Đã có lúc tưởng chừng như phải đầu hàng trước sóng gió, trước cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên nhưng rồi với tinh thần thép, lòng kiên trung không chịu khuất phục, lính nhà giàn đã vượt lên tất cả.
Càng nguy hiểm, càng kiên trung
Dưới cái nắng đổ lửa, gió táp Tây Nam vốn đã khó chịu lại thêm rát bỏng. Xa đất liền hàng trăm hải lý, đứng canh giữ biển cả mênh mông mọi thứ gần như chỉ trông chờ tiếp tế từ đất liền. Đặc biệt nước ngọt ở đây được xem như máu, chỉ trông chờ vào mưa để có nước là chính. Khi mùa khô đến, nước được chia theo khẩu phần, mỗi người được chia một can nước vài lít, tất cả mọi hoạt động trong ngày đều được gói ghém trong đó và để tiết kiệm thì nước dùng rồi được giữ lại để tưới rau, các hoạt động còn lại đều dùng nước biển. Mùa mưa có nước thì thiếu điện, mấy tấm pin mặt trời thiếu nắng đôi lúc cũng tỏ ra hờn dỗi, nên trừ các vị trí quan trọng thì điện cũng được tiết kiệm tối đa.
Rau xanh ở đây được ví như “ngọc thực”, rau được chia nhỏ từng phần theo ngày. Vài bẹ cải xanh, ít ngọn mồng tơi là có nồi canh ngon tuyệt, với lính nhà giàn đó là “cao lương mỹ vị”. Ngoài nước, rau xanh thì đất cũng là thứ mà lính nhà giàn quý như vàng, bởi đó có mùi vị của đất mẹ, mùi vị của quê nhà và thực tế hơn là thứ các anh có thể trồng rau để cải thiện cuộc sống.
|
Từng là lính nhà giàn nên trung tá Lê Quang Huy thấu hiểu, xúc động cho biết “có lần anh đã ôm ghì lấy bọc đất từ tàu mang lên để hít hà cho đỡ nhớ đất liền, ở biển lâu ngày thiếu đất cảm giác như thiếu đi một thứ gia vị gì đó khó hiểu lắm”. Hay cờ Tổ quốc - linh hồn của người lính nơi biển xa cũng là những món quà mà các anh vô cùng trân trọng và chờ đợi bởi muối biển mặn mòi làm cho những lá cờ sớm bạc màu, nhanh hỏng hơn.
Nhưng đến lúc tiếp tế cũng gặp khó khăn không kém vào những lúc sóng lớn, người và hàng phải buộc mình vào dây, đu theo từng con sóng, để lên nhà giàn chỉ sơ sẩy một tí thôi là bao nhiêu công sức đều bỏ biển.
Để bảo vệ vững chắc phần lãnh thổ thiêng liêng đó, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã không lùi bước trước khó khăn vất vả, sẵn sàng gác lại những hạnh phúc giản đơn để sống cùng bão tố “ăn sóng, nói gió” với “nhiều đêm không ngủ”, “có những lúc không ăn” vì “sóng gió” chưa bao giờ dừng ở phần lãnh thổ thiêng liêng này.
Đã có không ít đau thương, mất mát. Các anh ngã xuống hòa mình vào mẹ biển cả, hóa thân thành những rặng san hô xanh biếc kiên trung nằm lại tiếp tục canh giữ biển trời khi tuổi đời mười tám đôi mươi với những ước mơ còn dang dở. Hình ảnh liệt sĩ - đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1 - Phúc Nguyên, trước khi nhà giàn bị cơn bão Fathes xoáy qua đánh chìm năm 1998, anh chỉ kịp mở tủ lấy lá cờ Tổ quốc quấn quanh mình, cuốn sổ vàng truyền thống ôm theo cùng giàn chìm xuống biển hẳn chúng ta sẽ không thể nào quên. Cũng trong cơn cuồng phong này, hai đồng đội của anh là chuẩn úy chuyên nghiệp, nhân viên radar Lê Đức Hồng và thiếu úy chuyên nghiệp, nhân viên cơ điện Nguyễn Văn An đã cố gắng liên lạc lần cuối với đất liền chào vĩnh biệt, trước khi cả hai bị bão cuốn xuống biển. Các anh ra đi nhưng đã viết nên những bản anh hùng ca, tiếp tục động viên bao thế hệ một lòng với phần lãnh thổ thiêng liêng đó.
Thiêng liêng tình đồng đội, ấm áp tình quân dân
Giữa biển trời mênh mông, nơi hiểm nguy rình rập, tình đồng đội là thứ tình cảm thiêng liêng hơn hết. Chắc hẳn chúng ta chưa quên liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng, chính trị viên nhà giàn DK1 - Phúc Tần, khi nhà giàn đổ và trôi dạt nhiều ngày trên biển, anh đã nhường chiếc áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội có sức khỏe yếu nhất, để rồi anh thanh thản ra đi. Chỉ có thể là tình đồng đội, thứ tình cảm đặc biệt của người lính và cũng vì đồng đội mà các anh sẵn sàng hy sinh cả bản thân.
|
Những lúc ốm đau cũng chính những người lính đó lại ngồi bên nhau, nấu cho nhau từng bát cháo, dành hết cho nhau những cọng rau xanh ít ỏi, nhường nhau từng gàu nước ngọt mát lành để đồng đội nhanh khỏe. Hay những lúc muộn phiền, nhớ nhà thì đồng đội luôn bên cạnh để tâm sự, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn. Ngoài là những người lính kiên trung, những “cột mốc chủ quyền sống” trên biển các anh cũng là điểm tựa tinh thần vững chắc cho ngư dân mỗi lần vươn khơi bám biển. Các anh sẵn sàng sẻ chia tất cả những gì mình có cho ngư dân - có thể là chút thức ăn, ít thuốc men, nước ngọt để ngư dân yên tâm bám biển, cùng nhau giữ đảo, canh trời. Các anh trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, cùng ngư dân vượt qua bao lần sinh tử.
Một trong những ngư dân tàu cá QNa 95654 TS gặp nạn ngày 27.4.2020 ở khu vực biển nhà giàn DK1/11 - bác Hồ Ni xúc động cho biết: “Lúc bị nạn, tôi nghĩ mình không sống được nữa, rồi khi nhìn thấy ánh đèn của bộ đội nhà giàn mình biết là được sống rồi. Tôi cảm thấy may mắn như được sinh ra lần thứ hai. Cảm ơn bộ đội nhà giàn đã kịp thời cứu giúp, khám bệnh, nhường cơm cho bà con ngư dân chúng tôi”. Và đôi mắt bác bắt đầu ngấn lệ.
Hoàng hôn buông xuống, giữa muôn trùng sóng nước, mọi thứ xung quanh đều được khoác lên mình màu áo của nhớ nhung, bóng tối dần kéo đi mọi thứ nhưng nhà giàn vẫn đứng đó, “lửa hồng” vẫn sáng rực, vẫn hiên ngang bất khuất kiên cường.
|
Bình luận (0)