Chiếm vị trí trong hội chữ xuân
Nhà thư pháp Hoàng Đình Trường có khả năng viết cả thư pháp quốc ngữ lẫn thư pháp Hán Nôm mà nhiều người vẫn quen miệng gọi là chữ Nho. Năm nay, ông Trường viết thư pháp ở hai điểm: Văn Miếu Quốc Tử Giám và đền Hai Bà Trưng (Hà Nội). Cả hai điểm này đều tuyển chọn ông đồ để bảo đảm chất lượng. “Tôi đi viết thì khách yêu cầu quốc ngữ chiếm 80%, Hán Nôm 20%”, ông Trường nói.
Ông Trường cho biết những năm trước, người xin chữ thường xin chữ An vì thích bình yên. Tuy nhiên, vài năm gần đây, họ xin nhiều chữ khác nhau tùy theo sở thích. “Mọi người thích chữ quốc ngữ hơn vì dễ đọc hơn, dễ hiểu hơn. Mục đích của người xin là về đọc được. Trong khi đó, chữ Hán Nôm sau khi về hay bị quên do không đọc được. Tôi nghĩ xin chữ nào cũng được, vì giữ văn hóa xin chữ mới là điều quan trọng. Để giáo dục thế hệ trẻ về thói quen tôn trọng việc học, tôn trọng chữ nghĩa”, ông nói.
Một người có thể viết cả thư pháp quốc ngữ lẫn Hán Nôm khác - TS Trần Hậu Yên Thế (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) cũng cho rằng thư pháp quốc ngữ ngày càng chiếm vị trí trong các hội chữ xuân. Chọn thư pháp quốc ngữ, người dân dễ hiểu. Trong khi đó, nhà thư pháp quốc ngữ Kiều Quốc Khánh cũng cho rằng người viết quốc ngữ học hỏi được các kỹ thuật viết nét từ những cách thức viết thư pháp Hán Nôm để làm giàu cho lối viết quốc ngữ. Trên thực tế, ở điểm viết chữ nổi tiếng nhất Hà Nội - Văn Miếu Quốc Tử Giám - ban tổ chức đã sát hạch để tuyển cả ông đồ chữ Nho và ông đồ chữ quốc ngữ.
TS Phạm Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho biết có nhiều không gian thư pháp khác nhau. Tuy nhiên, tại Văn Miếu người dân vẫn xin chữ Hán Nôm nhiều hơn. “Người ta mặc định Văn Miếu Quốc Tử Giám là không gian Nho giáo và văn hóa truyền thống có lịch sử hàng nghìn năm. Vì thế, họ mặc định trong đấy là xin những chữ liên quan đến thi cử và truyền thống. Còn chữ quốc ngữ cũng có người xin tuy không nhiều bằng. Song đúng là có việc có người thấy người trước mình xin chữ quốc ngữ thì cũng xin theo cho dễ đọc”, ông Tuấn nói.
Mọi người thích chữ quốc ngữ hơn vì dễ đọc hơn, dễ hiểu hơn. Mục đích của người xin là về đọc được. Trong khi đó, chữ Hán Nôm sau khi về hay bị quên do không đọc được. Tôi nghĩ xin chữ nào cũng được, vì giữ văn hóa xin chữ mới là điều quan trọngNhà thư pháp Hoàng Đình Trường |
Phát triển song hành
Ông Tuấn cho biết thêm là một nhà thư pháp, trước tết ông có đi viết chữ ở một vài trường quốc tế, học trò lại thích chữ Nho. “Tôi mong là sẽ có những lớp học Hán Nôm cho người trẻ, điều đó sẽ khiến các em thấy chữ Hán Nôm trở nên gần gũi”, ông Tuấn nói.
Về thư pháp quốc ngữ, ông Tuấn đánh giá: “Hơn mười năm trở lại đây, việc viết chữ quốc ngữ đẹp bằng bút lông khá phát triển. Người ta gọi đó là thư pháp chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, để thành một hệ thống tiêu chuẩn như thư pháp Hán Nôm thì chữ quốc ngữ chưa đạt được như vậy. Trong khi đó, thư pháp Hán Nôm đã có những quy chuẩn từ rất lâu như bố cục, chương pháp… tạo độ sâu của ngữ nghĩa. Đó là những thứ thư pháp quốc ngữ với sự hiển ngôn của nó không thể có được”, ông nói.
Ông Tuấn cũng đánh giá, thư pháp quốc ngữ đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật thể hiện. “Ở phía bắc, có thể nói anh Kiều Quốc Khánh - đem hệ thống viết chữ đẹp từ trong Nam ra là người có công với quốc ngữ thư pháp. Thư pháp quốc ngữ trước đây không đa dạng như bây giờ. Là người có giao lưu với nhóm thư pháp Hán Nôm, anh Khánh có nhiều sáng tạo và ảnh hưởng sang các nhóm quốc ngữ”, ông Tuấn đánh giá.
Trong khi đó, TS Trần Hậu Yên Thế cũng đã có những sáng tạo thư pháp quốc ngữ mang nhiều yếu tố mỹ thuật. Tác phẩm thư pháp quốc ngữ kết hợp nghệ thuật đương đại hiện được trưng bày tại không gian nghệ thuật đương đại dưới hầm Nhà Quốc hội. Tác phẩm là tấm gương trên đó có ghi hàng chữ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Các chữ được viết theo hàng dọc. Chúng cũng có phom dáng như chữ Hán Nôm. “Lúc đầu tôi cũng định viết như chữ Hán Nôm trên bia. Tuy nhiên, sau đó tôi đã thay đổi để người xem dễ đọc, dễ hiểu hơn”, ông Yên Thế nói.
Nhà thư pháp, TS Phạm Văn Tuấn cũng cho rằng xu thế nhiều người thích xin, thích viết thư pháp quốc ngữ là dễ hiểu. Mặc dù vậy, hai dòng thư pháp quốc ngữ và Hán Nôm không hề loại trừ nhau. “Tôi cho rằng chúng sẽ song song phát triển”, ông nhận định.
Bình luận (0)