Thiên đường ẩm thực là đây!

Bạn bè nhận xét tôi là đứa con gái có 'tâm hồn ăn uống dạt dào'. Không phải vì tham ăn, mà là do khi nào rảnh, tôi cũng rủ tụi nó đi 'kiếm cái gì đó ăn', nói theo cách tao nhã của mấy anh hướng dẫn viên du lịch là 'khám phá ẩm thực '.

Đi du lịch đến địa phương nào tôi cũng tìm mọi cách “khám phá ẩm thực” ở nơi đó, từ món cơm lam miền Tây Bắc, cháo lươn Nghệ An, thịt heo 2 đầu da Quảng Nam - Đà Nẵng, nem nướng Nha Trang, lẩu mắm Cần Thơ... Phải nói thật là món nào cũng ngon, cũng mê. Nhiều khi thèm xơi lại các món “đậm đà hương vị quê hương vùng miền” ấy mà hổng biết phải làm sao. Có nhỏ bạn biết chuyện, nó trợn mắt nhìn tôi rồi nói một câu chắc như đinh đóng cột: “Chời ơi, ở Sài Gòn này món gì mà chẳng có!”.
Không những món gì cũng có, TP.HCM còn là nơi rất “thoáng” về giá cả. Ví dụ như tô hủ tiếu Nam Vang chẳng hạn, “chơi sang” thì đến đường Võ Văn Tần, giá từ 80.000 - 100.000 đồng/tô, bình dân thì có tiệm 30.000 đồng/tô trên đường Cao Thắng, thậm chí “nghèo” quá xin mời đến vỉa hè đường Vườn Chuối, giá chỉ 15.000 đồng/tô. Tất cả đều nằm trên địa bàn Q.3. Không chỉ Q.3, hầu như ở thành phố này quận nào cũng có nhiều mức giá đáp ứng cho nhiều đối tượng. Một trong những món tôi thích nhất là bánh mì Sài Gòn, có nơi “sang chảnh” xếp hàng dài dằng dặc bán 50.000 đồng/ổ, cũng có nơi chỉ 10.000 đồng/ổ, thậm chí trong túi chỉ còn 5.000 đồng bạn vẫn có thể ấm lòng. Tôi thích Sài Gòn ở chỗ “kiểu gì cũng có ăn” và muốn ăn cái gì cũng có (dĩ nhiên “tiền nào của nấy”).
Sài Gòn còn là nơi hội tụ đầy đủ ẩm thực Tây - Tàu. Nhà hàng Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Hoa... hiện diện khắp nơi, thậm chí “bí ẩn” như Triều Tiên cũng có luôn! Về thức uống thì khỏi phải nói, các nhãn hàng danh tiếng trên thế giới hình như hội tụ hết về đây, mua loại gì, số lượng bao nhiêu cũng có. Có lần dự tiệc sinh nhật bạn bè tại quận 10, rượu vang Bordeaux của Pháp mà nhà hàng chỉ tính có 200.000 đồng/chai, giá rẻ bất ngờ.
Sống nhiều năm ở thành phố này, lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm, nó giúp tôi “sáng mắt ra” như lời nhỏ bạn nói và đi đến kết luận: Đúng là Sài Gòn không thiếu thứ gì. Đơn cử như món bánh tằm cà ri cay Cà Mau, tưởng đâu chỉ “thường trú” ở vùng Đất Mũi, ai dè nó cũng đã “góp mặt” ở Sài Gòn. Khó hình dung nhất phải kể đến món thắng cố của đồng bào dân tộc H’Mông vùng cao phía bắc, nấu bằng nội tạng con ngựa, vậy mà cũng xuất hiện trên bản đồ ẩm thực Sài Gòn. Đa vùng miền, đa phương ngữ, đa phong cách, đa sắc màu... là những gì tôi đã, đang và sẽ còn chứng kiến ở TP.HCM. Tất cả các món ngon vật lạ, nhất là trái cây loại 1 đều dồn về đây. Phải công nhận làm người TP.HCM sướng thiệt.
Vấn đề đặt ra là, các món ăn bản địa vùng miền khi hội tụ về TP.HCM có ngon như “bản gốc”? Câu trả lời là NGON. Tại sao phải ngon? Bởi vì thành phố này đông dân nhất nước đồng thời là thương trường cạnh tranh khốc liệt, cộng thêm yếu tố người Sài Gòn khá sành ẩm thực. Do vậy, nếu bạn nấu ăn dở thì có nguy cơ... dẹp tiệm. Còn nấu ngon thì cho dù cái tiệm ấy có nằm trong hóc hẻm người ta cũng ráng tìm đến ăn. Tính khắc nghiệt của ẩm thực Sài Gòn là vậy.
Tôi thích Sài Gòn bởi vì đi đến đâu cũng có quán ăn, mở cửa thâu đêm suốt sáng, buôn bán vượt trội về số giờ kinh doanh so với những thành phố du lịch khác trên cả nước. “Đi ăn khuya” hình như là khái niệm chỉ tồn tại ở TP.HCM, ngay cả những địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ... cũng không thể sánh bằng. Tuy sinh ra, lớn lên tại TP.HCM và có “tâm hồn ăn uống dạt dào” nhưng nói thiệt, đến giờ tôi vẫn chưa có dịp thưởng thức món bún quậy ở đảo Phú Quốc vì chưa có dịp ra đó. Con nhỏ bạn thân nhìn tôi rồi nở nụ cười “thấy ghét”: “Khỏi cần ra đảo. Mày đi với tao, món đó ở Sài Gòn có luôn, do chính người Phú Quốc mở tiệm”.
Nghe chưa bà con, “thiên đường ẩm thực” chính là đây!
Thiên đường ẩm thực là đây!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.