NXB Đồng Nai: 40 năm lan tỏa văn hóa đọc

27/11/2020 06:13 GMT+7

Sáng nay 27.11, tại Hội quán Trấn Biên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), NXB Đồng Nai tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập.

40 năm qua, nhiều thế hệ làm sách của NXB Đồng Nai đã chăm chút từng con chữ, cho ra đời những ấn phẩm có giá trị, góp phần bồi dưỡng tâm hồn và lan tỏa văn hóa đọc...

Hành trình của những người “phu chữ”

Ngày 19.6.1980, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã ban hành Quyết định số 87/VHTT-XB đồng ý với đề xuất của Tỉnh ủy Đồng Nai thành lập Nhà xuất bản (NXB) Đồng Nai. Đây là một trong những NXB địa phương được thành lập sớm nhất ở khu vực phía nam. Trong những năm tháng khó khăn ấy của đất nước, cán bộ, nhân viên, biên tập viên NXB Đồng Nai trở thành những người “phu chữ” theo đúng nghĩa được mô tả của từ này.
Với những thành tích đạt được trong 40 năm qua, NXB Đồng Nai đã vinh dự được các bộ, ngành T.Ư tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. NXB Đồng Nai cũng là một trong những NXB đầu tiên xuất bản các ấn phẩm bằng băng cassette, đĩa CD, đĩa CD-Rom có giá trị cao.
Ông Trương Văn Tuấn, Phó giám đốc NXB Đồng Nai, cho biết chỉ sau khi thành lập được ít ngày, NXB đã cho ra đời những ấn phẩm đầu tiên để lại ấn tượng như Những kinh nghiệm trồng và sử dụng một số cây thuốc nam, truyện tranh Võ Thị Sáu, truyện tranh Hồ Thị Hương, truyện thiếu nhi Con chó sói hát... là mảng sách dành cho thiếu nhi có nội dung trong sáng, lành mạnh. Đặc biệt là loạt sách của nhà văn Hoàng Văn Bổn: Lũ chúng tôi, Gặp lại một dòng sông... Song song đó là việc củng cố, xây dựng tủ sách chính trị - lịch sử - văn hóa địa phương của một đội ngũ tác giả tâm huyết trong nghiên cứu và sáng tạo, với tấm lòng tha thiết với quê hương Đồng Nai.
Từ những năm 1990, cùng công cuộc đổi mới của cả nước và sự giúp đỡ của các lãnh đạo ngành xuất bản, NXB Đồng Nai đã mở rộng liên kết xuất bản để huy động nhiều nguồn lực xã hội, bắt kịp xu thế phát triển. Không chỉ trong nước, NXB còn tiếp cận mua bản quyền nước ngoài, ký bản quyền với Tập đoàn IDG Books Worldwide, NXB John Wiley và một số NXB Trung Quốc... xuất bản nhiều tựa sách kinh điển và nhiều tác phẩm thuộc các lĩnh vực y học, nghệ thuật, kinh doanh...
Với mảng đề tài truyện tranh thiếu nhi thuần Việt do các họa sĩ Việt sáng tác thì NXB Đồng Nai chiếm ưu thế hơn cả. Các tập truyện lôi cuốn, thu hút và lan tỏa mạnh mẽ thế hệ 8X, 9X như Cô tiên xanh, Trạng Quỷnh, các bộ truyện tranh ngụ ngôn, truyện tranh giáo dục... của NXB là những ấn phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi say mê. Đặc biệt 2 bộ Trạng Quỷnh và Cô tiên xanh, đã có tuổi đời 20 năm tính đến nay với hơn 400 tập mỗi bộ vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi háo hức đón nhận.
Qua 40 năm hoạt động, NXB Đồng Nai đã xuất bản khoảng 25.000 ấn phẩm với hơn 40 triệu bản sách, trong đó nổi bật là các loại sách chính trị, lịch sử - văn hóa, truyền thống địa phương, sách truyện tranh thiếu nhi có tính giáo dục cao.

Cần cơ chế để tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, thách thức về số hóa, sách điện tử Ebook, các NXB nói chung, NXB Đồng Nai nói riêng không đứng ngoài vòng xoáy của thời đại do thói quen đọc sách thay đổi, bạn đọc bị phân hóa. Trước tình hình đó, NXB Đồng Nai vẫn kiên định chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chính trị, tư tưởng, văn hóa của tỉnh, không chạy theo xu hướng thương mại hóa trong xuất bản, tăng cường tự đổi mới, tự hoàn thiện, nhanh nhạy, sáng tạo để tồn tại và phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Tuấn: “Cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các NXB với tư cách là những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa - mang đến cho xã hội thứ hàng hóa đặc biệt khác với hàng hóa thông thường, để các NXB có thể tồn tại, phát triển một cách bền vững, độc lập trong bối cảnh hiện tại, tránh việc bị chi phối, lệ thuộc, lợi dụng".
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh có cơ chế “đặt hàng” cho NXB bằng tiền ngân sách trên 2 tỉ đồng mỗi năm, có thể nói đây là điều đáng để các NXB địa phương “ganh tỵ”. Tuy nhiên, với tầm vóc của Đồng Nai và khu vực miền Đông Nam bộ, nhu cầu về xuất bản rất lớn, nhà nước cần tăng cường hơn nữa những đề án, dự án đặt hàng để đưa sách về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lưu thông, phân phối, phát hành sách hiện nay. Đồng thời, NXB phải có phương thức, chiến lược phát triển phù hợp, đáp ứng nhu cầu về in ấn, xuất bản tại địa phương.
Cũng theo ông Tuấn: “TP.Biên Hòa đang triển khai nhiều dự án để xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại trong đó có dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Một TP văn minh, không thể thiếu không gian văn hóa đọc, chúng tôi mong có ai đó đầu tư một nhà sách đúng nghĩa, rồi dần dần quy tụ người làm sách, hình thành một con đường sách tại trung tâm TP.Biên Hòa. Muốn vậy, trước tiên phải xây dựng một NXB mạnh, có thương hiệu và vị thế xứng tầm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.