Vàng tăng mạnh nhưng khó 'hút' tiền

09/03/2022 06:41 GMT+7

Tăng 4 - 5 triệu đồng/lượng/ngày rồi rớt một lèo gần 1,5 triệu/lượng trong phiên hôm qua 8.3, biên độ tăng - giảm quá lớn của vàng SJC kích thích dòng tiền trên thị trường nhưng cũng tạo ra những rủi ro cực lớn.

Người đầu tư vàng lợi lớn

Hôm qua 8.3, vàng miếng SJC chốt cuối ngày bán ra là 72 triệu đồng/lượng và mua vào 70,2 triệu đồng/lượng, giảm 1,35 triệu đồng sau một đêm. Ngược lại vàng thế giới tăng nhẹ và dao động trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Diễn biến lạ của thị trường vàng trong nước khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) nhấp nhổm. Các công ty vàng đã mạnh tay rút giá khi NĐT đổ xô đi bán sau phiên tăng kỷ lục trước đó. Thế nhưng nhìn chung, những người bỏ tiền vào vàng đều đang có lời.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, những người mua vàng giá cao vào tháng 8.2020 với mức 61 - 62 triệu đồng/lượng, đến nay đã lời 11 triệu đồng/lượng, tương ứng 17,7%. Một số người mua vàng ở mức giá 67 - 68 triệu đồng mới đây cũng lời vài triệu đồng mỗi lượng. Nhưng điểm lạ là người mua vẫn nhiều hơn người bán. Bởi họ có niềm tin rằng vàng sẽ còn tiếp tục tăng. Không những trong nước mà cả thị trường thế giới cũng tương tự. Đó là giá USD tăng mạnh và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất nhưng vàng vẫn tăng. Lý do là các NĐT trên thế giới tìm đến vàng làm nơi trú ẩn trước những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine khiến chứng khoán “đỏ lửa”.

Giá vàng trong nước ngày 8.3 biến động ngược chiều với thế giới

Khả Hòa

Ngoài những tác động từ thị trường quốc tế, giá vàng trong nước còn tăng thêm bởi những yếu tố nội tại. Kim loại quý cả năm 2021 tăng 7 - 8% nhưng chỉ hơn 2 tháng đầu năm nay đã tăng 11 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 13 - 14%. Vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới khi nguồn cung vàng SJC không còn và đang cao hơn vàng thế giới ở mức kỷ lục. Đó chính là rủi ro lớn nhất mà các NĐT vàng trong nước phải cẩn trọng. Ông Trần Thanh Hải dự báo: “Sau khi tăng cao, chắc chắn vàng sẽ điều chỉnh. Thế nhưng giá vàng thế giới hiện nay tăng chậm hơn năm 2020 nên sẽ điều chỉnh giảm chậm hơn”.

Lý giải việc giá vàng cao nhưng nhiều người vẫn không bán, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng truyền thống của người dân VN đa số là mua vàng tích trữ chứ không phải đầu tư lướt sóng như chứng khoán. Theo nguyên tắc đầu tư thì hiện nay vàng trong nước đã lên giá cao lịch sử nên ít người sẽ mua vào vì sợ “đu đỉnh”, nhất là biến động trong nước đôi khi đi ngược thế giới. Vì vậy rủi ro vàng có thể quay đầu đi xuống nhanh chóng khi căng thẳng Nga và Ukraine hạ nhiệt là rất cao nên sẽ không thu hút được quá đông người tham gia rót tiền vào vàng.

Tiền vẫn chờ cổ phiếu

Việc nhiều người lời lớn từ vàng như một mồi nhử dòng vốn trên thị trường đổ vào kênh này. Thế nhưng theo các chuyên gia, rất khó xảy ra điều này. Minh chứng là thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn rất cao. Chốt phiên ngày 8.3, TTCK tiếp tục đi xuống với VN-Index giảm 25,34 điểm, tương ứng giảm 1,69% xuống 1.473,71 điểm; HNX-Index mất 6,98 điểm, tương ứng giảm 1,54% xuống 445,89 điểm. Hàng loạt cổ phiếu (CP) bị bán mạnh, từ những CP hàng hóa như phân bón, dầu khí, sắt thép đến nhóm ngân hàng, chứng khoán… Đặc biệt các NĐT nước ngoài bán ròng với trị giá cao hơn 1.500 tỉ đồng đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của NĐT trong nước.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ đầu năm đến nay chỉ nhích nhẹ từ 0,1 - 0,3%/năm so với đầu năm. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm chung kỳ hạn 1 tháng của các nhà băng vẫn duy trì từ 2,5 - 4%/năm; 6 tháng từ 4 - 6,25%/năm; 12 tháng từ 5,7 - 6,5%/năm… Lượng tiền gửi số liệu cá nhân tính đến cuối tháng 12.2021 ở mức 5,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2020. Đây là năm có mức tăng trưởng chậm trong vài năm trở lại đây.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, chỉ số P/E (giá/thu nhập CP) chung của TTCK hiện vẫn trên 17 lần, không thể gọi là rẻ nên việc điều chỉnh cũng là chuyện bình thường. Theo tâm lý chung, xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá xăng dầu, các loại hàng hóa cơ bản gia tăng sẽ đẩy nguy cơ lạm phát tăng cao cũng như việc tăng lãi suất của Mỹ được xem là “kẻ thù” của chứng khoán. Đặc biệt lạm phát cao thì rất nhiều NĐT đều có chung suy nghĩ là phải chuyển tiền sang những loại hàng hóa mang tính an toàn hơn như vàng, bất động sản.

Tuy nhiên, theo quan sát và trao đổi của ông Tuấn với nhiều khách hàng thì số lượng rút tiền ra khỏi chứng khoán để chuyển sang mua vàng rất ít. Hầu hết khách vẫn để tiền trong tài khoản “chờ” gom mua các CP được đánh giá sẽ hưởng lợi trong tình hình biến động như hiện nay. Điều này cũng thể hiện thanh khoản của thị trường vẫn ở mức cao. Hơn nữa, thị trường vàng của VN biến động còn khó lường hơn thế giới. NĐT phải mua bằng tiền thật, không được sử dụng đòn bẩy tài chính như chứng khoán cũng là yếu tố hạn chế người tham gia. “Người mua vàng tích lũy khác với những NĐT đã tham gia TTCK. Vì vậy chưa thấy có dấu hiệu dòng tiền dịch chuyển từ CP sang vàng hay gửi tiết kiệm. Còn với người đã đầu tư bất động sản thì tôi nghĩ cũng khó dịch chuyển dòng vốn sang kênh khác”, ông Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Thuận nhận định những NĐT đã quen với kênh nào thì sẽ khó chuyển sang kênh khác. Biểu hiện cho thấy là khi nào CP giảm giá mạnh thì thanh khoản sẽ tăng lên 30.000 - 40.000 tỉ đồng/phiên, còn nếu đi ngang hay chỉ giảm nhẹ thì giao dịch chỉ hơn 20.000 tỉ đồng/phiên. Điều này chứng tỏ dòng tiền chực chờ trong tài khoản chứng khoán vẫn rất cao. Lý giải thêm điều này, TS Thuận phân tích lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn chưa tăng dù nguy cơ lạm phát đi lên khá cao nhưng có thể sẽ nhích dần từ quý 2/2022. Khi đó cũng phần nào sẽ thu hút thêm dòng tiền từ người dân nhưng không quá nhiều. Thậm chí một số thời điểm dòng tiền đầu tư ở các kênh như bất động sản cũng sẽ tạm trú ẩn vào ngân hàng nhưng sẽ không kéo dài lâu. Hiện thị trường bất động sản nhìn chung nhiều nơi vẫn đang duy trì giá cao nên cũng không phải là thời điểm mua khá tốt. Nhưng đối với NĐT có dòng tiền lớn thì vẫn lựa chọn những nơi có vị trí tốt, dự kiến sẽ tăng giá theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.