Đạo diễn Lê Hoàng cho biết ở thời của ông, nạn bạo lực học đường ít xảy ra. Còn hiện nay, vấn nạn này không chỉ gia tăng về số lượng mà cả mức độ cũng khủng khiếp hơn. Nói về nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường hiện nay, theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A một đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chứng kiến cảnh bố thường xuyên đánh mẹ, hoặc thậm chí bị chính bố đánh thì nó sẽ bị tổn thương và sinh ấm ức. Nguyên nhân thứ hai, theo Tô Nhi A nếu trong nhà trường, không có đủ các chế tài, kỷ luật nghiêm minh thì trẻ con sẽ thoải mái đánh bạn bởi không có hình phạt nào đủ sức nghiêm minh khiến chúng sợ.
Một nguyên nhân khác, theo đạo diễn Lê Hoàng, đó là ảnh hưởng của các hành vi thường thấy trong xã hội như nạn đâm chém nhau. Đặc biệt là việc trong nhiều bộ phim điện ảnh, hoặc phim truyền hình, web-drama có các hành động đánh đấm. Khi xem nhiều những bộ phim này, trẻ em dễ bị ảnh hưởng và cho rằng đánh nhau là hành động tất yếu khi xảy ra xung đột.
Đồng tình với quan điểm này của Lê Hoàng, Tô Nhi A còn lên án các clip trên mạng và các web drama hiện nay, mỗi hành động đánh nhau thường được coi như một dạng chọc cười, hoặc được xử lý hình ảnh với âm thanh và kỹ xảo rất đẹp, thú vị, gây cười khiến trẻ nhỏ thích thú và bắt chước theo. Điều đó nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến những nguy hiểm trong nhận thức của giới trẻ hàng ngày.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Gái nhảy việc bạo lực học đường diễn ra “tinh vi” hơn, và nó không chỉ dừng lại ở việc đánh đấm lẫn nhau của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ cũng không cần phải chứng kiến ba đánh mẹ thì lớn lên mới học cách đánh bạn. Đôi khi, chỉ cần thấy bố luôn áp đảo mẹ, mẹ luôn phải phục tùng, không dám cãi lại bố, lâu dần nó sẽ coi đó là chuyện bình thường. Và khi đi học, những đứa trẻ đó dễ dẫn đến xu hướng trêu chọc bạn: “Chê bạn béo, lùn, răng hô cũng là một dạng bạo lực học đường. Có những đứa trẻ bị bạn cô lập, không dám đến trường vì sợ bị bạn cười chê”, đạo diễn Lê Hoàng cho biết.
Cũng có trường hợp, nhiều ông bố bà mẹ lại khuyến khích con đánh nhau với bạn để không bị bắt nạt, hoặc cho rằng con mình như vậy là dũng cảm, mạnh mẽ. Điều này vô tình sẽ khiến trẻ con ngày càng hiếu chiến, bởi đó là việc lấy một hành động sai đáp lại một hành động sai: “Khi tấn công người khác, cuộc đời bạn sẽ rắc rối hơn chứ không phải là tốt hơn”, Lê Hoàng nói.
Để chấm dứt việc bạo lực học đường, theo Tô Nhi A, trừng phạt chỉ là một trong những phương pháp tại thời điểm đó. Còn về lâu dài, người đứng ra xử lý các hành vi này phải có sự am hiểu tâm sinh lý trẻ nhỏ, có sự thấu cảm và một trái tim nóng thì mới có thể khuyên bảo, giáo dục những đứa trẻ này chấm dứt những hành vi không chuẩn mực.
Bình luận (0)