Vẫn nhức nhối nạn khủng bố người thân con nợ

Trác Rin
Trác Rin
30/05/2021 06:43 GMT+7

Vấn nạn tín dụng đen , đòi nợ kiểu giang hồ có phần tạm lắng sau khi Công an TP.HCM nỗ lực rà soát, truy quét, xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế vấn nạn này vẫn còn nhức nhối, gây bất an cho nhiều gia đình.

Gần đây, nhiều bạn đọc đến Báo Thanh Niên tố cáo về việc họ bị băng nhóm đòi nợ khủng bố, trong khi bản thân họ không vay mượn. Việc này cho thấy băng nhóm đòi nợ vẫn ngang nhiên hành xử kiểu giang hồ gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm, bất an cho người dân.

Vợ chồng già U80 suy sụp vì nửa năm trời bị tạt sơn, mắm tôm vào nhà

Lãi suất cắt cổ

Ngày 18.2, do cần tiền chi tiêu và nghe thông tin đầu tư tiền ảo có thể đẻ ra tiền trên mạng xã hội (MXH), H.A.V (21 tuổi, ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) liên hệ với nam thanh niên quen biết ngoài xã hội tên N.Đ.L (ngụ Q.Tân Phú) để vay tiền. L. cho V. vay 70 triệu đồng, góp đều đặn mỗi ngày 3 triệu đồng trong 30 ngày (tương đương lãi suất gần 29%/tháng). Nhưng L. chỉ chuyển 54 triệu đồng cho V. và giải thích, L. thu trước 3 ngày tiền góp (9 triệu đồng) và 7 triệu đồng là phí đi thu tiền góp nên chỉ chuyển với số tiền nói trên.
Trả tiền góp khoảng 17 ngày (51 triệu đồng), thì V. không có khả năng đóng tiếp. Vì vậy, tháng 3.2021, V. tiếp tục vay của L. 100 triệu đồng tiền “đứng” (chỉ trả lãi hằng ngày chứ không gồm tiền gốc - PV). Mỗi ngày đóng lãi 1,5 triệu đồng (tức lãi 45%/tháng). Đóng tiền “đứng” khoảng 15 ngày, thì V. lại hết khả năng chi trả, nên vay thêm 2 lần tiền “đứng”, mỗi lần 100 triệu đồng (nhưng thực chất mỗi lần chỉ nhận 75 triệu đồng).
Sau một thời gian trả nợ cầm cự và việc đầu tư vào tiền ảo mất trắng, V. tiếp tục vay nhiều lần của L., tổng các khoản vay, tiền thực nhận khoảng 600 triệu đồng thì mất khả năng trả nợ, nên nhờ gia đình trả giúp.

Công an đến làm việc khi nhận tin báo có quan tài đặt trước nhà bà T.N.L

ẢNH: NNCC

Con mắc nợ, cha bị khủng bố

Lo sợ con trai bị hành xử theo kiểu giang hồ nếu không trả nợ, ông H.L.P (50 tuổi, cha của V.) gom góp, chạy vạy khắp nơi để kiếm tiền trả nợ thay con. “Gia đình tôi đã trả cho L. nhiều đợt, tổng cộng khoảng 850 triệu đồng (lúc trả nợ có viết giấy tay ghi nhận việc giao nhận tiền - PV). Vì lo sợ con trai bị L. hành hung nên tôi phải xoay xở đủ kiểu, thậm chí thế chấp căn nhà để trả nợ cho con. Nào ngờ món nợ này trả hoài không dứt, ngày 26.4, L. nhiều lần gọi điện thoại cho tôi, nói V. vẫn còn nợ 500 triệu đồng. Nếu gia đình ông không trả sẽ bị xử lý theo luật giang hồ”, ông P. bức xúc.
Ông P. cho biết, vì lo sợ bị trả thù nên cả gia đình ông phải chuyển ra ở trọ. Tuy nhiên, liên tiếp nhiều ngày cuối tháng 5, công ty nơi ông làm việc (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn) liên tục có nhóm thanh niên lạ mặt túc trực. Nghi ngờ nhóm này liên quan đến người đòi nợ, nên ông P. tạm nghỉ việc nhiều ngày. “Khoảng 8 giờ 30 ngày 24.5, nhóm người lạ mặt còn quăng cả tờ rơi, kèm hình ảnh, nội dung con tôi “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vào công ty, nhằm gây áp lực buộc tôi trả tiếp khoản tiền phi lý này”, ông P. nói rồi cho biết, ông đã đến Công an P.Tân Thới Hiệp (Q.12) để trình báo sự việc.

Nhóm người cho vay nặng lãi phát tờ rơi trước công ty mà ông H.L.P (50 tuổi) đang làm việc

Em nợ, nhà chị bị đặt quan tài

Ngoài đơn cầu cứu của gia đình ông H.L.P gửi đến Báo Thanh Niên, bà T.N.L (45 tuổi, ngụ đường Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình) cũng đến tòa soạn cầu cứu với vẻ mặt thất thần. Bà L. cho biết, em gái bà tên T.T.N.L (34 tuổi, ngụ cùng nhà) vay mượn ngoài xã hội một khoản tiền (chưa rõ bao nhiêu), hiện đã bỏ nhà đi từ ngày 27.4. Ngày 28.4, có cặp vợ chồng trẻ tìm đến nhà bà, nói T.T.N.L nợ họ 250 triệu đồng và ngỏ ý muốn bà phải bán nhà cho họ, lấy tiền trả nợ cho em gái.

Tín dụng đen qua app vẫn lộng hành

Những ngày qua, Báo Thanh Niên cũng tiếp nhận nhiều bạn đọc đến cầu cứu, vì họ và cả gia đình bị nhân viên của các app vay tiền khủng bố tinh thần. Có người lo sợ quá phải nghỉ việc. Anh T.P.V.C (30 tuổi, quê Bình Dương) cho biết, sau khi vướng vào ma trận của các app vay tiền, hiện anh thiếu hàng trăm triệu đồng với hàng chục app như: Vaygap, Ví vui vẻ, Webvay, Vaytot, Bear Credit… “Thật sự tôi không biết chiêu trò của các app nên mới vướng vào. Giờ không biết cách nào để dứt ra vì lãi mẹ đẻ lãi con”, anh C. nói. Trước đó, cả gia đình gồm 3 người ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) đến tòa soạn phản ánh việc bị nhân viên app vay tiền “khủng bố” cả gia đình họ, liên quan đến 1 người thân trong nhà vay tiền.
Khoảng 21 giờ 30 ngày 1.5, 2 nam thanh niên đi xe máy chở theo cỗ quan tài đặt trước cửa nhà bà T.N.L. Sau đó, cơ quan công an đến ghi nhận vụ việc. Liên tiếp những ngày sau, nhiều người đến nhà hỏi về T.T.N.L, rồi ngang nhiên khóa trái cửa nhà bà T.N.L.
“Khoảng 5 giờ 30 ngày 10.5, 2 nam thanh niên chạy xe máy BS 47B1-478xx vô khóa trái cửa nhà tôi, rồi đổ keo dán sắt vào ổ khóa. Hiện gia đình tôi rất hoang mang lo sợ. Vì trong nhà có nhiều trẻ con nên tôi đã dọn ra ngoài thuê trọ.
Rất mong quý báo vào cuộc và cơ quan công an xử lý, vì ai nợ người nấy trả chứ không thể hành xử theo kiểu giang hồ như vậy được”, bà T.N.L bức xúc.
Bà T.N.L cho biết thêm, ngày 22.5, bà đến Công an Q.Tân Bình để trình báo sự việc. Cán bộ công an tiếp bà cho biết đơn vị đã nắm được vụ việc, hiện đang vào cuộc làm rõ nhóm người có hành vi đòi nợ kiểu khủng bố nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.