Vĩnh biệt vị giáo sư bác học

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/11/2019 06:06 GMT+7

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: “GS- Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn là một nhà bác học.

Thế giới thừa nhận như vậy, Việt Nam cũng thừa nhận như thế. Có thể nói, thầy Tấn là nhà bác học ở hai tầm, tầm uyên bác là rất rộng và uyên thâm nghĩa là rất sâu”.

Những cuốn giáo khoa thư về văn hóa lịch sử

Lễ viếng GS-NGND Hà Văn Tấn được cử hành từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 ngày 2.12 (tức ngày 7.11 năm Kỷ Hợi), tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; hóa thân cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Lễ an táng lúc 5 giờ ngày 5.12 tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, xã Dân Hòa, H.Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Đồng loạt trong tối 27.11, nhiều học trò của GS - Nhà giáo nhân dân (NGND) Hà Văn Tấn thông tin về việc người thầy kính yêu của mình đã ra đi. Họ cũng chia sẻ nhiều kỷ niệm ấm áp về ông, trong đó có những cuốn sách đã khai sáng cho họ về nhận thức văn hóa, lịch sử, triết học. Đặc biệt, những cuốn sách ấy khiến họ yêu văn hóa hơn, tự hào vì là người Việt hơn. “Trong số các công trình nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn, tôi đặc biệt yêu thích Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII (viết chung với PGS Phạm Thị Tâm). Lần đầu tiên tôi được đọc cuốn này khi đang là học sinh cấp III (1978 - 1981). Một cuốn sách hút hồn người đọc từ trang đầu đến trang cuối. Và đọc xong, thấy tự hào vì mình là người Việt”, TS Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ.

GS-NGND Hà Văn Tấn (trái) và GS-NGND Trần Quốc Vượng

Ảnh: Nguyễn Hữu Thiết

Cuốn sách mà ông Sơn nói đến cũng là cuốn sách được nhắc tới trong số những công trình tiêu biểu của GS-NGND Hà Văn Tấn. PGS-TS Tống Trung Tín cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu những triều đại lịch sử thì cụ quan tâm đến thời Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ. Do đó, cụ đã nghiên cứu nhiều văn bia di tích và dùng chúng để tìm hiểu 3 chiến thắng Nguyên Mông của dân tộc. Cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII là cuốn sách cuối cùng Bác Hồ xem trước khi mất. Hiện cuốn sách này của GS Tấn được trưng bày ở nhà sàn Bác Hồ”.
TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) cho biết trong những cuốn sách của GS-NGND Hà Văn Tấn, các vấn đề rất phức tạp đã được ông diễn đạt, thể hiện bằng một văn phong vừa rất khúc triết, khoa học nhưng lại vừa giản dị, dễ hiểu. Ông Kiên cũng chính là người được thầy Tấn lựa chọn để viết lời giới thiệu cho cuốn sách Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam của mình. Sau này, khi tái bản năm 2019, sách được đặt tên đúng như GS Tấn mong muốn - Cửa sổ lịch sử văn hóa Việt Nam. Cuốn sách này, theo ông Kiên, là “một cuốn giáo khoa thư với đầy đủ ý nghĩa của từ này”.

“Người khổng lồ” trong khoa học

Giáo sư Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp đại học ngành lịch sử tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 1957 với vị trí thứ 2 và được giữ lại trường làm cán bộ bộ môn lịch sử cổ đại Việt Nam.
Ông được công nhận chức danh giáo sư năm 1980, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1997. Ông là chủ nhiệm bộ môn phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982 - 2009), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) giai đoạn 1988 - 2008.
Các công trình của GD-NGND Hà Văn Tấn gồm: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập 1; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Thuật ngữ sử học, dân tộc học khảo cổ học Nga - Việt; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Chùa Việt Nam; Tư tưởng thời kỳ tiền sử và sơ sử; Lịch sử tư tưởng Việt Nam; Triết học Ấn Độ cổ đại; Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam ...
 
TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng đóng góp của GS-NGND Hà Văn Tấn với nghiên cứu khảo cổ học ở Việt Nam quá to lớn. “Không có GS Hà Văn Tấn, không có khảo cổ học Việt Nam. Không có GS Trần Quốc Vượng, cũng không có khảo cổ học Việt Nam”.
TS Mai Thanh Sơn cho rằng GS-NGND Hà Văn Tấn là “Người khổng lồ trong khoa học”. “Thật khó có thể đánh giá được hết những đóng góp của ông đối với sự nghiệp nghiên cứu lịch sử học, khảo cổ học, văn hóa học, Phật giáo học. Bên cạnh sự thông tuệ, minh triết, ông còn là một nhà sư phạm mẫu mực, nghiêm khắc. GS Hà Văn Tấn là nhà khoa học có bút lực dồi dào và sức làm việc phi thường. Ngay cả khi bị tai biến, phải ngồi xe lăn, với sự giúp đỡ của người thân và các môn đệ, ông vẫn viết. Các công trình nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn vừa rộng, vừa sâu, và luôn được trình bày bằng một văn phong lịch lãm nhưng chặt chẽ, logic”, ông Sơn chia sẻ.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, trong cuộc đời nghiên cứu của mình, GS-NGND Hà Văn Tấn chuyên tâm đến hai vấn đề lớn. Đó là khảo cổ học Việt Nam và lịch sử thời kỳ cổ trung đại Việt Nam. Và điều quan trọng, theo ông Tín: “Những bài viết của thầy Tấn vừa có thực tế, lại cũng có luận điểm luận cứ chứng minh rất rõ ràng. Hầu như những vấn đề trình bày của cụ nói chung đều mới. GS Tấn đã trình bày vấn đề gì là mới vấn đề đó. Cho nên hễ cứ có bài ghi tên GS Hà Văn Tấn thì nhà khoa học đều tìm đọc ngay”.
Khi còn sống, GS-NGND Phan Huy Lê cũng chia sẻ về tố chất nghiên cứu nổi trội của GS-NGND Hà Văn Tấn ngay từ nghiên cứu đầu tiên. Đó là việc hiệu đính, chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi do cụ Phan Duy Tiếp dịch, xuất bản năm 1960, khi GS Tấn mới 23 tuổi. “Tôi còn nhớ, trong buổi họp bộ môn, khi nhận xét về công trình này, Giáo sư Đào Duy Anh đã nói đại ý: “Rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả”, sinh thời GS-NGND Phan Huy Lê từng chia sẻ và cho biết GS Hà Văn Tấn có một trí nhớ trời cho, đọc qua là nhớ. Là người trẻ nhất trong bộ tứ huyền thoại - “Tứ trụ của sử học Việt Nam Lâm - Lê - Tấn - Vượng”, GS-NGND Hà Văn Tấn là người mất sau cùng, thọ 83 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.