Thành phố tôi yêu là những điều bình dị, những tình cảm, những sẻ chia của con người nơi đây đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng gian khó.
Năm 2007 bỏ lại sau lưng lời đàm tiếu của dư luận là đứa “phá gia chi tử”, tôi lên Sài Gòn lập nghiệp, với hy vọng thay đổi cuộc đời.
|
Trải qua hơn chục năm ở mảnh đất phồn hoa này tôi thấm thía nhiều điều, thành phố này đã lấy của tôi nhiều thứ: mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa, nhưng cũng cho tôi nhiều bài học đắt giá về cơm áo gạo tiền… Nhưng sau tất cả, thứ tôi nhận được nhiều nhất chính là cái tình cái nghĩa của người Sài Gòn.
Sau vài năm làm đủ thứ nghề: phục vụ nhà hàng, giữ xe, bảo vệ đến làm bốc xếp, phụ hồ ở các quận trung tâm, nhưng mãi chẳng có đồng dư bởi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, tôi quyết định chuyển trọ ra ngoại thành để giảm bớt chi phí sinh hoạt và cố gắng đi học lại. Ấp Thới Tây II, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn là nơi tôi chuyển đến, chính những con người nơi đây đã cưu mang tôi, giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần của một kẻ tha hương cầu thực.
Cô Út chủ phòng trọ, lúc mới vào ở hỏi tôi làm gì. Con đi học bổ túc bên Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.12 buổi đêm, ban ngày con giữ xe ở ngoài chợ Hóc Môn. Con cảm ơn cô Út nhiều, cảm ơn cô đã cho con nợ
2 - 3 tháng tiền phòng khi túng thiếu, không những vậy con còn mượn tiền cô để mua gạo. Ấn tượng nhất với con là có lần con đi học về hơn 10 giờ tối, bụng đói meo, nhà không hột gạo, “Cô có nấu cháo gà nhiều lắm, mày qua lấy ăn”. Quả thật là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”…
Gần chỗ tôi ở trọ có quán cà phê của gia đình ông Tư.
Khách mối của quán là các “bô lão” trong ấp. Cái nếp quê đã ăn sâu vào tiềm thức những vị “bô lão” nơi đây. Cứ xe đạp, nón lá, quần tà lỏn mà đi. Quán chỉ có hai cái bàn dài và cái ghế dài nhưng có những chỗ ngồi đã được đánh dấu “chủ quyền” hơn 20 năm. Từ chuyện nhà cửa, con cái, dâu rể đến chuyện chiến tranh kinh tế giữa các cường quốc, thời sự trong và ngoài nước luôn là chủ đề bàn tán sôi nổi của các “bô lão”. Có lẽ tôi là vị khách trẻ tuổi nhất và cũng là vị khách không phải dân thành phố. Nhưng sự khác biệt về quê quán chẳng làm mọi người nghi kỵ tôi. Ngược lại các bà, các ông ở đây mến tôi như con cháu trong nhà, có cái bánh, trái cây hay món gì ngon trong nhà các “bô lão” đều mang đến quán “nhớ để dành cho thằng Hoàng”, nhà nào sơn cửa, đào hầm, xây hồ nước, mắc bóng điện mọi người cũng nhờ tôi phụ giúp và trả công hậu hĩnh.
Hằng ngày, tôi đi làm giữ xe cho một tiệm thức ăn nhanh tại chợ Hóc Môn (bên hông chùa Ông), kế bãi xe của tôi có bàn bán vé số của anh Lạc. Vì bệnh thấp khớp nên ảnh không đi bán dạo được mà đặt bàn bán vé số ở đây cũng hơn chục năm.
Có lẽ những người cùng cảnh khổ sẽ dễ hiểu và cảm thông cho nhau… Chuyện là hồi ấy, tôi thường nấu cơm mang theo ăn trưa, mấy lần thấy tôi chỉ ăn cơm với trứng vịt chiên, “nay vợ tao có chiên cánh gà nhiều lắm, mày lấy ăn cơm, có sức mà học, thấy mày sao toàn ăn với trứng không vậy”, “kẹt tiền nói tao cho mượn, nhiều thì tao không có chứ vài ba trăm tao cho mượn được”.
Hồi đó, tôi học bổ túc từ lớp 10 tới lớp 12 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.12, ba năm tôi học ở đây là ba năm tôi chịu ơn những thầy cô nơi đây. Ba năm tôi không về quê ăn tết, ba năm tôi được miễn học phí, ba năm cứ mỗi độ xuân về tôi đều được nhận quà tết khiến những kẻ xa quê như tôi ấm lòng. Tôi vẫn nhớ như in cái hôm trước khi đi thi đại học, cô giám đốc nấu chè đậu đãi tất cả các học viên lớp 12 với hy vọng mọi người đều thi đậu đại học.
…
Cảm ơn Sài Gòn đã cho tôi những ngày nắng bong da tai trên những công trường xây dựng, những ngày mưa ướt lạnh tê tái tâm hồn kẻ tha hương, cảm ơn cái tình cái nghĩa của những người Sài Gòn xa lạ đã giúp tôi qua những ngày gian khó.
|
Bình luận (0)