Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án thành phần 1A dài 8,22 km có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng. Đây là một cấu phần của đường Vành đai 3 TP.HCM. Dự án có điểm đầu từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vượt sông Đồng Nai kết nối vào điểm cuối là tỉnh lộ 25B.
Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác kiểm tra thi công dự án Vành đai 3 TP.HCM |
H.M |
Dự án này có hai gói thầu, trong đó gói thầu xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn dài 2,6 km đã khởi công vào tháng 9.2022; còn gói thầu xây dựng đường dẫn phía TP.HCM và phía Đồng Nai hiện đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 2.2023.
Về giải phóng mặt bằng, hiện tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác đền bù 7,5 ha/49,1 ha và bàn giao 1.350/6.300m tổng chiều dài tuyến. TP.HCM đã hoàn thành công tác đền bù 34,19 ha/35,72 ha, bàn giao 1.920/1.920m tổng chiều dài tuyến. Tiến độ bàn giao mặt bằng của TP.HCM đạt nhanh kỷ lục từ trước đến nay đối với các dự án công trình giao thông đi qua khu vực đô thị.
Báo cáo của UBND TP cho biết, TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với các dự án thành phần xây dựng, UBND TP và UBND tỉnh Long An đã phê duyệt cơ bản đáp ứng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, hiện đang triển khai các công tác ở bước thiết kế kỹ thuật.
Các dự án thành phần xây dựng của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chưa phê duyệt, chậm so với kế hoạch do báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt.
Theo UBND TP.HCM, để đảm bảo bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng vào tháng 6.2023, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là yếu tố rất quan trọng.
Khảo sát cho thấy, diện tích đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án chiếm hơn 90%, nếu làm theo cách thông thường (bồi thường đất nông nghiệp và đất ở cùng một lúc) sẽ chậm bàn giao 100% mặt bằng để triển khai dự án.
Do đó, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường TP trao đổi thống nhất thực hiện việc thu hồi đất nông nghiệp trước (sau 90 ngày) và vận động người dân có đất ở chấp thuận cho thu hồi đất, nhận tiền bồi thường và nhận nền tái định cư mà không chờ hết thời hạn 180 ngày như quy định tại điều 67 luật Đất đai 2013.
Đầu tháng 1.2023, TP.Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã đồng loạt ban hành thông báo thu hồi đất cho 1.669 trường hợp và tập trung triển khai đến từng hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng trong dự án.
Đây là cách làm mới, có thể tiết kiệm được 90 ngày so với kế hoạch đề ra. Hiện TP.HCM đã chuẩn bị khu tái định cư tại chỗ để bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng giúp người dân an cư, sớm ổn định cuộc sống.
Cụ thể, tại TP.Thủ Đức địa điểm tái định cư ở khu tái định cư phường Long Bình - Long Thạnh Mỹ; huyện Củ Chi có địa điểm tái định cư tại xã Tân Thạnh Tây với diện tích khoảng 13.600m2.
Ở huyện Hóc Môn có địa điểm tái định cư tại xã Xuân Thới Đông, diện tích hơn 9.100m2. Còn ở huyện Bình Chánh: địa điểm tái định cư tại khu dân cư Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai.
Đối với những trường hợp không đủ điều kiện bố trí tái định cư, TP.HCM sẽ xây dựng chính sách và chuẩn bị đầy đủ quỹ căn hộ chung cư để bán cho hộ dân, đảm bảo tất cả người dân phải có chỗ ở ổn định.
Đối với những trường hợp quá khó khăn, không đủ tiền trả một lần khi mua căn hộ cũng sẽ được xem xét giải quyết cho trả chậm, trả góp trong thời hạn 15 năm.
UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần xây dựng trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
Về nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, phía chủ đầu tư thông tin hiện đang khan hiếm do đồng loạt triển khai nhiều dự án, đặc biệt là cát đắp nền.
Vì thế, phía thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh có mỏ vật liệu quan tâm, hỗ trợ, ưu tiên vật liệu cho dự án đường Vành đai 3.
"Việc triển khai thực hiện các hồ sơ thủ tục để khai thác mỏ gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy định của luật Khoáng sản, luật Đầu tư, luật Đất đai. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, hướng dẫn triển khai thực hiện các hồ sơ thủ tục để khai thác mỏ vật liệu xây dựng chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho dự án" - báo cáo của UBND TP nêu rõ.
Bình luận (0)