Sự kiện văn hóa: Danh ca Lệ Thu qua đời

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
17/01/2021 09:00 GMT+7

Giọng ca Hạ trắng qua đời tối 15.1 (giờ Mỹ). Trước đó, nữ danh ca bị tiểu đường, vì sức khỏe yếu cộng với Covid-19 tấn công nên phải vào ICU (phòng chăm sóc đặc biệt) cấp cứu.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu xin rút khỏi BCH nhiệm kỳ 8

Theo báo cáo của Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhiệm kỳ 7 Trần Văn Tuấn trước toàn thể đại hội, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nhà văn TP.HCM đã có nhiều nhà văn được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, được giải thưởng Văn học Mê kông, giải thưởng Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, giải thưởng 5 năm của TP.HCM. Ban Chấp hành (BCH) cũng đã thành lập 4 chi hội, gồm: Chi hội Nhà văn Gia Định do nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và Trương Nam Hương phụ trách; Chi hội Nhà văn Chợ Lớn do nhà văn Trịnh Bích Ngân và nhà thơ Lê Thị Kim phụ trách; Chi hội Nhà văn Bến Nghé do nhà thơ Phan Hoàng và nhà văn Trần Nhã Thụy phụ trách; Chi hội Nhà văn Sài Gòn do nhà văn Trầm Hương và nhà thơ Phan Trung Thành phụ trách. Các thành viên trong BCH là những người giàu tâm huyết, tận tình với công tác hội, việc sáng tác ổn định, có vị trí nhất định trong đời sống văn học và các phẩm đều đạt chất lượng theo đúng định hướng chung.
Tại đại hội, BCH nhiệm kỳ trước cũng thừa nhận vì nhiều lý do khách quan và chủ quan đã có sự chậm trễ trong việc xử lý các tình huống nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện ảnh hưởng tới hoạt động của hội. BCH và Thường vụ còn bị động, lúng túng khi duy trì hoạt động của trang web hội.
Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM cũng chính thức ra mắt BCH nhiệm kỳ 8 với 10 thành viên, trong đó nhà văn Bích Ngân đắc cử chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM; 2 phó chủ tịch là nhà văn Bùi Anh Tấn và nhà văn Trầm Hương; nhà thơ Bùi Phan Thảo được bầu làm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP.HCM. Đáng chú ý, trước khi BCH mới ra mắt tại đại hội, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã xin rút khỏi BCH nhiệm kỳ 8 và được đại hội chấp nhận.

Nick Út (phải) nhận Huân chương Nghệ thuật Quốc gia tại Nhà Trắng từ tay Tổng thống Donald Trump

ẢNH: FB NHÂN VẬT

Nick Út bị tấn công sau khi nhận Huân chương Nghệ thuật từ Tổng thống Donald Trump

Nhiếp ảnh gia, cựu phóng viên ảnh Hãng thông tấn AP Nick Út nổi tiếng với bức ảnh Em bé Napalm vừa cho biết ông bị kẻ lạ mặt tấn công ngay sau khi nhận Huân chương Nghệ thuật Quốc gia từ Tổng thống Donald Trump hôm 13.1 (giờ Mỹ).
Chiều 15.1 (giờ Việt Nam) cựu phóng viên ảnh Mỹ gốc Việt Nick Út, nổi tiếng với bức ảnh Em bé Napalm viết trên Facebook cá nhân bị kẻ lạ mặt tấn công ngay sau khi ông nhận Huân chương Nghệ thuật Quốc gia. Ông viết: "Hôm qua là một ngày tuyệt vời tại Nhà Trắng để nhận Huân chương Nghệ thuật Quốc gia. Hôm nay tôi và hai người bạn đi ăn tối bên ngoài Nhà Trắng. Chúng tôi bất ngờ bị một thanh niên nghiện ma túy tấn công. Hắn đã hạ gục tôi và làm tôi bị thương ở sườn, lưng và chân trái - đúng cái chân vẫn còn mảnh kim loại đạn cối trong chiến tranh ghim vào. Chiếc máy ảnh Leica của tôi bị hỏng. Bạn Mark Edward Harris đã tung vài thế võ để bảo vệ tôi. Mật vụ nhanh chóng đến hỗ trợ tôi".
Bức ảnh Em bé Napalm chụp bé gái Kim Phúc 9 tuổi, trần truồng bỏ chạy với gương mặt đầy hoảng sợ cùng những đứa trẻ khác sau trận bom Napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bức ảnh do Nick Út chụp ngày 8.6.1972, khi đang là phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP. Nick Út sinh ngày 29.3.1951, tên khai sinh là Huỳnh Công Út, quê quán tại tỉnh Long An. Ông bắt đầu làm phóng viên ảnh đại diện cho hãng thông tấn AP tại Việt Nam vào những năm 1960. Anh trai của Nick Út cũng từng là phóng viên chiến trường của AP nhưng mất sớm trong lúc tác nghiệp. Nick Út về hưu vào cuối tháng 3.2017. Bức ảnh Em bé Napalm đã mang lại cho ông giải Pulitzer, được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

Danh ca Lệ Thu

ẢNH: T.L

Danh ca Lệ Thu qua đời

Giọng ca Hạ trắng qua đời tối 15.1 (giờ Mỹ). Trước đó, nữ danh ca bị tiểu đường, vì sức khỏe yếu cộng với Covid-19 tấn công nên phải vào ICU (phòng chăm sóc đặc biệt) cấp cứu.
Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Bà được xem là một trong những giọng ca nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam, trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn trước khi sang Mỹ khoảng năm 1980. Trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca, đó là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu.

Ca sĩ Lệ Thu đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian mắc Covid-19

Tiếng hát của “giọng ca vàng mười” Lệ Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào nhưng bà là người trình bày rất thành công nhiều ca khúc của các nhạc sĩ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... Bà nổi tiếng những năm 1960 - 1970 với hàng loạt ca khúc Hạ trắng, Mùa thu chết, Nước mắt mùa thu, Thu hát cho người, Mười năm tình cũ...
Nữ danh ca từng trải qua ba cuộc hôn nhân và có ba con gái. Khi ở tuổi thất thập nhưng Lệ Thu vẫn yêu ca hát. Sau khi con cái trưởng thành và lập gia đình, bà sống một mình ở Mỹ. Bà từng chia sẻ cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại bởi bà là người có tính cách mạnh mẽ, yêu sự tự do nên không thấy cô đơn vì không sống cùng con cháu. Những năm trước đây, Lệ Thu thường xuyên về Việt Nam để ca hát và nhận lời làm giám khảo chương trình âm nhạc.
 

Ca sĩ Quang Lê trao danh hiệu cho thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt

ẢNH: FACEBOOK CUỘC THI

Vụ “chi tiền tỉ có ngôi hoa hậu”: Xử phạt công ty tổ chức 90 triệu đồng

Thanh tra Bộ VH-TT-DL vừa có quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước (Công ty Khổng Tước), đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020, số tiền 90 triệu đồng.
Theo quyết định này, Công ty Khổng Tước đã có hành vi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020 tại phim trường Hy Vọng (ở số 3026 Phạm Thế Hiển, P. 7, Q.8, TP.HCM) vào ngày 18.11.2020 mà không có giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp.
Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với công ty này theo điểm c khoản 4 điều 14 Nghị định số 158/2013/NĐ - CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh về những bất thường của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020, do Công ty Khổng Tước tổ chức. Bà Q.H.L (35 tuổi, ở Hà Nội) đã gửi đơn đến Báo Thanh Niên tố cáo cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020 mà bà vừa nhận danh hiệu hoa hậu, là không có giấy phép.
Theo lời bà L., bà đã chuyển hàng tỉ đồng để được lọt vào top 4 và đoạt giải hoa hậu cuộc thi trên.
Đến ngày 20.12.2020, bà L. đã có đơn tố giác tội phạm tới Công an TP.Hà Nội về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với một số người có liên quan đến cuộc thi. Công an TP.Hà Nội đã chuyển đơn tố giác của bà L. đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội để thụ lý theo thẩm quyền.

Chum xanh trắng cửu long thế kỷ 18

ẢNH: PI AUCTION HOUSE

Lộ diện hơn 170 cổ vật quý và tranh danh họa Việt lên sàn đấu giá quốc tế

Ngày 16.1, PI Auction House sẽ tổ chức phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế Arts du Asian (Nghệ thuật châu Á) với hơn 170 hiện vật giàu giá trị nghệ thuật, lần đầu tiên kết hợp giữa các tác phẩm tranh và cổ vật quý.
Phiên đấu giá dự kiến sẽ được tổ chức cùng lúc tại Sofitel Legend Metropole (Hà Nội) và LA VELA Saigon Hotel (TP.HCM). Đây là lần đầu tiên một nhà đấu giá Việt Nam mang lên sàn đấu giá quốc tế những hiện vật nghệ thuật hết sức đa dạng: từ các tác phẩm mỹ thuật đến những hiện vật cổ quý hiếm nhiều thế kỷ trước. Tất cả các hiện vật có giá trị đều phản ánh rõ nét những giá trị bản sắc văn hóa Việt cùng với thú chơi sưu tầm tao nhã đã tồn tại và phát triển bấy lâu trong cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết: “Sưu tầm cổ vật xưa nay như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người Việt. Đã hình thành từ lâu nhưng thị trường mua bán, trao đổi cổ vật vẫn còn khá sơ khai và chưa thực sự phát triển một cách chuyên nghiệp. Phiên đấu giá nghệ thuật là cuộc chơi, là sự tiếp nối dòng chảy hội họa, nghệ thuật của các thế hệ đi trước. Đây cũng là cơ hội lớn để các nhà sưu tầm có thể mang về cho mình những “báu vật” bấy lâu tìm kiếm, bởi Arts du Asian (Nghệ thuật châu Á) được chuẩn hóa theo quy chuẩn đấu giá quốc tế, giúp các nhà sưu tầm dễ dàng tiếp cận những hiện vật quý hiếm mang nhiều giá trị văn hóa hơn, tiệm cận dần với xu hướng sưu tầm trên thế giới”.
Tiếp nối thành công từ những phiên đấu giá quốc tế trước đây, lần này PI Auction House mang tới phiên đấu giá sự góp mặt của những danh họa và họa sĩ nổi tiếng, như: Lê Bá Đảng với tác phẩm Không gian, sơn dầu trên toan (88x104 cm), Nguyễn Đức Toàn – Hà Nội phố, sơn mài (58x38 cm), Bùi Xuân Phái – Chân dung, sơn dầu trên bìa (21x27 cm), Linh Chi – Hoa bìm bịp, bột màu trên giấy (42x55 cm); Nguyễn Tuấn Thịnh – Mùa hoa cúc, acrylic trên toan (80x100 cm); Trần Văn Cẩn – Bác Hồ câu cá, màu nước trên giấy (39,5x54,5 cm)... đưa công chúng đến với những hình ảnh sống động của một thời đã xa. Ngoài ra còn có những tác phẩm của nhiều cái tên mang đầy hơi thở đương đại như: Công Quốc Hà, Phạm Lực, Nguyễn Thanh Bình, Lê Thanh Hải... cùng với các cổ vật quý như: Nậm Phượng hiệu nội phủ thế kỷ 19; chum cửu long thế kỷ 18; đỉnh ngọc thế kỷ 20...
Bằng góc nhìn thế giới đa chiều cá biệt qua từng con mắt nghệ thuật của mình, tranh của các danh họa được thể hiện phong phú trên các chất liệu như gỗ, sơn mài, sơn dầu, lụa... tạo nên bức tranh muôn màu cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
PI Auction House hy vọng sẽ đem đến cho cộng đồng nghệ sĩ, nhà đầu tư và công chúng yêu nghệ thuật khắp nơi trên thế giới những trải nghiệm và cơ hội để sở hữu những tác phẩm nghệ thuật của các danh họa Việt Nam cùng các cổ vật quý qua phiên đấu giá quốc tế này.

Nguyễn Trần Khánh Vân - đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam

ẢNH: MUV

Người chuyển giới nữ sẽ được phép dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021?

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 vừa có thông tin sẽ chấp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của người chuyển giới nữ trong cuộc thi ảnh online và tăng độ tuổi thí sinh tham gia từ 26 lên 27.
Cuộc thi ảnh online Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Đây là vòng thi độc lập, không ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Thông qua vòng thi online, khán giả sẽ có cái nhìn khái quát hơn về thí sinh trước khi chính thức bước vào những vòng thi chính của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Tại hai mùa thi online trước, cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo thí sinh đến từ nhiều vùng miền, lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, không chỉ giới hạn trong phạm vi toàn quốc mà cả thí sinh đang sinh sống hoặc làm việc tại nước ngoài. Qua hai mùa, cuộc thi ảnh online đã sàng lọc, góp phần tìm kiếm những nhan sắc đình đám, có sức ảnh hưởng rộng lớn có thể kể đến như Hoàng Thùy (chiến thắng cuộc thi Online 2017), Thúy Vân (chiến thắng cuộc thi Online 2019), sau đó cả hai lần lượt trở thành Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019.
Top 3 Online năm 2017 còn có Mâu Thủy (Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017), Huỳnh Thị Cẩm Tiên (Người đẹp Thể Thao Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017). Hai vị trí còn lại của Top 3 Online năm 2019 là Nguyễn Đặng Tường Linh (Top 15 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019), Minh Tâm (Hà Nội).
Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 cho biết cuộc thi ảnh online lần này sẽ mở ra cơ hội cho những cô gái trẻ lần đầu thử sức mình ở cuộc thi sắc đẹp, hoặc những cô gái đã có danh tiếng muốn tìm hiểu, rèn luyện và tìm cơ hội phát triển, khẳng định giá trị bản thân, trước khi chính thức ghi danh tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021. Đây sẽ là cơ hội giúp thí sinh rèn luyện kỹ năng mềm, cọ xát thực tế với truyền thông mạng xã hội, tăng sự giao lưu, tương tác với khán giả.
Năm nay, cuộc thi ảnh online Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 đã chính thức được khởi động với nhiều thông tin đổi mới nổi bật. Theo đó, ban tổ chức gia tăng độ tuổi cho thí sinh tham gia từ 26 lên 27 tuổi, và hạ chiều cao được phép tham gia từ 165 cm xuống 160 cm trở lên; và đặc biệt là đồng ý nhận hồ sơ dự thi của người chuyển giới nữ. Đây là lần đầu tiên cuộc thi ảnh online cho phép người chuyển giới nữ tham gia một cách hợp lệ và tranh tài với các thí sinh khác.
Trao đổi về điểm mới này, bà Lệ Quyên - đại diện truyền thông Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, cho biết: "Những năm trước, trong thể lệ dù là ở cuộc thi ảnh online cũng không cho phép thí sinh chuyển giới đăng ký, năm nay, chúng tôi mở rộng để thu hút nhiều đối tượng. Còn ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 chính thức, chúng tôi sẽ cố gắng thêm chi tiết này trong đề án trình duyệt, nhưng có thể người chuyển giới sẽ không được phép dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 như quy định về thi hoa hậu hiện hành tại Việt Nam, tùy vào sự quyết định của các ban ngành chức năng theo Nghị định 144/NĐ-CP vừa có hiệu lực”.
Trước đó, cuộc thi online năm 2019 từng có thí sinh chuyển giới Nguyễn Phương Vy đăng ký tham gia, nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng do không đúng với quy định của cuộc thi nên đành lỡ hẹn và ban tổ chức cũng loại bỏ hồ sơ tranh tài sau đó.
Kết quả cuộc thi ảnh online Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 sẽ được công bố trong thời gian diễn ra cuộc thi chính thức của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2021 vào cuối năm nay.

Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa ấn hành

ẢNH: NXB TRẺ

Nguyễn Vĩnh Nguyên kể chuyện Hoàng đế Bảo Đại gặp Hoàng hậu Nam Phương

Đối với độc giả mê văn chương và thích khám phá những câu chuyện xưa thì nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên là tên tuổi quen thuộc. Năm mới 2021, anh đã trở lại cao nguyên với tập biên khảo Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ rất lý thú.
Sau nhiều tác phẩm thành công của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về xứ sở sương mù, như: Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách (tản văn); Đà Lạt, bên dưới sương mù và đặc biệt là tập biên khảo công phu Đà Lạt, một thời hương xa (NXB Trẻ, tái bản 6 lần trong 5 năm), thì tác phẩm mới Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ vừa ra mắt có nội dung trải dài về lịch sử hình thành, phát triển Đà Lạt - từ khởi thảo đô thị cho đến thời kỳ hoàng kim văn hóa cùng nhiều dấu ấn quan trọng. Đây là cuốn sách thứ năm và cũng là công trình khảo cứu độc lập thứ ba của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt.
Cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Những cuộc gặp gỡ là cơ duyên làm nên Đà Lạt yêu dấu của bao người, làm nên một phần văn hóa, cốt cách, căn tính của một đô thị đúng nghĩa. Đó là cuộc gặp gỡ của hai người Pháp có công khai sinh thành phố, của những nông dân Pháp -Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp những tao nhân mặc khách, những chính khách, quý tộc thượng lưu, những bác sĩ quốc tế, những nhà môi trường học, dân tộc học… Những câu chuyện này mang tới một hình ảnh khác, một hình dung mới, “những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả” của thành phố cao nguyên mộng mơ.
Cùng với đó là cuộc gặp gỡ thú vị giữa thi sĩ Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, đặc biệt hấp dẫn là câu chuyện gặp gỡ giữa Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương xinh đẹp mà cuộc tình của họ tốn biết bao nhiêu giấy mực của báo chí thời đó, hay giữa chính trị gia Doumer và nhà khoa học Yersin.., cùng những bài viết mô tả các biểu tượng kiến trúc, các hình thái sinh hoạt văn hóa, lần tìm các dấu tích… nhằm tái hiện những giá trị nhân văn của Đà Lạt.
Có thể nói tác phẩm Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ cùng với Đà Lạt, một thời hương xaĐà Lạt, bên dưới sương mù đã làm nên một bộ ba khảo cứu kéo dài gần 10 năm mà tác giả đã đi tìm kiếm Đà Lạt theo một cách riêng, mở một lối đi khác biệt để khám phá, cảm nhận và thấu đạt nội tâm của một đô thị.
Bằng sự cẩn thận, tẩn mẫn và đầy công phu của mình, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên lục tìm các tư liệu quý ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 tại TP.HCM và Đà Lạt, bên cạnh tư liệu từ những cuốn sách và văn bản đã công bố, còn là những nghiên cứu cá nhân khách quan, Nguyễn Vĩnh Nguyên lại tiếp tục thành công trong bộ ba biên khảo đầy giá trị về Đà Lạt, nhờ vào một tinh thần làm việc rất công phu, nghiêm túc của nhà văn mê nghiên cứu.
Nói về công việc mình làm, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ đơn giản: “Đà Lạt mang một vẻ đẹp treo lơ lửng trước mắt chúng ta mà không bao giờ mình định nghĩa nổi… Thành phố còn rất nhiều điều cuốn hút, làm cho mình cảm thấy còn bị hấp dẫn, hút vào và đào sâu tìm hiểu. Nhưng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó mang tính lý tính. Cuốn biên khảo là sự gắn bó lý tính hơn là tình yêu. Công việc lần về quá khứ, suốt ngày rị mọ với chồng hồ sơ… bắt nguồn từ chính sự thắc mắc, muốn hiểu, muốn đi sâu vào đời sống, tâm thức của một thành phố, đã đưa tôi vào một hành trình đầy những câu hỏi cũng cần một phương pháp lý tính để trả lời”.

Bong Joon Ho là nhà làm phim Hàn Quốc làm nên nhiều cái "nhất" tại các Liên hoan phim quốc tế thời gian gần đây, lần này là Liên hoan phim Venice

ẢNH: G.I

Bong Joon Ho làm chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Venice 2021

Theo Hollywood Reporter ngày 15.1, Bong Joon Ho là nhà làm phim Hàn Quốc đầu tiên trở thành chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Venice lần thứ 78.
Trước Bong Joon Ho, nhiều đạo diễn nổi tiếng châu Á từng ngồi ghế nóng tại Liên hoan phim Venice (Ý) như Trương Nghệ Mưu (mùa giải năm 2007), Lý An (2009). Cha đẻ phim Chuyến tàu băng giá trở thành nhà làm phim Hàn Quốc đầu tiên ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Venice.
Chủ tịch LHP là đạo diễn Alberto Barbera nhận xét về việc chọn đạo diễn Bong cho chiếc ghế lần này: "Một trong những giọng nói không trộn lẫn, đáng tin cậy trong thế giới phim ảnh. Chúng tôi biết ơn anh ấy rất nhiều vì đã đặt niềm tin vào Liên hoan phim của chúng tôi với tư cách là một nhà làm phim đáng chú ý, ham học hỏi và không định kiến".
Còn đạo diễn phim Ký sinh trùng thì chia sẻ về quyết định của mình: "Liên hoan phim quốc tế Venice mang trong mình một lịch sử lâu đời, đa dạng và tôi rất vinh dự cùng mọi người dệt nên truyền thống tốt đẹp. Với vai trò là trưởng ban giám khảo, nhưng quan trọng hơn là một người suốt đời theo đuổi điện ảnh, tôi sẵn sàng hoan nghênh những bộ phim tuyệt vời được gọi tên tại mùa giải. Tôi tràn đầy sự hy vọng và niềm phấn khích'.
Tân chủ tịch ban giám khảo năm nay được thế giới biết đến qua những bộ phim hay như Hồi ức kẻ sát nhân (2003), Quái vật sông Hàn (2006), Người mẹ (2009), Okja (2017), Chuyến tàu băng giá (2013), Ký sinh trùng (2019). Ông là nhà làm phim Hàn Quốc đầu tiên rinh tượng Cành cọ vàng nhờ phim Ký sinh trùng tại LHP Cannes. Tại giải Oscar 2020, phim Ký sinh trùng thắng 4 giải, bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất (trao cho Bong Joon Ho) và Phim hay nhất năm. Đây là phim châu Á đầu tiên làm nên kỳ tích tại lịch sử hơn 9 thập niên của giải này.
Trước Bong Joon Ho, năm rồi, minh tinh Cate Blanchett ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Venice. Phim Nomadland của nữ đạo diễn Chloé Zhao thắng giải cao quý nhất là Sư tử vàng. Năm nay, Liên hoan phim Venice dự kiến diễn ra từ ngày 1.9 đến 11.9.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.