Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đã rất xúc động khi tác phẩm của cha ông được đưa trở lại với khán giả hôm nay. Nhạc sĩ cho hay vở opera Người tạc tượng được công diễn lần đầu tiên vào 2.9.1971. “Gia đình vẫn còn giữ bản thảo viết tay của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận gồm 4 quyển dày, trong đó có ghi: kịch bản viết và duyệt ở hội đồng nghệ thuật năm 1969”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Những tín hiệu vui
NSƯT Trần Lực đảm nhận vai trò đạo diễn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tham gia biên tập âm nhạc cùng tinh thần phục dựng với cái nhìn mới của thế hệ thông qua giá trị, nội dung tác phẩm mà cố tác giả để lại.
“Những người hoạt động âm nhạc hiện nay thuộc thế hệ sau này chưa từng biết hình hài của vở opera này một cách đầy đủ, mà chỉ biết lẻ tẻ qua một vài bản aria. Bởi vậy, việc phục dựng tác phẩm opera kinh điển như Người tạc tượng là điều rất nên và rất quý”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói. Ông Long nhìn nhận: “Tác phẩm cho thấy tài năng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhạc sĩ đã rất tài tình đưa vào tác phẩm trên nền âm nhạc phương Tây những màu sắc của âm nhạc dân tộc. Một tác phẩm viết từ cách đây 50 năm, nhưng đến giờ xem lại vẫn thấy nguyên giá trị”.
Bên cạnh vở opera Người tạc tượng, tháng 7 vừa qua, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN cũng công diễn vở opera Lá đỏ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. “Những năm gần đây, những vở opera một cách đúng nghĩa của VN được công diễn nhiều hơn. Trong khi trước đây, tác phẩm công diễn phần nhiều là nhạc kịch, chưa theo nguyên tắc opera kinh điển”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ.
Opera Việt đã có những tín hiệu vui về sự trở lại, nhưng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, con đường của loại hình nghệ thuật này vẫn còn nhiều gian nan.
Cần “nuôi” khán giả cho opera
Nghệ sĩ opera Ninh Đức Hoàng Long, hiện đang hoạt động tại Hungary, cho biết tại đất nước nằm trong “cái nôi” của âm nhạc cổ điển châu Âu này, sân khấu opera cũng gặp không ít khó khăn. “Trong hầu hết các nhà hát hiện nay, khán giả lớn tuổi vẫn nhiều hơn khán giả trẻ, vì có quá nhiều thứ giải trí khiến khán giả trẻ bị phân tâm”, anh cho hay. Tuy nhiên, lượng khán giả vẫn thường phủ kín tới 2/3 nhà hát. “Nhà nước Hungary đầu tư để phổ cập opera khá tốt. Ví dụ vào dịp hè, hàng đoàn xe buýt miễn phí chở học sinh từ các tỉnh lẻ vào thành phố xem opera cả tháng trời”, nghệ sĩ Hoàng Long cho biết.
|
“Để dàn dựng tác phẩm opera, bên cạnh dàn nhạc, còn có các nghệ sĩ hát, nghệ sĩ múa, dàn hợp xướng... Một vở diễn trung bình cần tới hàng trăm nghệ sĩ tham gia. Kinh phí cũng tốn gấp nhiều lần so với việc dàn dựng tác phẩm giao hưởng thính phòng”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói. Theo ông Long, để tác phẩm opera đến với công chúng, khó có thể không cần tới sự hỗ trợ của nhà nước trong thời điểm hiện tại.
Sau Cô Sao - tác phẩm opera “thuần Việt” đầu tiên được công diễn vào năm 1965, đến giờ có rất ít tác phẩm opera Việt được viết hay dàn dựng. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay hiện tại hầu như chưa có nhạc sĩ trẻ nào quan tâm viết tác phẩm opera. “Tác phẩm opera là sáng tác nằm trong khuôn khổ lớn, không chỉ đòi hỏi trình độ cao, mà còn phải đầu tư rất nhiều công sức. Nếu không ai “đặt hàng” thì nhạc sĩ cũng khó mà có đủ kinh phí để tự chi trả khi làm tác phẩm”, ông Long nói. Nhà nghiên cứu âm nhạc này cũng nhắc đến nhu cầu thưởng thức opera chưa nhiều của công chúng trong nước. “Chưa có cầu nên làm khó cho cung”, ông Long nhận định.
Để có cầu thì cần phát triển nguồn khán giả cho opera, cho nghệ thuật hàn lâm. Trong khi, để hút khán giả đến với nghệ thuật hàn lâm, theo NSƯT Trần Ly Ly, cần thúc đẩy nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này từ nhà trường. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhìn nhận: “Về lâu dài, chúng ta cần “nuôi” khán giả với nghệ thuật hàn lâm, trong đó có opera, ngay từ những khán giả nhỏ tuổi qua nhiều hình thức giáo dục”.
Bình luận (0)