Hát bội làm du lịch

Hoàng Kim
Hoàng Kim
28/09/2019 17:24 GMT+7

Tại sân khấu Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ), Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM vừa ra mắt một chương trình chuẩn bị dành cho khách du lịch thú vị và dễ xem vô cùng.

Buổi diễn thử với khoảng hơn 600 khán giả ngồi kín cả rạp, trong đó 2/3 là sinh viên, và những tràng pháo tay liên tiếp nổ ra, đã đem lại một hi vọng cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Vở Sanh vi tướng, tử vi thần (tác giả Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) được chọn làm tiết mục duy nhất trong chương trình, với đúng 60 phút gọn ghẽ. Một vở hát bội rất hiện đại, không có lời thoại, lời ca, chỉ giữ lại vũ đạo và âm nhạc, qua đó khán giả vẫn hiểu được câu chuyện.

Nghệ sĩ Minh Khương và Ngọc Giàu trong vở Sanh vi tướng, tử vi thần

Ảnh: H.K

Thiết kế sân khấu đẹp, mới mẻ và chuyên nghiệp, chứ không cổ lỗ như người ta thường nghĩ. Những điều này đã chinh phục được khán giả trẻ. Nói thật, với một người như tôi, đã xem hát bội từ hồi nhỏ xíu và thật sự lo âu cho tương lai hát bội, thì tôi thực sự chấp nhận cách làm mới này, tôi tin rằng nó sẽ thành công với khán giả hôm nay. Vở diễn như một cây cầu nối nhẹ nhàng cho người ta đừng ngán, cho người ta thâm nhập trước đã, rồi sau đó sẽ tìm hiểu sâu hơn với những vở kinh điển dài và có thoại, có ca. Bằng cách này hát bội chắc chắn được tiếp nhận.
Chuyện kể về những anh hùng dân tộc đã chiến đấu chống ngoại xâm, đã hi sinh, đã chia lìa đôi lứa, đã mất đi mẹ già…, cuối cùng đem thanh bình về cho đất nước. Khán giả hồi hộp và nghẹn ngào dõi theo từng nhân vật. Một cô gái trẻ bị chém rơi đầu (nghệ sĩ Ngọc Giàu), anh linh không mất, mà trở thành ngọn lửa trong đêm rừng âm u soi đường cho chàng chiến sĩ tìm được lối ra (nghệ sĩ Minh Khương). Một cô gái khác (nghệ sĩ Anh Thi) nhất quyết không chịu quỳ trước mặt quân thù, đã bị chúng tứ mã phanh thây. Họ đều chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giữ cho đất nước niềm tự hào, bất khuất.
Hát bội làm du lịch

Nghệ sĩ Anh Thi trong vở Sanh vi tướng, tử vi thần

Ảnh: H.K

Câu chuyện hay nhất là của một chàng trai, vì nghĩ chữ hiếu nên lui về phụng dưỡng mẹ già chứ không đi chiến đấu như bạn bè. Nhưng khi giặc tràn qua giết hại, hãm hiếp dân lành, chàng và mẹ đều đau xót, căm hận. Biết con vì nấn ná với mình mà không nỡ ra đi, bà mẹ đã tự vẫn cho con rảnh rang lên đường. Chàng trai đau đớn tiễn mẹ lần cuối, rồi vượt trùng khơi tìm đường cứu nước. Chàng xin được cây gươm báu của thần linh, thắng được giặc thù, rồi trả gươm, quay về cuộc sống thanh bình. Thần linh ấy chỉ là biểu trưng cho hồn thiêng sông núi, luôn dõi theo vận mệnh quốc gia và phò trợ người tài. Trường đoạn này rất dài mà nghệ sĩ Bảo Châu đã diễn thật xuất sắc với những động tác vũ đạo khó vô cùng, và anh nhận được nhiều tràng pháo tay nhất. Nhìn chung cả vở diễn có tiết tấu nhanh, nhiều tình tiết, người xem không chán.
Lần này những nghệ sĩ ưu tú gạo cội của Nhà hát như Hữu Danh, Linh Hiền, Xuân Quang, Thanh Trang, Linh Phước đã lui về làm dàn bao để đẩy các nghệ sĩ trẻ lên đóng vai chính. Bảo Châu, Anh Thi, Minh Khương, Ngọc Giàu và hàng chục diễn viên khác đều ngoại hình đẹp lẫn biểu diễn tốt, sẽ là thế hệ kế thừa tin cậy. Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, nói: “Chúng tôi đã đưa vào vở những hình thức biểu diễn căn bản nhất của hát bội. Chúng tôi không chỉ mong tiếp cận khách du lịch mà còn hướng tới giới trẻ Việt Nam”. Đúng là khi tan vở, hàng trăm em sinh viên chưa chịu về mà xúm lại bàn tán với nhiều lời khen ngợi, mặt đầy vẻ phấn khích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.