'Chàng bụi đời' giúp người cơ nhỡ

25/04/2021 08:00 GMT+7

“Cô mắc bệnh lao, không có tiền mua thuốc uống”; “Tháng này vợ chồng thằng T. khuyết tật lượm ve chai không đủ đóng tiền trọ, bị chủ nhà đuổi”; “Mấy đứa nhỏ không có giấy tờ gì cả, làm sao đi học được chú ơi”...

Từng là trẻ bụi đời sống vất vưởng trên đường phố, hiện làm nhân viên công tác xã hội, anh Nguyễn Hồng Phúc (36 tuổi, ngụ TP.HCM) đã giúp đỡ hàng trăm mảnh đời cơ nhỡ như vậy.

Bị đánh ghen vì giúp... bà bầu

Trong lúc anh Nguyễn Hồng Phúc cùng một số đồng nghiệp phát quà từ thiện trong xóm lao động nghèo thuộc xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, một bà cụ lại gần anh Phúc nài nỉ: “Tháng này vợ chồng thằng T. khuyết tật lượm ve chai không đủ đóng tiền trọ, bị chủ nhà đuổi. Các chú làm ơn giúp cho vợ chồng nó qua cơn ngặt nghèo”.
Sau buổi phát quà, anh Phúc nán lại tìm hiểu hoàn cảnh thực tế của vợ chồng anh T. Trong phòng trọ chật chội, anh T. (đôi chân bị liệt) cùng vợ và đứa con trai 7 tuổi buồn rầu thu dọn đồ đạc. Anh T. than: “Bây giờ tụi tui cũng không biết đi đâu, chắc là ra vỉa hè”. Anh Phúc động viên họ và thương thuyết với chủ nhà.
Trưa hôm sau, anh Phúc và tôi quay lại xóm lao động. Chủ nhà lên tiếng: “Vợ chồng thằng T. đi lượm ve chai chưa về”. Đưa chủ nhà 1,5 triệu đồng, anh Phúc nói: “Con đã xin được khoản tiền trọ và tiền điện nước tháng này cho vợ chồng anh T. Bà cho con gửi tặng gia đình ảnh thêm 10 ký gạo và mấy chai dầu ăn, nước mắm, bịch bột nêm. Hôm nào con qua hỏi vụ giấy tờ cho thằng con của ảnh đi học nữa”.
Cách đấy chừng 100 m là phòng trọ của bà H.T.N.P (57 tuổi, quê Bến Tre). Bà P. sống đơn chiếc và lượm ve chai hơn 20 năm nay. Vừa thấy anh Phúc, khuôn mặt gầy sạm của bà P. giãn ra với một nụ cười tươi. Bà kể: “Bữa trước, gặp chú Phúc tới đây phát quà cho người nghèo bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tui trình bày: Chú ơi, tui mắc bệnh lao mà không có tiền mua thuốc uống. Từ đó đến nay, chú đã đến thăm tui khoảng 6 - 7 lần. Có những hôm chú tặng hộp sữa hoặc bao gạo cùng mắm muối, có khi dẫn em nào đó tới cho 2 triệu đồng, có lúc chú bỏ tiền túi ra cho... Nếu không gặp được chú, tui không biết xoay xở ra sao”.
Chia sẻ với tôi, anh Phúc bày tỏ: “Tôi muốn hỗ trợ tối đa cho bà P. được chữa khỏi bệnh lao. Chị biết đó, người bị lao mà không điều trị dứt thì có nguy cơ kháng thuốc và lây nhiễm cao trong cộng đồng. Bà P. không có giấy tờ tùy thân, nên tôi phải can thiệp để bà được tham gia chương trình Chống lao quốc gia, được lãnh thuốc và điều trị miễn phí”.
Thường xuyên trợ giúp những mảnh đời khốn khó, anh Phúc thấy vui khi mỗi ngày người ta có chút thay đổi tích cực nào đó về suy nghĩ và hành vi. Tuy nhiên, đôi lúc anh cũng nhận về “trái đắng” do bị hiểu lầm, trách móc. Thậm chí, anh từng bị... đánh ghen vì cưu mang một bà bầu ở Q.8, TP.HCM. Anh Phúc cho hay: “Thời điểm người chồng bị bắt giam do tội buôn bán ma túy, anh ta không biết vợ mình đã có thai. Thấy bà bầu lâm cảnh bế tắc, không nơi nương tựa nên tôi vận động hỗ trợ các khoản ăn uống, khám thai, sinh đẻ. Ra tù, người chồng tưởng tôi “cua” vợ anh ta nên đã thuê đàn em giang hồ chặn đánh tôi”.
Sau sự cố, anh Phúc đến tận nơi đối chất với người chồng “đặng giải quyết một lần cho ra lẽ”. Buổi gặp đó còn có vợ anh ta, các nhân viên công tác xã hội từng thay anh Phúc đến giúp bà bầu này trong những lần anh Phúc bận việc. Trước những chứng cứ thuyết phục, người chồng đã nhận ra cái sai. Đến nay, anh ta vẫn giữ liên lạc và xem anh Phúc như người bạn tốt.

Đáp đền nối tiếp

Thời niên thiếu của Nguyễn Hồng Phúc đầy sóng gió khi gia đình gặp nhiều biến cố, chia ly. Hơn chục năm, Phúc sống lang thang trên vỉa hè tại TP.HCM, mưu sinh bằng các việc: lượm lon bia ở quán nhậu, đánh giày, bán giấy dò vé số, bán báo. Ở độ tuổi 11 - 12, Phúc nghiện ma túy, có những khi đi ăn xin, trộm cắp...
Cuộc đời của Phúc dần đổi thay với sự chỉ dạy, hỗ trợ bền bỉ của những giáo dục viên đường phố thuộc Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (Q.3, TP.HCM). Gần bốn năm sống trong Cơ sở Thảo Đàn (2000 - 2003), Phúc được học các lớp tình thương và đặc biệt được làm giấy khai sinh khi ở tuổi 17. Ra đời tự lập năm 18 tuổi, Phúc cật lực vừa đi làm vừa đi học bổ túc. Anh và mẹ thuê nhà trọ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM từ đó cho đến nay.
Tốt nghiệp trung cấp điện, anh Phúc lo kiếm tiền trang trải cuộc sống và đầu tư cho bốn năm học ở ngành công tác xã hội (Trường ĐH Mở TP.HCM). Đề cập về sự chuyển hướng này, anh bộc bạch: “Tình cờ tôi nghe được câu nói: Ngày trước có ai giúp mình thì giờ mình nên giúp lại cho người khác, tức là đáp đền nối tiếp. Từ lúc đó, tôi quyết định theo nghề công tác xã hội để có điều kiện hỗ trợ cho nhiều người yếu thế”.
Hơn ba năm nay, anh Phúc là cán bộ chương trình của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Bà Lâm Ngọc Thúy, quản lý văn phòng SCDI tại phía nam, nhận xét: “Phúc rất xông xáo, nhiệt tình, tâm huyết trong công việc. Đặc biệt, Phúc “sống chết” với mảng thanh thiếu niên lang thang cơ nhỡ”.
Nhiều lần đi thực tế cùng anh Phúc, tôi nhận thấy “chàng bụi đời” này rất trăn trở với vấn đề trẻ em không có giấy tờ tùy thân. Anh tâm tư: “Mấy đứa trẻ không có giấy khai sinh sao đi học, mà không đi học sao phát triển cuộc đời nó được? Bản thân tôi từng không có giấy tờ trong thời gian dài, nên thấu hiểu những mặc cảm và thiệt thòi đó”. Vì vậy, anh đã không quản ngại vất vả, tình nguyện chạy tới chạy lui kết nối và thúc đẩy người thân các bé làm giấy tờ cho con cháu họ...
“Để trụ nổi với nghề này, mình cần cứng cáp và lì, nếu không rất dễ nản khi thấy bị trả thù hoặc hiểu lầm này nọ. Không chỉ ban ngày, nhiều hôm mình phải đi tiếp cận vào ban đêm, đôi lúc 3 - 4 giờ sáng còn có người gọi nhờ hỗ trợ khẩn cấp”, anh Phúc đúc kết.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.