Một nhà báo có tâm với cuộc đời

21/06/2021 07:00 GMT+7

Đó là nhà báo Lưu Đình Long, nguyên Phó thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM.

Từ khi còn là sinh viên, nhà báo Lưu Đình Long đã phát tâm hiến máu tình nguyện. Theo anh “mình khó khăn, không có tiền để làm từ thiện thì hiến máu là một cách”. Nghĩ là làm, từ đó đến nay, anh duy trì hoạt động này và tính đến tháng 6.2021, Lưu Đình Long đã hiến trên 50 lần, mỗi lần 350ml máu.
Hình ảnh quen thuộc của nhà báo Lưu Đình Long ở Trung tâm Hiến máu Nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.HCM (đường Thiên Phước, Q.Tân Bình) chính là một thanh niên hiền lành, thường để tóc ngắn, trầm tính. Nhiều vị y sĩ hay bác sĩ khám, lấy máu cho anh thấy khuôn diện “gần giống nhà sư” của Long, lại khai nghề nghiệp làm báo nên lưu tâm hỏi thăm. Từ đó, có người nhớ mặt, khi anh đến lại trò chuyện như người thân.

Sinh ra và lớn lên ở Nông Sơn (Quảng Nam), Lưu Đình Long thiếu hụt tình thương của ba, chỉ có bà ngoại và mẹ nuôi anh ăn học...

Ảnh: TGCC

1. Sinh ra và lớn lên ở Nông Sơn (Quảng Nam), Lưu Đình Long thiếu hụt tình thương của ba, chỉ có bà ngoại và mẹ nuôi anh ăn học. Nhà nghèo, nổi danh hiếu học, vượt khó, anh đã nhận được nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ của người khác, trong đó có thầy cô, bạn bè, các nhà hảo tâm từ Sài Gòn… “Tôi luôn nhớ ơn tất cả sự giúp đỡ quý giá đó từ những người đã quý thương mình. Vì vậy, tôi tâm niệm dù cả đời mình dành thời gian chia sẻ với người khác cũng không đủ với những gì mình đã nhận được”, nhà báo Lưu Đình Long nói.
Chính vì vậy, anh cứ cần mẫn viết lách, sẻ chia những câu chuyện nhẹ nhàng trên mạng xã hội. Chọn công tác ở một tờ báo Phật giáo, mang chất thiền trong đời sống, anh còn giúp người khác - bạn đọc qua những cái nhìn đưa đến sự an định tâm hồn. Bốn cuốn sách mang hơi thở cuộc sống dưới cái nhìn của người luôn tư duy tích cực của nhà báo Lưu Đình Long gồm Lắng nghe hơi thở (NXB Trẻ, 2012), Tâm kinh mình thuyết cho mình (NXB Hồng Đức, 2014), Như mây thong dong (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018) và Như gió an lành (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020) đã trở thành “cẩm nang” giúp bạn đọc trút bỏ bớt phiền muộn trong lòng.
Nói về những gì mình viết, nhà báo sắp bước sang tuổi 38 này cho rằng: “Tôi làm báo nên tiếp xúc được nhiều người ở đủ giai tầng, ai cũng có những nỗi buồn, khó khăn riêng, và họ cần được lắng nghe, chia sẻ. Chính vì vậy, khi nghĩ tới những ách tắc, khổ đau nơi họ, tôi quyết định viết với tâm không phán xét mà chân thành gửi tới họ một cái nhìn tươi tắn hơn. Thực ra, cuộc sống dù khó khăn đến mấy cũng luôn có cách giải quyết, luôn có hướng đi tốt hơn”.
2. Ai gặp Lưu Đình Long ở ngoài đời cũng cảm nhận được sự bình an nơi anh. Có lẽ ngoài viết, anh còn dành cả thanh xuân của mình cho nhiều hoạt động yêu thương khác với mọi người. Tháng 6 năm ngoái, nhà báo Lưu Đình Long còn quyết định đăng ký hiến tạng. “Tôi đã thấu rõ cuộc sống vô thường và khi mình ra đi bất ngờ lúc trẻ, thân thể dù có đẹp cỡ nào cũng trở nên vô dụng nên tôi quyết định dành tặng mô tạng còn dùng được cho người cần nó”, anh nói một cách nhẹ nhàng.

Chọn công tác ở một tờ báo Phật giáo, anh cho rằng: “Tôi làm báo nên tiếp xúc được nhiều người ở đủ giai tầng, ai cũng có những nỗi buồn, khó khăn riêng, và họ cần được lắng nghe, chia sẻ..."

Ảnh: TGCC

Mẹ anh, một người phụ nữ Quảng Nam chịu thương chịu khó, cũng hiểu và ủng hộ những quyết định của con mình. Ngay cả việc anh hiến tạng bà cũng thuận tình: “Tôi nghĩ con trai mình muốn làm những việc ý nghĩa. Đó là điều tôi dạy con từ nhỏ: sống tử tế và có ích nên không có lý do gì tôi cản con mình”, bà Đỗ Thị Hiền, thân mẫu của nhà báo Lưu Đình Long, nói. Hơn ai hết, bà và con trai hiểu rõ những cảnh nghèo, khó khổ cần được giúp đỡ, hỗ trợ như thế nào.
Được mẹ ủng hộ trong mọi quyết định quan trọng vì “mẹ tôi luôn hiểu và thương tôi” như anh nói, Lưu Đình Long còn được biết đến với tấm lòng hiếu thảo với mẹ mình. Đây có lẽ cũng là nếp sống tốt đẹp, cần được lan tỏa trong đời sống. Anh kể về mẹ với lòng biết ơn vì bà đã vừa làm mẹ vừa làm ba trong hoàn cảnh cực kỳ ngặt nghèo. “Nên bây giờ, mỗi lần đi đâu hay ăn món gì ngon tôi đều muốn mẹ mình được đi, được ăn cùng”, nhà báo Lưu Đình Long chia sẻ. Hồi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, anh vẫn thường đón mẹ mình vào Sài Gòn và đưa bà đi đây đi đó, có thể đó là chuyến đi Đà Lạt, về miền Tây Nam Bộ, hay ra Huế tham quan lăng tẩm, đền đài…

Ai gặp nhà báo Lưu Đình Long ở ngoài đời cũng cảm nhận được sự bình an nơi anh...

Ảnh: TGCC

3. Là một người sống giản dị, Lưu Đình Long cũng lan tỏa lối sống ấy với người khác, nhất là những người mến mộ anh trên Facebook. Nhiều người bày tỏ cảm kích, cho biết đã chữa lành những vết thương do đổ vỡ ở trong lòng nhờ áp dụng cách anh đã nhìn, đã nghĩ và đã làm: nhận diện hiện tại, chấp nhận và sống tích cực ngay lúc này; không tìm về quá khứ hay mơ tưởng tương lai.
Ít ai biết, anh từng kiến lập một học bổng Ước mơ xanh từ hồi sinh viên năm 4, giúp cho một thủ khoa trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - Nguyễn Thái Bình có thêm động lực chinh phục ước mơ. Qua các mối quen biết từ nghề nghiệp của mình, Lưu Đình Long cũng đã kết nối cho nhiều sinh viên có được học bổng hay kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ, tặng quà cho học sinh ở ngôi trường miền núi mà anh từng học: trường THPT Nông Sơn. Dịp tết Nguyên đán, Trung thu, lũ lụt, lại thấy anh lăng xăng với các chuyến đi, mọi người tin tưởng gửi gắm để anh bắc nhịp cầu nhân ái.
“Tôi chỉ mong những việc mình làm có thể giúp được người đang khổ bớt khổ; để người tốt được có cơ hội tốt hơn vì mở lòng sẻ chia”, nhà báo Lưu Đình Long bày tỏ. Chính vì vậy, anh cho biết sẽ lại tiếp tục miệt mài viết sách để an ủi người hữu duyên, “cùng khổ” như mình; mỗi năm làm vài hoạt động giúp người khó khăn, ngặt nghèo để họ đón tết, vui với niềm vui chung của cộng đồng. “Nhiều bàn tay sẽ vỗ nên tiếng kêu mà phải không”, anh nhẹ nhàng nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.