Nhiều người nổi tiếng (gồm nghệ sĩ, doanh nhân hay những người có tên tuổi trong các lĩnh vực) đã hành xử thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm khi phát ngôn ngông cuồng trên mạng xã hội, bất chấp hậu quả.
Đầy rẫy phát ngôn lệch chuẩn gây hệ lụy tiêu cực
Với sự tiếp sức của mạng xã hội, hiện có nhiều nhân vật bỗng chốc trở nên “đình đám” chỉ qua vài scandal tình cảm, livestream khoe của, “bóc phốt” người khác… Rầm rộ hơn cả là việc nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng “lò vôi” - chủ khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương) liên tục livestream trên mạng xã hội để “bóc phốt”, tố cáo nhiều người trong giới nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện gây xôn xao, với lượng người theo dõi trực tiếp lẫn khi phát lại rất lớn.
Nữ doanh nhân này tố một loạt nghệ sĩ như Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Đại Nghĩa… kêu gọi góp tiền từ thiện vào tài khoản cá nhân nhưng chi ra không minh bạch và thách thức, treo giải thưởng để các nghệ sĩ công bố sao kê. Điều đáng nói là những lời tố cáo, buộc tội của bà Phương Hằng lại thiếu chứng cứ (do chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền), thậm chí bà còn dùng những lời lẽ khó nghe để mạt sát người mà bà nhắc đến.
Trước đó hồi tháng 4.2021, bà Phương Hằng từng bị Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng liên quan đến thông tin làm tổn hại uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Tuy bà Phương Hằng đã thừa nhận có những thiếu sót trong phát ngôn, cam kết sẽ rút kinh nghiệm (trong văn bản giải trình với Sở TT-TT TP.HCM), không dùng từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác, nhưng hơn 4 tháng qua, bà Phương Hằng vẫn tiếp tục livestream đả kích người khác tạo thành “trào lưu” bới móc trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng những sự việc như vậy đang gây ra những hệ lụy tiêu cực không chỉ trên môi trường mạng mà còn làm rối ren, hỗn loạn xã hội, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay.
|
Dễ thấy số lượng phát ngôn phản cảm, gây sốc của người nổi tiếng hiện muôn màu muôn vẻ. MC Trác Thúy Miêu từng đăng nội dung có dấu hiệu kích động, gây mâu thuẫn, hoang mang trong nhân dân về việc đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên y tế từ Hải Dương đến TP.HCM hỗ trợ chống dịch và cô đã bị Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng hồi tháng 7 vừa qua.
Trước đó vào tháng 3, YouTuber Thơ Nguyễn bị Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan khi làm video “xin vía” từ búp bê vô cùng nhảm nhí, độc hại khiến dư luận bức xúc. Còn NSƯT Đức Hải phát ngôn và đăng clip phản cảm trên mạng xã hội đến mức bị miễn nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn hồi tháng 6... Chưa kể còn những trận “đấu khẩu” qua Facebook với nội dung rất thiếu văn hóa của nhiều người nổi tiếng khác.
Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Những người nổi tiếng và nghệ sĩ vốn dĩ có sức ảnh hưởng nhất định đến đám đông, xã hội nên càng không thể mượn danh tiếng để thực hiện mục đích cá nhân và có những phát ngôn tùy tiện, ảnh hưởng đến văn hóa, trật tự an toàn xã hội. Vì thế khi phát ngôn, họ buộc phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Nhiều người nổi tiếng hiện đang bị ngộ nhận vượt giới hạn khi dùng mạng xã hội để tấn công bất kỳ người nào mình không ưa, “đánh sập” hình ảnh, sự nghiệp của cá nhân khác.
|
Luật sư Tường Vy (TP.HCM) nêu ý kiến: “Mạng xã hội tuy là môi trường ảo nhưng cũng có những quy định pháp lý cụ thể và mỗi công dân có nghĩa vụ tuân thủ. Quyền tự do ngôn luận cũng bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Bất kỳ ai cũng phải hiểu rằng việc tố cáo cái sai của người khác phải có bằng chứng; nếu không có bằng chứng thì phạm tội vu khống, làm nhục người khác”.
Có thể thấy việc phát ngôn phản cảm, livestream với lời lẽ thô tục hay quảng cáo sản phẩm kém chất lượng… trên mạng xã hội là chuỗi sự việc phản ánh lỗ hổng trong nhận thức của nhiều người nổi tiếng hiện nay. Và có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường chấn chỉnh tình trạng này.
Đã đến lúc cần xử lý nghiêm
Nhiều người có tên tuổi hiện nay dùng mạng xã hội nhưng quên cân nhắc tính tương tác, nhất là hậu quả của nó đối với người khác, xã hội và thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ như dùng mạng xã hội livestream để xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhau; lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, đưa thông tin sai sự thật, trả đũa hay bêu xấu bằng khẩu chiến...
Việc này đang có biểu hiện đi quá đà, ảnh hưởng đến nhân cách, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân. Những sai phạm, việc làm không chuẩn mực này đã đến lúc cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam)
|
Bình luận (0)