Vàng, USD cùng tăng kịch trần

23/10/2024 05:52 GMT+7

Liên tiếp những ngày qua giá vàng trong nước lập kỷ lục mới và đồng USD cũng lên cao gần ngang với mức đỉnh vào giữa năm.

Tăng thẳng đứng, vàng nhẫn lập kỷ lục

Hôm qua, vàng miếng SJC tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng so với một ngày trước đó, đưa giá mua lên 87 triệu đồng/lượng, bán ra lên 89 triệu đồng/lượng. Tổng cộng trong tháng 10, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 5 triệu đồng. Còn nếu so với giá đầu tháng 6 kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bán vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC thì mức tăng thêm là 9 triệu đồng/lượng.

Đây là đợt tăng mạnh nhất của vàng miếng SJC kể từ tháng 6 đến nay và hiện cũng không còn cách xa với đỉnh kỷ lục lập được là 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10.5 - trước khi NHNN thực hiện giải pháp kiểm soát giao dịch sản phẩm này.

Vàng miếng SJC cán mốc 90 triệu đồng

Riêng vàng nhẫn 4 số 9 liên tục lập kỷ lục mới và đang ở mức đỉnh cao nhất lịch sử từ trước đến nay khi tiến gần sát 88 triệu đồng. Cuối ngày hôm qua được SJC mua vào 86 triệu đồng/lượng, bán ra 87,3 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với một ngày trước đó. Ở một số công ty kinh doanh vàng bạc đá quý khác, vàng nhẫn tăng vọt chỉ sau một ngày như Tập đoàn Doji mua vào với giá 86,6 triệu đồng, bán ra 87,6 triệu đồng, tăng 700.000 đồng; Phú Quý mua vào 86,8 triệu đồng, bán ra 87,8 triệu đồng, tăng 800.000 đồng… Tổng cộng từ đầu tháng 10 đến nay, vàng nhẫn 4 số 9 đã tăng 4,5 - 4,7 triệu đồng/lượng.

Vàng trong nước tăng dựng đứng theo đà đi lên của thế giới. Kim loại quý thế giới hôm qua giao dịch xoay quanh mức 2.734 USD/ounce, giảm nhẹ từ mức đỉnh trên 2.740 USD/ounce được thiết lập trong ngày 21.10. Quy đổi tương đương với tỷ giá Ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới đang ở mức khoảng 84 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện vàng miếng SJC cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn 4 số 9 cao hơn 4,7 triệu đồng.

Vàng, USD cùng tăng kịch trần- Ảnh 1.

Vàng nhẫn 4 số 9 lập đỉnh mới gần 89 triệu đồng/lượng

Ảnh: NHẬT THỊNH

Từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC đã tăng 15,5 triệu đồng/lượng, tương ứng 21% trong khi vàng nhẫn 4 số 9 cùng công ty này tăng 24,3 triệu đồng/lượng, tương ứng hơn 38%. Cả hai mức tăng này đều cao nhất trong thời gian 10 tháng kể từ trước đến nay.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định kim loại quý thế giới tăng cao và có thể còn trong xu hướng tăng khi hàng loạt thông tin khá tiêu cực trên thị trường thế giới. Trong đó, những xung đột từ châu Âu đến Trung Đông ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Mặc dù từ những tuyên bố, khẩu chiến của nhiều quốc gia đến thực tế cũng còn xa nhưng đối với thị trường tài chính thường phản ứng trước nên tâm lý lo ngại lan nhanh. Từ đó dẫn đến đợt sóng mạnh trên thị trường tài chính nói chung, nhất là vàng và USD. Đồng thời, càng gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ thì cũng sẽ có nhiều biến động hơn tác động đồng USD và cũng lan sang xu hướng kim loại quý.

Giá vàng trong nước cũng điều chỉnh tăng theo thế giới là tất yếu. NHNN vẫn đang kiểm soát chặt giao dịch vàng miếng và chưa biết đến khi nào thị trường mới quay trở lại dễ mua dễ bán như trước đây. Vì vậy, ông Hiển cho rằng những yếu tố làm tăng giá vàng đợt này bất cứ lúc nào cũng hạ nhiệt. Đợt tăng mạnh này cũng sẽ khó kéo dài nên người mua vào phải cẩn thận vì dễ bị thua lỗ.

Giá USD lên kịch trần

Không chỉ vàng, giá USD những ngày qua cũng liên tiếp tăng cao.

Hôm qua, các ngân hàng thương mại tăng giá USD thêm 22 đồng như Vietcombank mua vào lên 25.092 đồng, bán ra 25.452 đồng; ACB mua vào lên 25.150 - 25.180 đồng, bán ra 25.452 đồng… Giá bán USD của các ngân hàng tăng lên mức kịch trần cho phép. NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm thêm 12 đồng, lên 24.240 đồng/USD. Với biên độ tỷ giá +/-5%, giá USD lên mức kịch trần ở 25.452 đồng/USD.

Kể từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD có tốc độ tăng nhanh. Tỷ giá trung tâm lên 159 đồng/USD, tương ứng mức tăng 0,66%. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tăng giá thêm 672 đồng/USD, tương ứng mức tăng 2,7%. So với mức giá đầu năm, đồng bạc xanh hiện nay tăng 1.022 đồng/USD, tương ứng mức tăng giá 4,2% và có tốc độ tăng gần bằng mức hồi tháng 5.

Điều khá lạ là giá USD tăng nhanh trong bối cảnh xuất siêu lên đến 21 tỉ USD. Mới đây Tổng cục Hải quan công bố tổng kim ngạch xuất khẩu trong 1 ngày đầu tháng 10 đạt 16,15 tỉ USD, nâng con số lũy kế tính từ đầu năm đến 15.10 lên 315,9 tỉ USD (tăng 15,3% so với cùng kỳ). Đơn hàng xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước tăng khá đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào trong kỳ 1 đạt gần 15,8 tỉ USD, lũy kế hết 15.10, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỉ USD (tăng 17,5% so với cùng kỳ). Như vậy, tính đến ngày 15.10, cán cân thương mại thặng dư 21,24 tỉ USD.

Một trong những yếu tố khiến giá USD tăng mạnh những tuần qua đến từ nhu cầu ngoại tệ trên thị trường cao. Ngày 22.10, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc mua 200 triệu USD từ các ngân hàng thương mại.

Đây là đợt mua ngoại tệ thứ 7 kể từ đầu năm đến nay của Kho bạc Nhà nước, nâng tổng lượng mua ngoại tệ lên 1,05 tỉ USD. Vào tuần trước, Kho bạc Nhà nước đã có đợt mua ngoại tệ khối lượng lớn nhất là 300 triệu USD. Chỉ tính riêng tháng 10, lượng ngoại tệ mà Kho bạc Nhà nước mua vào đã lên 700 triệu USD. Theo giới kinh doanh vốn ngân hàng thì nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến giá ngoại tệ tăng nhanh gần đây.

Lý giải việc giá USD tăng cao bất chấp thặng dư cán cân thương mại gia tăng, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng giá USD tăng giảm thường phụ thuộc vào cán cân thanh toán tổng thể. Do đó, thặng dư thương mại tăng mà giá USD tăng thì chứng tỏ cán cân tài khoản vốn có thể âm. Ở đây, cán cân thương mại dương chưa thể nói lên được điều gì khi đánh giá tác động đến giá USD. Chẳng hạn, nhìn vào con số xuất nhập khẩu kỳ 1 tháng 10 sẽ thấy xuất siêu ít nhưng nhu cầu ngoại tệ thanh toán, cùng với nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cao hơn nên giá USD tăng lên. Thêm vào đó, một yếu tố khác tác động đến giá USD hiện nay, đó là áp lực từ vàng tăng giá dẫn đến nhu cầu ngoại tệ gia tăng.

Sóng USD có thể duy trì trong tháng 10 - 11 và qua tháng 12 sẽ ổn hơn. Hiện nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại cao hơn 4% so với đầu năm. Việc tỷ giá chỉ tăng 3% trong năm như kế hoạch đề ra xem ra sẽ khó.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, việc NHNN hút tiền về khiến lãi suất tiền đồng tăng lên sẽ phần nào giảm áp lực lên tỷ giá. Đó là bài toán phải đánh đổi khi giá USD tăng nhanh. Trong từng giai đoạn, NHNN sẽ bơm hay hút tiền như thế nào để có thể điều tiết thị trường lãi suất, tỷ giá.

"Sóng USD có thể duy trì trong tháng 10 - 11 và qua tháng 12 sẽ ổn hơn. Hiện nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại cao hơn 4% so với đầu năm. Việc tỷ giá chỉ tăng 3% trong năm như kế hoạch đề ra xem ra sẽ khó. Bước vào những tháng cuối năm, nhập khẩu tăng cao nên từ đó nhu cầu ngoại tệ cũng gia tăng. Lượng ngoại tệ như kiều hối dù có về nhiều cũng không thể cân đối, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cao", ông Nguyễn Hữu Huân dự báo.

Gần đây, NHNN tiến hành hút tiền về trên thị trường với khối lượng lớn. Đây là động thái khá mới của NHNN trong nhiều tháng gần đây. Ngày 21.10, NHNN hút về 21.650 tỉ đồng; trước đó ngày 18.10 hút về 12.300 tỉ đồng…Điều này đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh trở lại. Ngày 22.10, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 0,2 - 1,4% so với cuối tuần trước, trong đó lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh nhất. Lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng thương mại lên 4 - 4,97%/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.