Vụ tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng chưa hết khuất tất

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/01/2021 06:27 GMT+7

Văn bản từ Hà Giang báo cáo về cho thấy Bộ VH-TT-DL chưa được hỏi ý kiến về phương án sửa tòa nhà Panorama .

Bộ VH-TT-DL cho biết vừa nhận được văn bản về việc kiểm tra thực tế công trình cải tạo tòa nhà Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, H.Mèo Vạc, Hà Giang. Đây là Văn bản số 1015 do Sở Xây dựng Hà Giang soạn thảo, gửi UBND tỉnh vào ngày 30.12.2020.
Theo Văn bản 1015, cao độ của đỉnh mái cao nhất đã hoàn thiện vượt đến 1,75 m so với cao độ đỉnh mái của phương án kiến trúc là 6,2 m. Cao độ đỉnh mái thứ hai đã hoàn thiện cũng vượt 1,85 m so với trong phương án (5 m).
Bên cạnh đó, còn nhiều phần chưa được thực hiện khi cải tạo Panorama như chưa phá dỡ phần sàn thép theo phương án kiến trúc. “Hiện tại, các nội dung phải tháo dỡ chưa được thực hiện”, văn bản nêu rõ. Cũng trong văn bản, Sở Xây dựng Hà Giang cho biết: “Nếu chủ đầu tư hoàn thành việc tháo dỡ các khung thép theo đúng phương án kiến trúc, tổng diện tích sàn sẽ giảm đi 131,2 m2 so với diện tích ban đầu”. Cơ quan này đánh giá: “Qua kiểm tra cho thấy công tác cải tạo công trình của chủ đầu tư không tuân thủ đúng theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt”.
Từ đó, Sở Xây dựng Hà Giang đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất, UBND H.Mèo Vạc yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh cho đến khi hoàn tất cải tạo công trình. Thứ hai, đề nghị UBND huyện yêu cầu chủ đầu tư sửa lại thiết kế theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt. Thứ ba, sau khi có kết quả thẩm định hồ sơ công trình của cơ quan có thẩm quyền, đề nghị UBND H.Mèo Vạc tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình cải tạo, không để chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế và không tuân thủ đúng theo thiết kế đã thẩm định.
Từ Văn bản 1015 cho thấy có một phương án được Sở Xây dựng Hà Giang lấy làm chuẩn và gọi là “phương án kiến trúc đã được phê duyệt” nhưng công trình cải tạo hiện nay của chủ đầu tư tòa nhà Panorama sai lệch hoàn toàn so với phương án đã được phê duyệt này. Tuy nhiên, bản thân cái gọi là “phương án kiến trúc đã được phê duyệt” cũng còn vấn đề về mặt pháp lý. Hồ sơ phương án kiến trúc được gửi kèm Văn bản 1015 cho Bộ VH-TT-DL là “hồ sơ phương án kiến trúc cải tạo” (ghi tháng 4.2020). Hồ sơ này được đưa ra sau buổi họp hồi tháng 3.2020 do UBND tỉnh Hà Giang chủ trì để xin ý kiến các chuyên gia, các cơ quan quản lý góp ý cụ thể.
PGS-TS Khuất Tân Hưng (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) đánh giá: “Đây là hồ sơ phương án, không phải hồ sơ xin phép xây dựng hoặc hồ sơ kỹ thuật kèm theo dự án đầu tư được phê duyệt nên không có giá trị pháp lý”. Theo ông Hưng, trình tự cần thiết là: hồ sơ phương án được xin ý kiến đầy đủ, sau đó chủ đầu tư thuê tư vấn hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, bản vẽ thi công để cơ quan quản lý thẩm định, phê duyệt. Chỉ khi bản vẽ thi công được phê duyệt, lúc đó mới đủ điều kiện xin phép sửa chữa, cải tạo. “Hồ sơ phương án chỉ có giá trị tham khảo. Nó phải thành hồ sơ kỹ thuật được phê duyệt thì mới có giá trị pháp lý”, ông Hưng cho biết. Chính vì thế, ông còn cho rằng: “Như vậy, có chuyện người ta cứ nói xưng xưng là có kiến trúc sư thiết kế nhưng hóa ra công trình này chưa có bản thiết kế thi công được phê duyệt”.
Trong khi đó, đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết Bộ chưa được hỏi ý kiến về hồ sơ phương án kiến trúc cải tạo tòa nhà Panorama trước khi nhận văn bản từ Hà Giang. Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: “Bộ VH-TT-DL chưa được hỏi ý kiến về hồ sơ phương án kiến trúc. Đáng chú ý, theo điều 36 luật Di sản, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thaodu lịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.