Tăng gần 1,5 triệu đồng/lượng
Phá mức 44 triệu đồng ngay khi mở cửa thị trường ngày 6.1, vàng miếng SJC liên tục tăng cao với mỗi bước nhảy vài trăm ngàn đồng mỗi lượng sau đó.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá 1,15 - 1,35 triệu đồng/lượng so với giá cuối tuần qua, giá mua lên 43,95 triệu đồng/lượng, bán ra 44,45 - 44,57 triệu đồng/lượng, mức giá bán cao nhất của đơn vị này trong ngày lên 44,65 - 44,67 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn 4 số 9 của Công ty SJC có mức cao nhất trong ngày lên 44,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, mua vào 44 - 44,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC liên tục nhảy múa trong ngày 6.1, khiến Eximbank thay đổi bảng giá 44 lần, mức giá bán cao nhất của đơn vị này là 44,65 triệu đồng/lượng vào khoảng 10 giờ 20, mua vào lên 44,15 triệu đồng/lượng.
Đến trưa vàng có xu hướng giảm và đóng cửa với giá mua 43,9 triệu đồng/lượng, bán ra 44,4 triệu đồng/lượng. Chỉ sau 1 tuần, kim loại quý này đã tăng thêm 1,86 triệu đồng/lượng so với giá cuối năm 2019, tương ứng tăng 4,36%.
Đại diện Công ty SJC cho biết mãi lực thị trường vàng trong ngày 6.1 khá sôi động, lực mua vàng trên thị trường tăng lên vào cuối giờ sáng nhưng sau đó giảm dần và xuất hiện lực bán vào chiều cùng ngày. Quan sát tại một số tiệm vàng quanh khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vào trưa 6.1, một số khách hàng mang vàng ra bán khi giá tăng lên đột biến.
Giá vàng trong nước đi lên liên tục theo đà tăng của thế giới. Cuối ngày 6.1, giá vàng thế giới ở mức 1.576 USD/ounce, tăng thêm 60 USD so với ngày cuối cùng của năm 2019, tương đương tăng gần 4%. Đây là mức giá cao nhất hơn 6 năm qua trên thị trường thế giới. Hãng tin Bloomberg nhận định giá vàng chạm ngưỡng đỉnh 6 năm do căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần hỗ trợ giá vàng là giới chuyên gia dự báo ít có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong vòng 6 tháng tới. Điều này có thể khiến đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu, tác động tích cực đến giá vàng.
Thận trọng khi “lướt sóng” vàng
Với mức chênh lệch giá mua và bán vàng SJC lên 500.000 đồng mỗi lượng như ngày 6.1, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cho rằng người mua vàng cũng nên cân nhắc. Vàng thường hay tăng giá mạnh mỗi khi xảy ra chiến tranh, mức tăng có thể lên đến 1.600 USD/ounce sớm hơn dự báo cách đây vài ngày của thị trường, lúc đó giá vàng trong nước sẽ tăng theo.
Nếu vài ngày nữa tình hình giữa Mỹ và Iran dịu đi thì khả năng vàng sẽ giảm lại bởi mức tăng vừa qua khá cao. Dù chiến tranh không xảy ra, nhưng vàng vẫn đang được một số yếu tố khác hỗ trợ như đàm phán Mỹ - Triều Tiên về hạt nhân, Anh rời khối Liên minh Châu Âu vào tháng tới, Hạ viện trình Thượng viện Mỹ luận tội Tổng thống Donald Trump...
TS Phan Dũng Khánh, giảng viên lĩnh vực đầu tư Trường Doanh nhân BizLight, nhận định giá vàng vẫn trong xu hướng tăng trong dài hạn 2020 - 2021. Nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy giá vàng đi lên là nhu cầu mua các loại tài sản an toàn đang tăng cao, bao gồm vàng, trái phiếu chính phủ...
Nhưng trong đó, chỉ có vàng là có khả năng sinh lời cao nhất. Thực tế, kim loại quý trong 10 năm qua cũng không tăng mà thậm chí đi xuống và mới tăng trở lại trong năm 2019. Trong khi đó, các loại tài sản khác như chứng khoán Mỹ đã tăng 30% trong năm 2019 và trước đó cũng tăng. Thậm chí, dù liên tục có biểu tình xảy ra ở Hồng Kông, thì năm vừa qua thị trường chứng khoán ở đặc khu này cũng đã tăng được 13%. Bất động sản đã tăng liên tục thời gian qua và 2019 vẫn đi lên... Vì vậy, dư địa tăng giá của vàng hiện nay rất lớn và căng thẳng tại Trung Đông chỉ là một yếu tố góp phần đẩy giá vàng đi lên.
Ngoài ra theo ông Khánh, động thái hạ lãi suất của nhiều ngân hàng T.Ư, thâm hụt nợ công của Mỹ và thế giới lên cao khiến nhà đầu tư càng thấy rủi ro gia tăng nên đổ tiền vào vàng. Một khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy lượng mua vàng từ các ngân hàng T.Ư và các quỹ đầu tư ETF trong năm 2019 lên rất cao. Cụ thể tính đến cuối tháng 11.2019, tài sản của các quỹ ETF chuyên đầu tư vào vàng đã tăng đến 35% trong năm 2019. Các quỹ này đã mua ròng thêm 385 tấn vàng, quy đổi là 18,6 tỉ USD, tương đương tăng 13,9% trong năm vừa qua.
Thậm chí, ngay cả các ngân hàng T.Ư cũng đang trở lại mua ròng kim loại quý này, nhằm đa dạng kho dự trữ ngoại hối trong bối cảnh các nền kinh tế đang thi nhau làm suy yếu đồng tiền của mình, cũng như trước tình trạng lợi suất âm ngày càng lan rộng. Khảo sát của WGC còn cho thấy các ngân hàng T.Ư chưa có ý định bán vàng ra trong vòng 5 năm tới.
Trong vòng 10 năm qua, giá USD đã tăng khoảng 30%. Vì vậy nếu tính theo tương quan với đồng USD thì giá vàng thế giới hiện nay đã vượt mức đỉnh trên 1.900 USD của năm 2011.Vàng trong nước về dài hạn vẫn phải luôn đi theo xu hướng của thế giới. Nhưng với việc tỷ giá USD tại VN đang ổn định thì trong năm 2020 cũng khó đạt lên mức hơn 49 triệu đồng/lượng như giữa năm 2019. (Ông Phan Dũng Khánh)
|
Bình luận (0)