Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam

15/05/2010 22:52 GMT+7

Bộ phim nhiều tập Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam của đạo diễn Aitdhiruth Surachettapong từng gây xúc động cho khán giả truyền hình Thái Lan và Việt Nam.

Đạo diễn Aitdhiruth Surachettapong vừa tham dự Hội thảo quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Nhân dịp này, ông đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.
* Lý do nào khiến ông bỏ công nghiên cứu và quyết định làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Tôi biết đến Hồ Chí Minh lúc 5 tuổi, khi Đài phát thanh Thái Lan đưa tin Chủ tịch của các bạn từ trần. Khi lớn lên, tôi biết rằng đó là lãnh tụ vĩ đại, là một người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, năm 2006, tôi được đọc cuốn sách mang tên Hồ Chí Minh - Vị thánh sống mãi với thời gian của ông Sukreda Panomyong, là con trai của cố Thủ tướng Thái Lan Preedee Panomyong.
Cuốn sách đã gây cho tôi ấn tượng rất mạnh khi có những chi tiết như: trong một cuộc gặp bàn tròn tại Hà Nội năm 1961, Hồ Chí Minh đã cài một bông hoa lên ve áo cựu phu nhân Thủ tướng Thái. Khi đó, tôi hiểu rằng, không chỉ là một siêu anh hùng (super hero), Hồ Chí Minh còn là một người rất tốt, rất nhân ái trong đời thường. Ông là một người tài giỏi và có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam, thế là tôi quyết định phải làm một bộ phim.
* Điều gì ở Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến ông ấn tượng nhất?
- Đã là siêu anh hùng thì điều gì cũng gây ấn tượng cả, nhưng tôi đặc biệt khâm phục khả năng tổ chức của Hồ Chí Minh. Ông đã lựa chọn, đào tạo và sử dụng một loạt những người tài giỏi về chính trị, quân sự, ngoại giao như các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh… và tạo ra sự đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Để có một người như thế, thế giới phải mất cả nghìn năm. Ở các nước u - Mỹ, người ta có nhiều trường đào tạo các nhà tổ chức, quản lý, nhưng không có ai như Hồ Chí Minh.
* Về bộ phim Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam, ông đã làm như thế nào, các cảnh quay được thực hiện ở những đâu, với thời lượng bao nhiêu?
- Phim làm trong một năm, tôi tự viết kịch bản, lời bình và cộng tác với khoảng 20 người nữa. Chúng tôi đã đến Việt Nam khoảng 15 lần. Những cơ quan như Bảo tàng Hồ Chí Minh hay Thư viện Quốc gia Việt Nam chúng tôi đã đến nhiều đến nỗi người ta nhớ cả mặt. Ngoài ra, chúng tôi sang Anh, Pháp, Hồng Kông, Lào để ghi hình và sưu tầm tài liệu. Trong khoảng 600 phút phim, có 1/10 là tư liệu của Việt Nam, một ít của Lào, còn lại là quay mới.
* Được biết ông không phải là một đạo diễn chuyên nghiệp, việc làm phim có gì khó khăn hay không?
- Có nhiều chứ. Đầu tiên là tôi không xin được giấy phép trình chiếu, mãi đến khi phim gần xong, Chính phủ Thái Lan mới cấp giấy phép. Chi phí làm phim cũng rất cao như việc phải nhờ một MC nổi tiếng của Đài truyền hình quốc gia Thái Lan (NBT) dẫn chuyện, thuê một nhà báo nổi tiếng khác viết lời giới thiệu. Ngoài ra, có chuyến sang Pháp, chúng tôi không tìm được nơi Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc ở Paris.
Đạo diễn Aitdhiruth Surachettapong sinh năm 1964, hiện là Phó giáo sư chuyên ngành quản lý xã hội của Đại học Taksin, Thái Lan. Bộ phim Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam nói về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 12 tập, mỗi tập 50 phút, khắc họa khá chi tiết về hoạt động của Bác Hồ tại Thái Lan những năm 1928 - 1929, đặc biệt ca ngợi tình cảm, mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cố Thủ tướng Thái Lan, ông Preedee Panomyong. Phim đã được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng tháng 9.2009 trên kênh VTV1 và VTV4.
* Khi bộ phim lên sóng, phản ứng của dư luận như thế nào, thưa ông?
- Sau khi phim được phát trên chuyên mục Legend Of The World (Những huyền thoại của thế giới) của NBT, điện thoại của tôi nhận được gần 2.000 cuộc gọi và tin nhắn khen ngợi, chúc mừng và đặt mua để làm tư liệu trong thư viện, trường đại học. Các trường phổ thông cũng muốn có để làm tài liệu và tôi đã phải rút gọn thành một tập và gửi miễn phí, đồng thời cho copy luôn. Tính riêng số tiền gửi qua bưu điện đã mất 70.000 baht! Đến khi VTV4 của Việt Nam phát sóng, tôi tiếp tục nhận được rất nhiều điện thoại của người Việt Nam sống ở vùng đông bắc Thái Lan.
* Ông có thể cho biết việc tham dự hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” diễn ra như thế nào?
- Có khoảng 50 đại biểu từ 20 quốc gia tham dự hội thảo này. Tôi là một trong hai người Thái Lan được tham gia theo lời mời qua đường ngoại giao. Phát biểu của tôi nói về cuộc sống của người Việt Nam ở Thái Lan.
* Xin cám ơn ông!

Bài hát về Bác Hồ của một nghị sĩ Thái Lan

Hình tượng Bác Hồ đã được khắc họa trong rất nhiều bài hát với ca từ, giai điệu chan chứa tình cảm. Mới đây, chúng tôi đã biết thêm một ca khúc nữa viết về Người - đó là một bài hát xuất xứ từ Thái Lan.
Tác giả kiêm ca sĩ đầu tiên trình bày bài hát là nghị sĩ Adisorn Piengkes, sinh ngày 6.9.1952, quê ở Khỏn Kèn (đông bắc Thái Lan). Ông tốt nghiệp cử nhân luật trường ĐH Tổng hợp Thammasat danh tiếng bậc nhất nước Thái, sau đó có thêm bằng phó tiến sĩ và nay đang theo đuổi tấm bằng tiến sĩ Phật học. Về sự nghiệp, Adisorn Piengkes đã có 5 khóa đắc cử nghị sĩ và từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1992 - 1994) và Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường (1996 - 1998). Ông từng tham gia ban cố vấn của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Đảm trách những chức vụ quan trọng trong Chính phủ Thái, nên có thể thấy rằng nghị sĩ Adisorn không có nhiều thời gian cho văn nghệ. Thế nhưng tấm lòng yêu kính dành cho Bác Hồ đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài hát Ôi Việt Nam, hãy tiến lên. Ca từ của bài mang nội dung chính như sau:
Hồ Chí Minh vĩ đại đưa Việt Nam tới tự do. Hồ Chí Minh Người là ngọn đuốc xua tan đau khổ cho nô lệ bần hàn.
Hãy là vầng dương bất tận, tỏa chiếu muôn nơi. Hãy là công lý cho muôn người. Ôi Việt Nam! Ôi Việt Nam, ánh dương cho ngàn đời… Ôi Việt Nam, hãy tiến lên.
Trong dịp gặp gỡ, trò chuyện thân tình với một số người Việt Nam công tác ở Thái Lan, sau khi ôm guitar hát ca khúc trên, ông Adisorn hào hứng nói: “Theo tôi, Bác Hồ thuộc số rất ít nhân vật xứng với tầm vóc lãnh đạo thế giới. Tôi cũng không rõ tên tuổi của Người nhập tâm tôi tự bao giờ. Tôi nhớ như in rằng bài hát Ôi Việt Nam, hãy tiến lên được viết vào ngày chủ nhật 19.2.1978 tại Hà Nội. Đó cũng là khoảng thời gian tôi may mắn được tới thăm nơi ở và học hỏi thêm về tiểu sử của Bác Hồ. Rõ ràng có sự khác biệt lớn giữa những gì tôi được tận mắt cảm nhận và những gì người ta thường tuyên truyền (trước đây ở Thái Lan) về Việt Nam thời kỳ đó”.
Vì nhiều lý do, ông Adisorn chỉ cất cao bài hát nói trên vào những dịp thật đặc biệt. Ông nhắc đi nhắc lại với chúng tôi đó là tấm lòng thành kính của ông đối với Bác Hồ và thành công của cách mạng Việt Nam; cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam không thể tách rời công lao, sự chỉ đạo của Bác Hồ. “Trong tâm tưởng của tôi Bác Hồ vẫn sống mãi. Không riêng tôi mà nhiều nghị sĩ Thái Lan có dịp tới Việt Nam, vào lăng viếng Người đều cùng cảm nhận như vậy. Tôi cũng tin rằng Bác Hồ vẫn sống mãi trong tâm trí người Việt Nam”, ông Adisorn tâm sự.
Trước lúc chia tay chúng tôi, ông Adisorn dí dỏm nhắn nhủ: “Người Việt Nam chớ quan niệm rằng Bác Hồ là vị lãnh đạo của riêng mình. Như tôi đã viết trong bài ca, Bác Hồ là lãnh tụ của những dân tộc chịu áp bức. Bác Hồ là biểu tượng, là niềm tin của những ai nghèo khổ muốn vùng lên giành lấy tự do và hạnh phúc”.
An Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.