Cầu Mống - Chứng nhân thời sinh viên

16/10/2019 08:00 GMT+7

Ánh mắt tôi đang lim dim nhìn xa xăm tại bãi biển Bãi Trước- thành phố Vũng Tàu thì bất chợt giọng nói trầm ấm của bạn tôi cắt ngang đưa tôi trở về với thực tại…

- Duyên sống Vũng Tàu thích quá nhỉ, nhiều khi mệt mỏi với cuộc sống cứ ngắm biển là hết!
- Vậy chứ trên Sài Gòn nếu cảm thấy mệt mỏi thì mấy bạn sẽ làm sao? Tôi hỏi một cách bâng quơ và khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời.
- Thì bởi vậy mới chạy xuống Vũng Tàu ngắm biển với Duyên nè…
Tôi mỉm cười và tiếp tục thả hồn vào những cơn gió biển và thầm nghĩ rằng Sài Gòn vẫn còn đâu đó nhiều chốn thân thương, dịu dàng ôm ấp con người ngoài nhịp sống tất bật, hối hả. Bởi tôi đã có những năm tháng lưu vết bước chân mình tại Cầu Mống- Cây cầu chứng nhân lịch sử quãng thời gian sinh viên của tôi cùng đám bạn xa quê nhà.

Cầu Mống đã lặng lẽ đồng hành cùng tôi đi qua những năm tháng sinh viên khó khăn nhưng đong đầy niềm vui, hạnh phúc ấy

Ảnh: H.N.Q.D

Hồi đó chúng tôi theo học tại trường Đại học Luật TP.HCM tọa lạc dưới chân cầu Khánh Hội, quận 4. Cây cầu Mống ấy bắc qua kênh Bến Nghé, nối liền giữa quận 1 và quận 4, nằm thoai thoải cạnh bên hông trường Đại học Luật TP.HCM và song song với cầu Khánh Hội. Tôi không còn nhớ rõ cầu Mống xuất hiện khi tôi học năm nhất hay năm hai, nhưng từ lúc bắt đầu thi công cho đến khi cầu Mống hoàn chỉnh, tôi là một trong những người may mắn biết đến quá trình hoàn thiện đó. Để rồi từ đó cho đến ngày tốt nghiệp đại học, cầu Mống đã lặng lẽ đồng hành cùng tôi đi qua những năm tháng sinh viên khó khăn nhưng đong đầy niềm vui, hạnh phúc ấy.
Nhóm bạn của tôi gồm có sáu người, khác nhau từ vùng miền, giọng nói nhưng đều mang một điểm chung là xuất thân từ gia đình không khá giả, đã chọn Sài Gòn như một vùng đất hứa để tiếp tục con đường học vấn của mình. Chúng tôi gặp gỡ và bén duyên chơi thân với nhau tình cờ và đơn giản như thế. Tôi vẫn còn nhớ rõ những lần ấy: những hôm lớp học kết thúc sớm hoặc cả bọn rủ nhau trốn tiết học chiều chiều cùng nhau lên cầu Mống hóng gió. Đôi khi chúng tôi ngồi đó cho đến tận tối, nói hết chuyện này đến chuyện nọ hoặc đơn giản không ai nói với ai câu nào ánh mắt cứ nhìn xa xăm vô định về phía trước và suy nghĩ về tương lai xa xăm.
Những buổi họp mặt rất thường xuyên tại cầu Mống như một địa điểm lý tưởng cho đám sinh viên chúng tôi: đứa bạn từ quê mang theo mớ trái cây chia cho đám bạn tại cầu Mống; tổ chức sinh nhật đứa bạn chỉ vỏn vẹn cái bánh sinh nhật nho nhỏ và vài chai nước ngọt tại cầu Mống; lần hẹn hò đầu tiên của tôi với bạn trai tại cầu Mống; buồn chuyện tình thời sinh viên dang dở tôi cũng chỉ biết hẹn cô bạn thân tại cầu Mống để thỏ thẻ tâm sự; hay chỉ đơn giản những tối mát trời, tôi ngẫu hứng hẹn đám bạn mình đến cầu để tận hưởng phút giây thanh bình và dịu dàng từ khung cảnh này mang lại. Cứ thể, cầu Mống sẵn sàng đồng hành cùng cô sinh viên xa nhà một cách quá đỗi thân thương với những cung bậc cảm xúc khó diễn tả thành lời.

Sông Sài Gòn nhìn từ trên cao

Ảnh: Ngọc Dương

So với cầu Khánh Hội có thiết kế hiện đại, thì cầu Mống không quá đỗi đẹp, không thiết kế cầu kỳ nhưng cầu Mống khoác chiếc áo xanh ngọc bích tạo vẻ gần gũi ấm áp khiến cho những ai đã từng đi dạo qua đây không thể không vương vấn bởi sự mộc mạc, chân phương ấy. Nó tạo cho ta cảm giác dịu dàng, quên đi sự tất bật, xô bồ nơi thành phố hiện đại để từ đó ta có thêm sự bình tâm tiếp tục hành trình trên đường đời mưu sinh.
Về sau này khi được đọc một bài báo viết về lịch sử hình thành của cầu Mống- cây cầu cổ nhất Sài Gòn, tôi lại càng hiểu hơn về cầu Mống - một phần không thể thiếu đối với người dân quận 4 nói riêng và người dân Sài Gòn nói chung.
Đã bốn năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học, thỉnh thoảng tôi và đám bạn vẫn nhắc về cầu Mống như một phần không thể tách biệt năm tháng sinh viên. Đôi khi trong những chuyến công tác tại Sài Gòn, tôi vẫn tranh thủ đến thăm cầu Mống vào một buổi sáng đầy nắng và thầm nghĩ “Cám ơn Sài Gòn, cám ơn vì đã bao dung cho những người con sinh viên xa nhà. Cám ơn cầu Mống vì đã đồng hành cùng tôi trong những năm tháng quá đỗi trong sáng, thân thương ấy”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.