Sách giả lộng hành, xử lý ra sao?: Luật phải đủ sức răn đe

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
01/07/2020 08:52 GMT+7

Sửa luật để có chế tài đủ sức răn đe là ý kiến của nhà quản lý, người làm xuất bản nhằm ngăn chặn sách giả .

Chế tài không mạnh là nguồn gốc của nạn sách giả

TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, cho biết hiện chế tài cho hành vi in ấn và buôn bán sách lậu, sách giả là rất thấp, không có tác dụng răn đe. Dẫn Nghị định 159/2013 quy định hành vi in lậu, in giả từ 300 bản trở lên sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng, ông Quang cho rằng: “Như vậy đồng nghĩa với việc có buôn bán vài triệu bản nữa mức phạt cũng chỉ như thế thôi. Từ đó xảy ra hiện tượng, tôi cứ buôn bán sách lậu thoải mái, nếu bị phạt thì tôi nộp 30 triệu đồng là xong, không bao giờ bị đi tù. Chế tài không đủ mạnh là nguồn gốc của hiện tượng sách giả”.

Chúng ta cũng phải xem lại luật, xem việc xử lý vi phạm bản quyền rồi in lậu thế nào. Luật Xuất bản cần chi tiết hơn

Ông Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Ông Quang cho biết cũng đã có lần tìm hiểu vì sao lại có quy định ngưỡng phạt 30 triệu đồng trong Nghị định 159. “Tôi được giải thích trong luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền với vi phạm hành chính tối đa không quá 200 triệu đồng. Hành vi mang tính nguy hiểm tới xã hội, quốc kế dân sinh, an nguy của chính quyền thì sẽ xử 200 triệu đồng. Còn vi phạm sách không phải mức nguy hiểm thế, nên chỉ để mức tối đa 100 triệu đồng. Vì vậy, vi phạm này xếp vào khung phạt cá nhân 30 triệu đồng, phạt tổ chức 60 triệu đồng”, ông Quang nói.
Không chỉ chế tài không đủ mạnh, người chống sách giả cũng vướng phải rất nhiều “dây trói” khác. Chẳng hạn, những quy định về thanh tra, kiểm tra: Kiểm tra theo kế hoạch phải báo trước cho đối tượng 1 tuần, thì còn sách lậu đâu mà kiểm tra; Hoặc theo luật Kiểm tra hành chính thì không được kiểm tra ban đêm. Theo đó, đoàn thanh tra chỉ có thể đến kiểm tra vào ban ngày, không được kiểm tra hành chính ban đêm trừ trường hợp có bằng chứng cụ thể, có chủ tịch UBND cấp quận huyện trở lên ký lệnh. “Trong khi đó, việc in lậu thường diễn ra vào ban đêm. Khoảng 7 giờ tối cơ sở in lậu bật máy, 5 giờ sáng họ chuyển bản in đi cơ sở đóng xén, sau đó vệ sinh lau chùi sạch sẽ. Buổi sáng công an đến kiểm tra không thấy gì, nhưng đêm thì không được vào kiểm tra vì vướng luật. Quy định này vốn để tránh gây nhũng nhiễu doanh nghiệp nhưng lại trói tay trói chân cơ quan chức năng nếu muốn xử lý in lậu”, ông Quang phân tích.
Một quy định khác về khoảng cách giữa các đợt kiểm tra cũng “làm khó” việc bắt sách giả. “Năm 2013, chúng tôi đi kiểm tra 3 nhà sách ở Bắc Giang, phát hiện tại mỗi nhà sách đó có tới mấy nghìn cuốn sách giả. Xử phạt hành chính theo luật. Nộp phạt xong, họ không hề sợ hãi, lại tiếp tục buôn sách lậu, có khi với mức độ lớn hơn vì có quy định là không được kiểm tra nhiều lần. Năm sau, kiểm tra lại thì lại đầy sách giả với số lượng nhiều gần gấp đôi sách giả lần đầu bị bắt”, ông Quang nhớ lại.

Những đơn hàng mà First News mua về để kiểm chứng sách giả

Ảnh: First News

Cần chủ động chống sách giả

Ông Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết từ khi ông làm việc trong ngành xuất bản tới giờ chưa từng thấy vụ làm sách giả nào bị đưa ra xử lý hình sự. “Chúng ta cũng phải xem lại luật, xem việc xử lý vi phạm bản quyền rồi in lậu thế nào. Cần nhất là hỏi xem các NXB nói cụ thể thế nào là sách lậu, vì nó diễn ra muôn hình muôn vẻ. Luật Xuất bản cần chi tiết hơn”, ông Hà nói.

Cần khởi tố hình sự hành vi xâm phạm quyền tác giả

Theo luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM), hiện nay các vụ việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam đang ở mức báo động. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, hầu hết các cơ quan chức năng chỉ xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính. Việc xử lý hình sự chủ yếu là các tội liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Luật sư Thục cho biết điều 225 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với “tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” đã quy định khá rõ và đầy đủ. Theo đó, người nào có hành vi cố ý “sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình” mà không được phép của chủ thể quyền tác giả và các quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính, mức phạt sẽ từ 50 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm… “Ngoài ra, luật cũng quy định về pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 3 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm”, LS Thục nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế từ khi BLHS 2015 có hiệu lực đến nay, chưa có vụ án nào liên quan đến tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bị khởi tố, điều tra. “Vì lý do chưa/ít khi khởi tố vụ án hình sự, hơn nữa mức hình phạt quá nhẹ, do đó chưa đủ mức răn đe và dẫn đến việc xử lý hành vi vi phạm về quyền tác giả ở Việt Nam chưa hiệu quả”, LS Thục nhấn mạnh.
Từ đó, LS Thục kiến nghị cơ quan chức năng quản lý trong lĩnh vực này cần phối hợp chặt với các cơ quan tiến hành tố tụng và khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả cần vào cuộc điều tra, khởi tố để răn đe, phòng chống tội phạm này.
Ngọc Lê
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT), cho biết hiện tại cục này đã sửa và đang trình Chính phủ nghị định mới thay thế Nghị định 159. “Theo đó, việc xử lý vi phạm sẽ tính theo từng đầu sách. Như thế mức phạt sẽ nặng hơn, tính răn đe cao hơn. Dự thảo đang đưa qua Bộ Tư pháp để thẩm định”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng cho biết ngày 17.7 tới, Cục sẽ tổ chức hội nghị của đoàn liên ngành ở Quảng Ninh để tăng cường thanh tra phòng chống in lậu. Hội nghị này sẽ gút lại các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra.
Về các trường hợp bán sách giả online, ông Nguyên cho biết đã làm công văn chuyển sang đơn vị phụ trách thông tin mạng. “Đơn vị bị xâm phạm bản quyền phải chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ. Chẳng hạn, nếu đăng bán trên mạng thì phải gửi thông báo cho doanh nghiệp đang vi phạm để yêu cầu gỡ xuống. Với Facebook cũng có thể gửi văn bản yêu cầu gỡ xuống vì Facebook có đại diện ở Việt Nam”, ông Nguyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.