuẩn. Đợt bão lũ liên tục ở miền Trung năm qua, ông cũng cùng các đồng nghiệp tổ chức nhiều lần các đoàn khám chữa bệnh phòng dịch, phát tặng đồng bào nhiều thuốc men phổ thông phòng chống bệnh dịch sau lũ.
Như hành trình không mệt mỏi, như một nhu cầu từ trái tim nhân hậu, một thời gian biểu ít thay đổi, cứ 2 lần/tháng, ông cùng các đồng nghiệp trong Câu lạc bộ bác sĩ tình nguyện Sài Gòn lại lên đường tới các vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo.
Hỏi tâm nguyện, ông cười rất hiền, nói một cách khiêm tốn: “Ở tuổi hơn 60, tôi chỉ mong có sức khỏe, để có sức mà đi đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, đóng góp chút sức được bao nhiêu cho cộng đồng là niềm vui, là tâm nguyện, không mong gì hơn”.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021)
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng
2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
|
|
Bình luận (0)